07/07/2017 18:39 GMT+7

Xác định 9 lao động Việt tử vong ở biển Trung Quốc

DOÃN HÒA - VĂN ĐỊNH
DOÃN HÒA - VĂN ĐỊNH

TTO - Theo thông báo của Bộ Ngoại giao, trong 9 thi thể vớt được tại vùng biển Quảng Đông, Trung Quốc đã xác định được 7 thi thể là người lao động Việt Nam.

Bà Trần Thị Trâm - mẹ anh Lưu Xuân Hoàng, quê xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An đau đáu chờ đưa thi thể con về nước - Ảnh: NGỌC NIỀM
Bà Trần Thị Trâm - mẹ anh Lưu Xuân Hoàng, quê xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn, Nghệ An đau đáu chờ đưa thi thể con về nước - Ảnh: NGỌC NIỀM

Gặp nạn trên biển ở xứ người

Chiều 7-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát thông cáo về thông tin liên quan đến công dân Việt Nam thiệt mạng khi đang vượt biên từ Trung Quốc sang Đài Loan bằng thuyền đánh cá

Theo thông báo, thời gian qua ngư dân Trung Quốc tại Sán Vĩ, Chủ Hải (thuộc tỉnh Quảng Đông) đã vớt được thi thể của 9 người nghi là công dân Việt Nam bị thiệt mạng tại vùng biển khu vực này.

Hiện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc đã xác minh được 7 thi thể là người Việt Nam, trong đó có 3 nạn nhân ở Nghệ An, 2 nạn nhân ở Quảng Bình, 1 nạn nhân ở Hải Dương và 1 nạn nhân ở Hà Tĩnh.

Còn 2 thi thể vẫn chưa xác định được danh tính.

Cũng trong chiều 7-7, Sở Ngoại vụ Nghệ An cũng cho biết đang xác minh thông tin nhóm lao động của tỉnh đã tử vong ở Trung Quốc.

Theo thông tin ban đầu, trong đoàn lao động người Việt Nam thiệt mạng ở Trung Quốc có 4 người quê Nghệ An gồm: Lê Đình Hiếu (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương), Hồ Đức Tiến (xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu), Lưu Xuân Hoàng (xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn) và Nguyễn Phúc Toàn (xã Văn Thành, huyện Yên Thành).

Trong 4 nạn nhân, thi thể của anh Hiếu, Tiến và Hoàng đã được gia đình xác nhận tử vong chờ đưa về nhà mai táng. Riêng trường hợp của anh Toàn hiện nay cơ quan chức năng vẫn chưa có kết quả xét nghiệm ADN.

Theo lời kể của gia đình nạn nhân Hoàng, khoảng cuối tháng 2-2017, một nhóm lao động từ một số tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị… đã đóng từ 40-50 triệu đồng cho một người đàn ông ở Bắc Giang để người này đưa qua Đài Loan làm việc. Sau đó, nhóm này được đưa qua Trung Quốc.

Đến cuối tháng 3-2017, các lao động lên tàu để vượt biển qua Đài Loan thì gặp nạn và tử vong.

Đến giữa tháng 6-2017, một người dân ở Quảng Bình nghe tin người thân gặp nạn đã sang Trung Quốc nhận thi thể và có chụp ảnh các nạn nhân khác. Người này sau đó đăng hình ảnh các nạn nhân lên mạng xã hội để nhờ tìm người thân.

Sau đó, các gia đình này lần lượt nhận được thông tin từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu (Trung Quốc) về việc con họ tử vong và đề nghị xét nghiệm ADN, nhận dạng thi thể để đưa về nước mai táng.

Một lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và xã hội Nghệ An cũng cho biết, đến ngày 7-7 phía Sở cũng chỉ mới nhận thông tin một số lao động tỉnh này tử vong qua báo chí nên đang tiếp tục xác minh từ các địa phương số lao động này đi xuất khẩu lao động qua đơn vị nào hay là xuất khẩu lao động “chui”.

Nhận tro cốt chồng sau thời gian xuất khẩu lao động "chui"

Từ khi đưa hài cốt anh Hùng về mai tang, chị Tiếp (vợ anh Hùng) nằm quằn quại trên giường - Ảnh: VĂN ĐỊNH
Từ khi đưa hài cốt anh Hùng về mai tang, chị Tiếp (vợ anh Hùng) nằm quằn quại trên giường - Ảnh: VĂN ĐỊNH

Sau hơn 3 tháng mất tích, đến ngày 6-7 hài cốt của anh Đào Sỹ Hùng (30 tuổi, ở xã Kỳ Giang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) - một trong số 9 lao động người Việt gặp nạn ở biển Đài Loan được đưa về quê mai táng.

Một số người hàng xóm kể, mấy năm trước anh Hùng đi làm thuê xa có về xây được ngôi nhà cấp bốn. Giờ anh Hùng mất để lại người vợ trẻ và đứa con trai mới 8 tuổi. Từ ngày nhận tin dữ về chồng, chị Hồ Thị Tiếp nằm quằn quại trên giường, khóc thương chồng đến kiệt sức.

Nhìn di ảnh con trai, ông Đào Hữu Thiện đau đớn kể, ngày 26-2 anh Hùng bắt xe ra Bắc để đi nước ngoài làm thuê. Trước khi đi, anh Hùng có nói nhờ một người tên là Minh ở Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa sang Đài Loan bằng con đường “chui”.

“Đến Trung Quốc, con nó có gọi điện về nói là chuẩn bị lên tàu sang Đài Loan. Từ đó tôi không hay tin gì về con nữa…”, ông Thiện ngậm ngùi nói.

Theo ông Thiện, sau khi xem hình ảnh các nạn nhân người Việt gặp nạn ở eo biển Đài Loan, ông mới nhận ra con trai mình. Sau đó ông Thiện đã đến Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để làm xét nghiệm AND gửi sang Trung Quốc.

Đến 30-6, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu đã cấp giấy phép nhập cảnh tro cốt của anh Hùng.

Một số người nhà của các nạn cho biết, có khoảng 20 người ở các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh và Quảng Trị đóng một khoản tiền từ 40-50 triệu đồng cho cho một đường dây mô giới ở tỉnh Bắc Giang để đưa sang Trung Quốc.

Đến ngày 31-3, nhóm người này đến Trung Quốc và mua lại một chiếc thuyền cũ để vượt biển sang Đài Loan làm thuê “chui” thì mất tích…

Các nạn nhân xuất khẩu lao động theo hợp đồng cá nhân

Về vụ 4 lao động VN thiệt mạng tại Trung Quốc, ông Phạm Viết Hương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB&XH), cho biết qua kiểm tra, 4 lao động trên không nằm trong diện quản lý của Cục cũng như các Doanh nghiệp XKLĐ.

Theo đó, các lao động này đi làm việc ở nước ngoài theo diện hợp đồng cá nhân. Việc thông tin hay bảo hộ công dân trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của Bộ ngoại giao.

ĐỨC BÌNH

DOÃN HÒA - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp