04/03/2023 05:20 GMT+7

Xài điện thoại, sểnh ra là bị lừa đảo

Thời gian gần đây các chiêu trò lừa đảo lại bùng phát và giăng thiên la địa võng với người dùng điện thoại. Các tay lừa đảo đã mạo danh các dịch vụ tài chính, ngân hàng để đưa nhiều người vào bẫy.

Một trang Facebook cá nhân mạo danh nhân viên của một hệ thống bán lẻ nhằm lừa đảo người dùng

Một trang Facebook cá nhân mạo danh nhân viên của một hệ thống bán lẻ nhằm lừa đảo người dùng

Tuổi Trẻ đã ghi nhận khá nhiều người dùng được thông báo "tài khoản sẽ bị khóa sau 2 giờ, nhấn phím 9 để liên lạc tổng đài xử lý". Đây là chiêu trò lừa đảo từng được truyền thông cảnh báo nhưng vẫn "bẫy" được nhiều người mới.

Lừa bán điện thoại

Trong khi lướt Facebook, chị Huyền Trang (TP.HCM) thấy trang "Táo…" rao bán điện thoại iPhone với giá rẻ hơn rất nhiều so với các đại lý bán hàng chính hãng mà chị đã tìm hiểu trước đó.

Truy cập tìm hiểu thông tin, chị nhận thấy trang này có vẻ uy tín khi liên tục post hình ảnh chụp những người dùng đã mua iPhone tại cửa hàng, còn có cả túi đựng sản phẩm ghi thương hiệu riêng của cửa hàng.

Sau khi trao đổi qua chat, tin tưởng và chuyển tiền đặt cọc, chị Trang chờ mãi vẫn không thấy giao hàng.

"Tôi đặt cọc 3 triệu đồng mua chiếc iPhone 12, nhưng chờ hơn hai tuần không thấy giao hàng. Tôi quay lại trang chat thì phát hiện mình đã bị chặn, gọi điện đến cửa hàng cũng không liên lạc được. Tôi biết mình đã bị lừa", chị Trang chia sẻ.

Không chỉ lập cửa hàng online giả, những kẻ lừa đảo còn lập cả trang Facebook cá nhân xưng là nhân viên của các hệ thống bán lẻ iPhone nổi tiếng.

Mới đây một người mẹ đã liên hệ với hệ thống bán lẻ 24hStore để… đòi tiền về việc "cửa hàng có nhân viên bán hàng cho con, bắt nó nạp card (thẻ cào điện thoại) mà không gửi điện thoại cho nó. Lên Facebook thì ảo nên không biết nhân viên là ai".

Con của người mẹ này đã liên hệ với một trang Facebook có tên là Mai Khanh Apple có hình đại diện là một cô gái với hình nền là của hệ thống 24hStore để mua điện thoại.

Bà Ánh Hồng, đại diện hệ thống 24hStore, cho biết hệ thống thường xuyên bị mạo danh online lẫn offline. Các tay lừa đảo dùng tên, logo (giống 90%), hình ảnh sản phẩm, hình ảnh người nổi tiếng đến mua hàng tại 24hStore để đăng bài, quảng cáo bán hàng.

"Các fanpage giả mạo nhiều trường hợp còn táo tợn đăng thông tin về các chi nhánh của 24hStore tại các địa điểm không đúng như Đà Nẵng, Bình Thuận… Điều này đã gây ra sự nhầm lẫn và hoang mang cho nhiều người dùng khi họ không biết đâu là fanpage chính thức", bà Hồng bức xúc.

Những chiêu trò cũ và nạn nhân mới

Vừa trở lại văn phòng làm việc được một tuần sau Tết, anh Hoàng Hải (ngụ TP Thủ Đức) nhận được email từ người gửi có tên Ví MoMo.

Nội dung rất ư hấp dẫn: "Nhân dịp hợp tác đầu xuân năm mới giữa ZaloPay và MoMo cùng nhau phát triển công nghệ thanh toán không tiền mặt, chúng tôi xin gửi đến quý khách hàng số tiền 1.999.000 đồng, số tiền sẽ được bộ phận phụ trách chuyển trực tiếp đến tài khoản ngân hàng liên kết với ví hoặc ví điện tử…".

Kèm thông báo là đường liên kết cho người dùng lựa chọn nhận tiền qua tài khoản ZaloPay hoặc Vietcombank.

Khi nhấn truy cập, người dùng sẽ được đưa đến trang zalopay.online với giao diện rất giống trang đăng nhập tài khoản của Vietcombank hoặc ZaloPay. Người dùng nhập thông tin cũng đồng nghĩa cung cấp chúng cho kẻ lừa đảo.

"Điều quan trọng là email có ghi đầy đủ thông tin họ và tên, số điện thoại, địa chỉ của tôi, rất dễ khiến người dùng tin tưởng email không phải lừa đảo", anh Hải chia sẻ.

Anh còn khẳng định nhiều bạn bè của anh cũng nhận được email với nội dung tương tự.

Trong khi đó, vừa nộp hồ sơ dịch vụ bảo hiểm qua đường bưu điện được một ngày, chị Vân Quyên (TP.HCM) bất ngờ nhận được điện thoại thông báo bưu kiện gửi đi không thành công, kèm gợi ý "để kiểm tra và giải quyết, vui lòng nhấn phím 6".

Chị Quyên làm theo và nghe giọng một người đàn ông cho biết bưu kiện có liên quan đến một vụ án hình sự, bên công an sẽ liên lạc với chị để làm việc.

"Đến đây thì tôi nhận ra ngay mình sắp dính vào bẫy lừa đảo. Dù đã nhận thức chiêu trò này từ lâu nhưng sự trùng hợp bất ngờ với công việc đã khiến tôi mất cảnh giác", chị Quyên cho biết.

Cũng với chiêu trò gọi điện thoại, Tuổi Trẻ ghi nhận khá nhiều người dùng được thông báo "tài khoản sẽ bị khóa sau 2 giờ, nhấn phím 9 để liên lạc tổng đài xử lý". 

Đây là chiêu trò không mới với tiến trình giống như cuộc gọi thông báo bưu kiện của chị Quyên nêu trên.

Người nhẹ dạ cả tin sẽ bị dẫn dắt liên lạc với những kẻ mạo danh công an, điều tra viên, nhân viên ngân hàng… nhằm lấy các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dùng, thậm chí dụ họ chuyển tiền đến tài khoản kẻ lừa đảo…

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn - giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, cho rằng những chiêu thức lừa đảo tuy không mới nhưng vẫn tràn lan là do kẻ lừa đảo tấn công vào yếu tố tâm lý của nạn nhân.

"Khi nói chuyện trực tiếp, người nghe thường bị mất cảnh giác, cùng với đó là khả năng dẫn dắt của kẻ lừa đảo khá tinh vi khiến người nghe bị rối loạn dẫn đến tin theo một cách mất chủ ý", ông Sơn chỉ ra lý do rơi vào bẫy.

Phá đường dây lừa đảo hơn 10.000 người

Thượng tướng Lương Tam Quang - thứ trưởng Bộ Công an, vừa gửi thư khen Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây lừa đảo hơn 10.000 người dân.

Cuối năm 2022, các đơn vị này đã phối hợp triệt phá hai chuyên án sử dụng mạng Internet lừa đảo dưới hình thức mạo danh ngân hàng, tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản của hơn 10.000 người trên khắp cả nước.

Cơ quan chức năng đã khởi tố 10 bị can, thu giữ 109 máy tính, 69 laptop, 2 ô tô và nhiều tang vật có liên quan.

Đại lý iPhone cũng bị lừa mất hàng dễ dàng

Một đại lý bán lẻ iPhone chính hãng tại TP.HCM cho biết vừa bị kẻ xấu lừa cướp điện thoại iPhone bằng chiêu mua hàng qua mạng và giao tại nhà.

Kẻ gian đặt mua hàng qua mạng và yêu cầu đại lý giao hàng, thanh toán tại nhà khách hàng ở quận 10. Khi nhân viên cửa hàng đến giao hàng, kẻ gian kiểm hàng rồi vờ bảo vô nhà lấy tiền… và biến mất.

Sau khi công an vào cuộc, kẻ gian đã bị bắt khi đang lẩn trốn nhưng chiếc điện thoại đã bị bán cho một cửa hàng ở Bình Thạnh. (ĐỨC THIỆN)

Chiếm đoạt SIM điện thoại để vào tài khoản chứng khoán, ngân hàng

Công ty cổ phần chứng khoán VPS (VPS) vừa phát đi cảnh báo cho biết gần đây tại các tổ chức tài chính đã ghi nhận nhiều trường hợp kẻ gian sử dụng chiêu thức lừa đảo mới thông qua SIM điện thoại/số điện thoại, nhằm chiếm đoạt tài sản từ các tài khoản ngân hàng và tài khoản chứng khoán của khách hàng.

Kẻ gian gọi điện giả mạo là nhân viên nhà mạng viễn thông và thông báo đang có chương trình hỗ trợ miễn phí khách hàng nâng cấp SIM điện thoại từ 3G/4G lên 5G kèm theo nhiều ưu đãi và tiện ích.

Thông qua việc lừa nâng cấp SIM, kẻ gian chuyển đổi số điện thoại của nhiều người sang eSIM (SIM điện tử) ngay trên điện thoại của chúng, rồi hướng dẫn gửi các tin nhắn để nâng cấp SIM, trong đó có việc đọc mã OTP do nhà mạng gửi với lý do để hoàn tất việc nâng cấp SIM.

Nếu làm theo yêu cầu, ngay lập tức SIM sẽ bị vô hiệu hóa, số điện thoại của nạn nhân đã được chuyển sang eSIM của kẻ gian.

Khi có được số điện thoại, kẻ gian sẽ đổi mật khẩu trên email cá nhân của nạn nhân, liên hệ nhà mạng viễn thông để truy vấn số CMND/CCCD, sau đó là các tài khoản ngân hàng, chứng khoán của nạn nhân. (BÔNG MAI)


Ngày càng nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm đến người dùng smartphone - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Ngày càng nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm đến người dùng smartphone - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Sẽ có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi

Theo thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 2-2023, người dùng đã phản ánh về trung tâm đến 166 trường hợp lừa đảo. Trong đó có rất nhiều vụ lừa đảo mạo danh các dịch vụ tài chính như ví MoMo, Ngân hàng Shinhan, An Bình, MBbank, HDbank…

Trung tâm cũng thông báo rất nhiều trang web dùng cho hoạt động lừa đảo như: mmomo.me, cardshinhan.com, anbinh-finance.club, hdbankfinance.live, vaymb.org…

Trong khi đó, theo thống kê của Công ty an ninh mạng Bkav, cứ 4 người dùng Việt Nam có đến 3 người nhận được tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo tài chính online.

Hãng này dự báo trong năm 2023, lừa đảo qua hình thức gửi tin nhắn, gọi điện sẽ tiếp tục phổ biến. Dù nhận thức của người dùng đã được cải thiện, nhưng hacker ngày càng có thêm nhiều thủ đoạn tinh vi, người dùng chỉ cần sơ sẩy là trở thành nạn nhân.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, để tránh rơi vào bẫy lừa đảo, người dân không nên trao đổi nhiều khi nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, không có trong danh bạ.

"Cần lưu ý là các cơ quan nhà nước không làm việc với người dân qua điện thoại mà thường sẽ gửi giấy mời trực tiếp. Ngoài ra, nếu nhận yêu cầu cung cấp mã OTP hay chuyển tiền nộp phạt, tuyệt đối không làm theo", ông Sơn khuyến nghị. (Đ.THIỆN)

Đủ chiêu lừa đảo qua điện thoạiĐủ chiêu lừa đảo qua điện thoại

TTO - Khi hầu hết các hoạt động giải trí, trao đổi thông tin, công việc, tài chính… đều được đông đảo người dân thực hiện qua điện thoại di động, nó trở thành đích nhắm của rất nhiều chiêu trò lừa đảo.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp