26/12/2024 14:32 GMT+7

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo

Việc xác thực tài khoản mạng xã hội được kỳ vọng góp phần lớn trong việc đẩy lùi tình trạng mạo danh, tung tin giả và lừa đảo đang tràn lan trên mạng, đồng thời đưa mạng xã hội gần với đời thực hơn.

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 1.

Phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được tham gia các hoạt động viết bài, bình luận, livestream... Trong ảnh: livestream bán hàng trên TikTok - Ảnh: THANH HIỆP

Như Tuổi Trẻ đã thông tin, theo nghị định 147 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành có hiệu lực từ 25-12, tài khoản mạng xã hội (MXH) phải xác thực bằng số điện thoại di động hoặc mã số định danh cá nhân mới được phép hoạt động, đăng bài (viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin...).

Những tài khoản nào sẽ phải xác thực?

Cụ thể, trong vòng 90 ngày tới, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội. Các tài khoản phải được xác thực bằng số điện thoại di động.

Trong trường hợp người dùng không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tài khoản sẽ được xác thực bằng số định danh cá nhân. Đặc biệt, những người sử dụng dịch vụ mạng xã hội để livestream với mục đích thương mại phải được thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Như vậy, những người dùng các dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam như Facebook, Instagram, YouTube, TikTok... phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động cá nhân mới được tham gia các hoạt động viết bài, bình luận, livestream, chia sẻ thông tin...

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 2.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, các công ty đứng sau các mạng xã hội lớn nhất Việt Nam như Meta (Facebook, Instagram), Google (YouTube) và TikTok đều cho biết "chưa có thông tin để trả lời báo chí" về việc thực hiện theo nghị định 147. Đại diện một mạng xã hội cho Tuổi Trẻ hay đang chờ hướng dẫn chi tiết từ cơ quan chức năng rồi mới tiến hành xác thực với người dùng. Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cách thực hiện định danh.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, việc xác thực sẽ có các bước giống như việc thêm số điện thoại cá nhân vào tài khoản để kích hoạt tính năng xác thực 2 yếu tố mà đông đảo người dùng đã làm trước đây. Do đó, những tài khoản đã tích hợp số điện thoại di động cá nhân của nhà mạng tại Việt Nam (tài khoản đăng nhập bằng số điện thoại, tài khoản đã bật tính năng xác thực 2 bước bằng số điện thoại di động) được xem như là đã được xác thực theo đúng quy định.

Chỉ những tài khoản dùng tên đăng nhập bằng nickname hay địa chỉ email và chưa tích hợp số điện thoại cá nhân (để xác thực 2 bước) mới phải thực hiện việc xác thực. Trong khi chờ đợi hướng dẫn trực tiếp từ các mạng xã hội, người dùng có thể chủ động thực hiện truy cập vào tài khoản mạng xã hội của mình và bật tính năng xác thực mật khẩu 2 yếu tố bằng số điện thoại di động cá nhân. Sau đó dịch vụ mạng sẽ gửi mã OTP xác nhận, người dùng nhập mã để xác thực số điện thoại với tài khoản của mình.

Người dùng tham gia mạng xã hội với danh tính thực sẽ có ý thức trách nhiệm cao hơn khi đăng tải, thảo luận hay chia sẻ nội dung. Nhờ đó, quy định này sẽ giúp tạo ra môi trường mạng an toàn hơn.
Bà Mai Thị Thanh Oanh (phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc)

Giảm thiểu giả mạo, lừa đảo

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thạc sĩ Nguyễn Phạm Hoàng Huy, chủ nhiệm bộ môn thương mại điện tử FPT Polytechnic HCM, cho rằng quy định mới này là rất cần thiết, góp phần tăng mức bảo vệ người dân khi tham gia mạng xã hội và hoạt động mua bán trên các sàn thương mại điện tử. Trong thực tế, theo ông Huy, rất nhiều trường hợp bị lừa đảo trên môi trường mạng, chủ tài khoản lẫn người thân bị thiệt hại lớn về tinh thần lẫn vật chất.

"Điển hình như có người nhấp vào đường link lạ gửi qua tin nhắn, sau đó bị ăn cắp email và mất tài khoản Facebook. Kẻ gian lấy tài khoản này để nhắn tin, than thở rằng đang gặp biến cố, bệnh tật và mượn tiền. Hay có trường hợp giả làm Việt kiều đang sinh sống ở nước ngoài, làm quen, rồi nhờ chuyển tiền giúp và biến mất...", ông Huy nói.

Cũng theo ông Hoàng Huy, trước đây một số nền tảng mạng xã hội đã có cho xác thực định danh nhưng không mạnh, vì có thể dùng email để thay thế số điện thoại. Đối với những tài khoản được lập trong những năm gần đây, có nền tảng yêu cầu phải có số điện thoại và cả email, có "quét" tính xác thực trong vòng 6 tháng nhưng khá chậm. Chưa kể nhiều bên vẫn có cách lách, dùng số điện thoại ảo từ trang web nước ngoài bán để lập tài khoản mạng xã hội và đi lừa đảo.

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 3.

Những tài khoản đã tích hợp số điện thoại di động cá nhân (tài khoản đã bật tính năng xác thực 2 bước bằng số điện thoại di động) được xem như là đã được xác thực theo đúng quy định - Ảnh: T.T.D.

Vì vậy, việc nghị định 147 yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại tại Việt Nam hoặc số định danh cá nhân là hợp lý. Ngoài hạn chế kẻ gian mạo danh để lừa đảo và thực hiện hành vi sai trái, ông Hoàng Huy cho rằng việc chặt chẽ trong định danh cũng giúp cơ quan chức năng dễ truy vết hơn khi người dân bị lừa đảo thông qua mạng xã hội. "Thêm vào đó là thuận tiện hơn khi quản lý và truy thu thuế, truy vết và xử phạt các trường hợp lừa đảo, gian lận trong hoạt động mua bán trên sàn thương mại điện tử", ông Huy khẳng định.

Trong khi đó, theo bà Mai Thị Thanh Oanh, phó tổng giám đốc Công ty TNHH Cốc Cốc (sở hữu trình duyệt và công cụ tìm kiếm Cốc Cốc), quy định này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế các tài khoản ảo, các thông tin sai lệch hoặc giả mạo, từ đó góp phần ngăn chặn các chiêu trò lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, bà Oanh cũng cho rằng nhiều người dùng có thể sẽ e ngại khi phải xác thực thông tin cá nhân. "Điều này có thể ảnh hưởng phần nào đó tới trải nghiệm người dùng - yếu tố mà mọi sản phẩm công nghệ đều quan tâm đến, hoặc hạn chế các hoạt động như bình luận, chia sẻ công khai. Các nền tảng mạng xã hội sẽ phải đối mặt với thách thức để vừa đảm bảo trải nghiệm thuận tiện, thoải mái cho người dùng vừa không khiến người dùng lo ngại về quyền riêng tư", bà Oanh nói.

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 4.

Nguồn: Bộ TT & TT, tổ chức We Are Social - Đồ họa: N.KH.

Việt Nam có hơn 300 triệu tài khoản mạng xã hội

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số lượng tài khoản người Việt Nam sử dụng dịch vụ mạng xã hội khoảng 313 triệu. Trong đó, tài khoản dùng MXH trong nước khoảng 110 triệu, mạng xã hội xuyên biên giới là 203 triệu.

Cụ thể từng mạng xã hội, số người dùng Zalo hằng tháng (tính đến 30-6-2024) là 76,5 triệu người dùng. Số người dùng Facebook tại Việt Nam là 72 triệu, YouTube đạt 63 triệu và TikTok là 67 triệu người dùng. Còn theo thống kê từ tổ chức We Are Social, số tài khoản người dùng tại Việt Nam trên MXH Instagram là 12 triệu, LinkedIn là 7 triệu và X là 5 triệu.

Lượng tìm kiếm nghị định 147 tăng đột biến

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 5.

Người dân nghiên cứu nghị định 147 trên trang Tư vấn pháp luật - Ảnh: T.T.D.

Theo khảo sát nhanh của trình duyệt Cốc Cốc, một ngày (24-12) trước khi nghị định 147 chính thức có hiệu lực, lượng tìm kiếm đã tăng đột biến 223% so với trung bình hai ngày trước đó. Tại thời điểm nghị định vừa ban hành (9-11), công cụ tìm kiếm Cốc Cốc đã ghi nhận khoảng 44.000 lượt tìm kiếm liên quan đến nội dung này.

Điều này phản ánh người dùng có xu hướng tập trung tìm kiếm thông tin tại các thời điểm quan trọng như khi nghị định được công bố hoặc ngay trước thời điểm có tác động đáng kể đến đời sống và cộng đồng.

Về từ khóa tìm kiếm liên quan đến nghị định 147 trong 1 tháng qua, người dùng chuyển hướng quan tâm rõ rệt hơn về cách thức thực hiện xác thực tài khoản mạng xã hội, thay vì chỉ tìm kiếm các truy vấn chung về nghị định.

Các từ khóa như "cách xác thực tài khoản mạng xã hội" và "xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại" nổi bật hơn đáng kể so với giai đoạn trước, phản ánh nhu cầu tìm kiếm các hướng dẫn cụ thể và thực tiễn.

Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng ghi nhận gần 23 triệu lượt hiển thị tin tức, bài báo có chứa nội dung liên quan đến các từ khóa "nghị định 147", "quản lý Internet", "xác thực định danh mạng xã hội" từ các trang báo, tạp chí điện tử trên Cốc Cốc News Feed. Trên trình duyệt Cốc Cốc, có tới gần 260.000 lượt truy cập vào các trang báo đưa tin về nghị định 147/2024/NĐ-CP. Trong đó, tính riêng lượt truy cập từ Cốc Cốc News Feed đã đạt gần 118.000 lượt.

Xác thực tài khoản để mạng xã hội bớt ảo - Ảnh 6.Từ 25-12, bắt buộc xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại

Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho hay trong năm 2024 đã có thêm 80 trang thông tin điện tử tổng hợp và 40 mạng xã hội trong nước được cấp phép.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp