12/01/2016 00:50 GMT+7

Xài tiền như người Thái

HUY ĐĂNG 
(huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG 
([email protected])

TT - Theo cách nói của chủ tịch Thai Premier League Ong-Arj Kosinkar, sau khi đã có tiền thì bóng đá Thái Lan tập trung vào việc “xài tiền” - phát triển bóng đá trẻ và mua sắm ngoại binh.

Ngôi sao trị giá 9 triệu euro Diogo (phải) ăn mừng chức vô địch cùng Buriram - Ảnh: Buriram news
Ngôi sao trị giá 9 triệu euro Diogo (phải) ăn mừng chức vô địch cùng Buriram - Ảnh: Buriram news

 

Một đội bóng hai học viện

Bóng đá trẻ Thái Lan những năm gần đây được đầu tư rất mạnh. Hàng loạt học viện bóng đá liên kết với những CLB hàng đầu châu Âu như Arsenal, Everton, Leicester City, Atletico Madrid... Nhưng đó mới chỉ là bề nổi.

HLV trưởng tuyển Thái Lan Kiatisuk Senamuang phân tích: “Việc có mối liên hệ rất tốt với những CLB châu Âu đã giúp cầu thủ trẻ Thái Lan có thêm cơ hội cọ xát, học hỏi và cả khả năng ra nước ngoài thi đấu. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là giai đoạn nền tảng, tìm kiếm tài năng trẻ và bóng đá học đường”.

Người Thái làm bóng đá học đường như thế nào? Trong chuyến đi Bangkok vừa qua, chúng tôi đến thăm một “trường học bóng đá” kiểu mẫu ở Thái Lan - Assumption Thonburi School, có từ cấp I đến cấp III. Thật tình chúng tôi thấy choáng trước vẻ bề thế của Trường Assumption Thonburi. Một sân vận động lớn với khán đài khoảng 2.000 chỗ ngồi, ngay sát bên là hai sân tập cỏ xanh mướt, ngoài ra trường có đầy đủ phòng họp báo, phòng y tế, khám sức khỏe... Đây là cơ sở vật chất của một đội bóng cấp trường học sao?

Tất nhiên không phải. Đội bóng đá của trường nơi đây - Assumption United hiện chơi ở Giải hạng nhì Thái Lan, giải đấu có đến 83 đội bóng. Trên bản đồ bóng đá Thái hiện nay, Assumption United cũng có “số má” khi chính là nơi từng đào tạo ra ba cái tên lừng lẫy ở tuyển Thái Lan hiện tại: thủ thành Kawin Thamsatchanan, tiền vệ Sarach Yooyen và tiền đạo Teerasil Dangda, cả ba hiện đều đang là cầu thủ của MuangThong United. Không ngạc nhiên khi Assumption Thonburi School ngoài việc là một trường học đầu tư mạnh cho bóng đá, còn sắm thêm vai trò là học viện “xơcua” cho CLB MuangThong United lừng danh.

Sở dĩ nói vậy là bởi MuangThong cũng có một học viện khác của riêng mình, nằm ngay tại sân vận động của đội bóng với hơn 100 học viên, trải dài từ lứa tuổi U-12 đến U-18.

Hằng ngày, hơn 100 học viên này đi học tại các trường phổ thông liên kết với CLB ở Bangkok, đến chiều lại về đội tập luyện và ăn ngủ tại học viện của MuangThong United. Nhưng với phương hướng đào tạo trẻ của MuangThong United, chừng đó là chưa đủ.

Ông Sarod Bannakulpipat, HLV trẻ của MuangThong, cho biết để “vơ vét” thêm tài năng, MuangThong đã ký hợp đồng với Trường Assumption Thonburi và biến nơi này thành học viện bóng đá thứ hai của mình.

Mỗi năm MuangThong United tài trợ cho Assumption Thonburi School khoảng 5 triệu baht (3,1 tỉ đồng) để phát triển học viện nơi đây. Các HLV trẻ được MuangThong gửi đến Assumption Thonburi School, tài trợ các chuyến thi đấu...

Đổi lại, gần 100 cầu thủ học sinh tốt nhất của trường thuộc quyền sở hữu của MuangThong United và những viên ngọc quý như Kawin, Sarach được ưu tiên gửi đến đội bóng số hai của Thai Premier League, số kém hơn sẽ ở lại Assumption United.

Các cầu thủ trẻ ở học viện bóng đá của MuangThong tập luyện - Ảnh: H.Đ.
Các cầu thủ trẻ ở học viện bóng đá của MuangThong tập luyện - Ảnh: H.Đ.

Cầu thủ trẻ một năm đá 4-5 giải

Không chỉ MuangThong United, nhiều CLB lớn khác của Thái Lan cũng có mô hình xây dựng học viện kiểu này, một ngay ở đội bóng, một “ở nhờ” các trường học có sân bãi thể thao tốt. Mục tiêu chính là tuyển chọn nhiều nhất có thể các tài năng bóng đá trưởng thành từ môi trường học đường.

“Nhiều cầu thủ trẻ rất có tiềm năng nhưng vì chỉ chơi bóng cho các đội trường học, các CLB nhỏ trong lứa tuổi 15-18 nên không thật sự phát triển được năng lực của mình. Chúng tôi không muốn lãng phí những người như vậy” - HLV Sarod giải thích.

Thêm vào đó, môi trường bóng đá học đường của Thái Lan lại rất phát triển, điều này bắt nguồn từ sự quan tâm của ngành giáo dục Thái Lan với thể thao. Trong chương trình học do Bộ Giáo dục Thái Lan công bố từ năm 2008, các học sinh từ tiểu học cho đến trung học của Thái Lan có ít nhất 80 giờ học thể thao một năm, tức khoảng 2 giờ 30 phút mỗi tuần.

“Bóng đá được giảng dạy nhiều trong các trường tiểu học Thái Lan nên đó là nơi tuyển quân tuyệt vời với các CLB chuyên nghiệp Thái Lan”, HLV Sarod nói thêm.

Học viện nhiều, cầu thủ trẻ vô số, MuangThong United giải quyết đầu ra cho các cầu thủ trẻ chưa đủ sức chen chân vào đội chính bằng việc liên kết với những đội bóng giải hạng nhì. Ngoài Assumption United, MuangThong sở hữu thêm hai CLB “sân sau” nữa là Nonthaburi FC (đang đá giải hạng nhì) và Pattaya United (đá giải hạng nhất). Phần lớn cầu thủ của ba CLB này là sản phẩm từ học viện của MuangThong, nằm trong lứa tuổi trên 18.

Chỉ một mình MuangThong đã sở hữu đến ba đội bóng trẻ. Không lạ khi Giải hạng nhì Thái Lan có đến cả thảy 83 đội, với không ít đội là “sân sau” của các học viện thuộc những đội bóng hàng đầu Thai Premier League. Điều này tạo ra cơ hội thi đấu rất nhiều cho các cầu thủ trẻ Thái Lan.

Mùa giải năm 2015, Liên đoàn Bóng đá Thái Lan (FAT) lần đầu tiên tổ chức hệ thống giải đấu quốc gia cho hai độ tuổi U-13 và U-15 dưới dạng league (thi đấu vòng tròn, có sân nhà sân khách như giải vô địch quốc gia).

Với mô hình này, các cầu thủ trẻ Thái Lan được thi đấu quanh năm và có thêm nhiều cơ hội cọ xát hơn so với dạng đấu cúp như ở VN.

Trước khi hệ thống giải đấu này ra đời, bản thân các cầu thủ nhí của bóng đá Thái cũng đã có rất nhiều giải đấu. Ông Sarod nói: “Một đội trẻ của chúng tôi mỗi năm tham gia đến bốn, năm giải đấu cúp do FAT tổ chức. Đội trẻ U-15 do tôi dẫn dắt trung bình mỗi năm đá 20-25 trận”.

Ngập tràn cầu thủ ngoại triệu đô

Bên cạnh việc đầu tư phát triển bóng đá trẻ, một mối quan tâm khác của bóng đá Thái Lan là cầu thủ ngoại. Thai Premier League mùa rồi có cả thảy 90 cầu thủ ngoại, gồm năm cầu thủ mỗi đội theo mô hình “4+1” (mỗi đội được sở hữu năm ngoại binh, nhưng khi ra sân chỉ được tối đa bốn và phải có ít nhất một người châu Á). Trong số này không ít cầu thủ đạt đẳng cấp quốc tế.

Diogo, chân sút người Brazil của đội vô địch Buriram giành giải vua phá lưới với 33 bàn ngay trong mùa đầu tiên thi đấu ở Thái. Chẳng ai ngạc nhiên nếu nhìn vào hồ sơ của Diogo.

Năm 2008, thời điểm Diogo 21 tuổi anh được Olympiakos (Hi Lạp) mua đứt từ Portuguesa (Brazil) với giá 9 triệu euro. Những chấn thương liên miên đã khiến Diogo hơi sa sút phong độ. Nhưng để tỏa sáng tại Đông Nam Á thì một ngôi sao từng có giá 9 triệu euro lại quá thừa sức.

Một ngôi sao ngoại khác trong đội Buriram - Andres Tunez người Venezuela vốn trưởng thành tại lò đào tạo của CLB Celta Vigo (đang đứng thứ tư Giải vô địch Tây Ban Nha) và được định giá khoảng 2 triệu USD. Những cầu thủ như Diogo, Tunez đang ngày càng nhiều ở Thai Premier League.

Đây là kết quả từ việc xây dựng một mạng lưới các “trinh sát viên” (những người tìm kiếm tài năng trẻ cho CLB) và người đại diện cầu thủ rộng lớn ở nước ngoài của bóng đá Thái Lan.

Ông Kan Jarat - tổng giám đốc CLB MuangThong United - cho biết đội bóng của ông xây dựng quan hệ với khoảng 100 người đại diện và “trinh sát viên” từ khắp các nước trên thế giới.

“Nhưng đơn giản nhất là bạn phải có nhiều tiền và thương hiệu. Đó là hai yếu tố quan trọng nhất để thu hút các ngôi sao bóng đá nước ngoài”, ông Kan nói.

______________

Kỳ tới: Gặp nhà cải cách của bóng đá Thái

HUY ĐĂNG 
([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp