14/10/2016 11:23 GMT+7

Xách loa xuống đường

HỮU KHOA - NGỌC HIỂN (huukhoa@tuoitre.com.vn)
HỮU KHOA - NGỌC HIỂN ([email protected])

TTO - Lòng vòng qua nhiều nẻo đường, chúng tôi quyết định hát “mở hàng” ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong một đêm mưa lớt phớt.

Những cái lắc tay từ chối (mua kẹo) phũ phàng của khách nhậu - Ảnh: HỮU THUẬN
Những cái lắc tay từ chối (mua kẹo) phũ phàng của khách nhậu - Ảnh: HỮU THUẬN

Hơn 10 anh em ở “nghiệp đoàn” ai cũng sống khỏe với nghề này. Nghề nào cũng vậy, chăm chỉ là làm được hết. Vào đây mình sống tốt, không những không bị phạt mà còn được thưởng nửa. Một tháng làm tốt mình sẽ được thưởng 900.000 đồng, cái này không khó, chỉ cần mình làm tốt thôi

Ông Tình

“Kính chào các cô chú, các anh chị, âm nhạc đường phố xin phục vụ một vài bản nhạc trữ tình, mở đầu là nhạc phẩm Những lời này cho em. Kính mời quý khách thưởng thức”.

Câu mời chào vọng ra từ chiếc loa đặt trên lề đường thu hút mọi ánh mắt trong quán nhậu đổ dồn vào chúng tôi.

Người mua kẻ không

Dưới mưa, đồng nghiệp cầm micrô hát, tôi ngồi xuống chiếc loa để điều chỉnh âm lượng rồi “lia” đôi mắt vào các bạn nhậu, áp dụng bài học của “thầy” Thường: “Ai lắng nghe, chắc chắn sẽ mua”.

Đồng nghiệp ca đến bản thứ hai, tôi cầm vỉ kẹo đến bên vị khách trung niên vừa đốt thuốc, vừa rung đùi nghe nhạc, tôi cúi gập người mời: “Mời chú mua giúp cháu một vỉ kẹo”. Đúng như dự đoán, không cần hỏi giá, vị khách rút ví mua “mở hàng” ngay một vỉ kẹo.

Còn lại, những bàn khác không ai đoái hoài, ai cũng khoát tay từ chối lời mời.

Quán lẩu dê kế tiếp có chừng 20 bàn nhậu, phần lớn là thanh niên, ăn mặc chỉnh tề như dân công sở.

Với chiêu cũ, tôi chậm rãi đến bên bàn nhậu có người phụ nữ trung niên say sưa nghe đồng nghiệp ca bài Lời đắng cho cuộc tình.

“Con bán bao nhiêu tiền một cái?” - người phụ nữ này hỏi nhẹ nhàng bằng giọng miền Trung. Nghe giá, bà đặt tay vào hộp kẹo lấy năm cái rồi nói: “Cô không ăn nhưng cô mua ủng hộ, các con hát hay, nghe da diết quá”.

Thấy chúng tôi đứng hát dưới mưa, các bàn nhậu trong quán ai cũng mua ủng hộ đôi ba vỉ kẹo.

Quán nhậu kế tiếp nằm ngay chân cầu Chu Văn An, đây là một quán cháo lòng bình dân, chỉ có đôi ba người uống bia, còn lại đều uống rượu trắng.

Những chiếc áo khoác đồng phục đã ngả màu và những chiếc mũ nhựa bảo hộ lấm lem bên bàn nhậu khiến tôi đoan chắc họ là công nhân xây dựng.

Dù chúng tôi hát đến bài thứ ba, đồng nghiệp lên giọng, quằn quại hát bài Túy ca nhưng những đôi mắt khách nhậu vẫn lạnh lùng.

Tôi cặm cụi mời từ bàn này đến bàn khác nhưng chẳng một vị khách nhậu nào ngó ngàng, 10 vỉ kẹo vẫn y nguyên khi chúng tôi cúi đầu rời quán.

“Hồi đó giờ có đám nào hát quán chị đâu, khách nhậu rượu nhấm lòng heo mà tiền đâu mua kẹo, mấy đứa hát hay lắm nhưng thôi đi quán khác kiếm sống nhé” - chị chủ quán động viên.

Rồi chúng tôi rẽ sang những con đường khác, quán nhậu khác. Hát liên tục ba giờ nên đã khản giọng. Đến 22g số tiền cả vốn lẫn lãi của đêm đầu mà chúng tôi thu được chỉ có 250.000 đồng...

Đụng hàng

Đêm thứ hai, chúng tôi hát năm quán nhậu liên tiếp ở khu vực cư xá Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) nhưng chỉ bán được duy nhất... một vỉ kẹo.

Nhiều quán chúng tôi vừa mới đặt loa thì bảo vệ lại đến xua tay nên phải chạy lòng vòng tìm quán. Đi hết phố nhậu đường Ung Văn Khiêm nhưng chẳng có quán nào cho hát, chúng tôi quyết định băng qua cầu Sài Gòn, phi thẳng đến con đường nhiều quán nhậu Trần Não (Q.2).

Vừa hát hết bài Túy ca, một vị khách bặm trợn đến chụp micrô nói lớn: “Em xin gửi đến anh Chánh, đến cô Ba một ca khúc mang tên Biển tình - bấm đi em, bấm bài đi em”.

Khách ca được nửa bài, bỗng dưng có những tiếng nhạc xập xình vang lên át cả tiếng hát của khách.

Một người phụ nữ chừng 30 tuổi nhìn chúng tôi hầm hầm rồi chĩa thẳng chiếc loa kẹo kéo vào quán. Kế bên, hai thanh niên tóc nhuộm vàng cũng chĩa chiếc loa kẹo kéo vào quán mở nhạc ầm ầm.

“Đường này có bảo kê đó, mấy đứa coi chừng” - người bảo vệ tên Trung nhắc chúng tôi. “Giờ làm sao anh?” - tôi hốt hoảng đáp. “Cứ để xem tụi nó làm gì, nó không dám vào quán đâu” - anh Trung trả lời.

Ít phút sau, người phụ nữ xem chừng không “lấn sân” được nên tắt nhạc, quay xe rú ga đi nhưng vẫn còn tiếng loa của hai thanh niên tóc vàng.

Bất chợt, loa chúng tôi bị nhiễu sóng, vang lên tiếng hát của chàng trai đang hát ở ngoài đường thay vì tiếng hát của khách.

Suốt 30 phút hai thanh niên này không bán, không mời kẹo nhưng vẫn cứ mở nhạc ầm ầm bên ngoài quán và nhìn chúng tôi chằm chằm.

“Tụi nó chơi mấy đứa đó” - anh Trung nói. Anh Trung cho biết ở đường Trần Não chỉ có vài nhóm kẹo kéo “ôm sô”, đêm nào cũng rảo tới rảo lui đến tận 24g.

Phần lớn đều là gánh hát của một chủ, được cấp loa, cấp kẹo, cấp xe cho đi bán và chỉ nhận tiền lương “cứng” hằng tháng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở những khu vực có đông quán nhậu như đường Phạm Văn Đồng, Hoàng Sa - Trường Sa... là nơi tập trung của giới kẹo kéo nhưng không có tình trạng ma cũ ăn hiếp ma mới bởi nghề này chỉ có khách thương mới trụ lại được.

Tuy nhiên, một số đường ở Q.8, Q.Tân Bình vẫn có “lãnh địa” riêng, có tranh giành địa bàn trong giới kẹo kéo “pêđê”.

“Nghiệp đoàn” kẹo kéo

Những đêm sau đó, chúng tôi “mưu sinh” ở khu vực có đông đúc quán nhậu bậc nhất Sài Gòn dọc tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa.

Ở khu này có cả chục gánh kẹo kéo nhưng phần lớn đều là của một chủ. Theo lời giới thiệu của các “đồng nghiệp”, chúng tôi tìm đến ông Tình, một người chuyên “nuôi” các “ca sĩ” kẹo kéo.

Ông Tình thường đăng các mẫu thông tin tìm ca sĩ kẹo kéo trên mạng, rồi sau đó “casting” và dạy nghề cho những “ca sĩ” này.

Đặt lịch qua điện thoại, ông Tình hẹn gặp mặt chúng tôi và thử giọng. Chỉ cần nghe ca hai câu, ông Tình gật đầu nói: “Giọng này thì kiếm ăn được, nếu gặp thằng nào hát dở thì phải tốn thì giờ tập luyện”.

Sau đó, ông Tình cho chúng tôi xem bản “hợp đồng ca sĩ kẹo kéo” dài hai trang giấy.

Ông Tình cho biết: “Nghề này có hai yếu tố, các em phải biết siêng năng cần cù, nếu cần cù thì một tháng thu nhập ít nhất cũng 7 triệu đồng, tiền dư ấy nha”.

Nếu tham gia vào “nghiệp đoàn” kẹo kéo của ông, chúng tôi sẽ được bao ở, chỉ đóng tiền ăn 15.000 đồng/ngày.

Nếu tự thuê loa đi hát riêng phải trả cho ông Tình 150.000 đồng/ngày. “Ban đầu sẽ có một thành viên của “nghiệp đoàn” đi kèm cặp cho em quen đường quen sá, hướng dẫn cách thức chào hỏi, mời khách mua kẹo.

Em đi thử một tuần, làm quen nghề, nếu thấy được anh sẽ ký hợp đồng vì ai tham gia cũng phải ký hết” - ông Tình nói.

Nếu ký hợp đồng, ông Tình cho biết phải đặt cọc 1 triệu đồng, có quy định rõ ràng mức thưởng, phạt. Tuy nhiên, nếu đi hát nhưng bán không có lãi thì được giảm tiền hai ngày và không bị phạt.

Một vốn bốn lời

Tuy giới hát rong bán kẹo Sài Gòn không còn ai bán kẹo kéo nhưng họ vẫn được gọi với cái tên quen thuộc “hát kẹo kéo”.

“Đồng nghiệp” Nguyễn Thanh Hậu (26 tuổi), có thâm niên gần năm năm bán kẹo, cho biết trước đây ai cũng bán kẹo kéo, nhưng làm kẹo kéo phức tạp lại ít lời nên khoảng hai năm trở lại đây hiếm ai còn bán kẹo này.

“Hát rong bây giờ bán đủ thứ từ bánh, kẹo, phồng tôm, đồ lưu niệm... nhưng người ta quen cái gốc, quen miệng nên cứ gọi là hát kẹo kéo thôi” - Hậu nói.

Hiện nay, giới hát rong bán đủ loại bánh, kẹo nhưng đều mua với giá rẻ bèo. Một hộp sôcôla 20 cây giá 17.000 đồng, hộp bánh xốp 20 cây giá 23.000 đồng, hộp kẹo que 45 que giá 65.000 đồng hoặc kẹo cao su giá 18.000 đồng hộp 10 cái...

Mỗi cây kẹo khi bán cho khách đều đồng giá 10.000 đồng. Riêng chúng tôi lấy kẹo cao su giá 4.600 đồng/cây rồi bán giá 10.000 đồng.

________________

Kỳ tới“Vô mánh"

HỮU KHOA - NGỌC HIỂN ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp