10/08/2022 09:24 GMT+7

Xác định rõ 19 hành vi tiêu cực để xử lý

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vừa hướng dẫn một số nội dung cần tập trung chỉ đạo phòng chống tiêu cực, trong đó nhận diện 19 hành vi.

Xác định rõ 19 hành vi tiêu cực để xử lý - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng đang kiểm tra việc tổ chức những bữa tiệc xa hoa như thế này tại Quảng Ninh để "chia tay" giám đốc CDC Quảng Ninh nghỉ hưu

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của các chuyên gia và người am hiểu lĩnh vực này.

19 hành vi tiêu cực cần phòng chống này liên quan đến từng đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Cần phải xác định và phòng chống ra sao cho hiệu quả?

Cần tập trung làm rõ một vài trường hợp vi phạm để xử lý nghiêm minh nhằm tạo sự răn đe chung trong cán bộ, đảng viên. Bên cạnh đó cần tăng cường sự giám sát của các cơ quan, trong đó phải có giám sát chéo để ngăn chặn, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm.

PGS.TS Lê Quốc Lý (nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)

Tiệc tùng xa hoa khi xã hội đang khó khăn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, cho rằng hiện nay Ban Chỉ đạo không chỉ phòng chống tham nhũng mà còn chống cả tiêu cực. Do vậy, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo đã chỉ rõ hơn các hành vi tiêu cực để thống nhất nhận thức trong toàn Đảng từ trung ương đến địa phương và cũng cho thấy tính chất phức tạp, biểu hiện của các hành vi tham nhũng, tiêu cực xuất hiện ở nhiều nơi.

Ông nói thực tế 19 hành vi này đã có trong các văn bản khác của Đảng như 19 điều đảng viên không được làm... song nội dung ở đây thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn nhằm hướng dẫn cho các tổ chức đảng. Đối với hành vi câu kết với doanh nghiệp, đối tượng khác để trục lợi được nhận diện trong 19 hành vi.

Ông Phúc nhấn mạnh thực tế trong thời gian qua rất nhiều vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý đã cho thấy rõ sự câu kết giữa các cán bộ, quan chức, kể cả cấp cao, với các doanh nghiệp, đối tượng nhằm trục lợi. Trong đó, vụ Việt Á vừa qua là một điển hình rõ ràng cho thấy rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao, của Bộ Y tế, Bộ KH-CN, Học viện Quân y, giám đốc CDC nhiều tỉnh thành đã lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để câu kết với doanh nghiệp, các đối tượng để làm sai, trục lợi cho cá nhân.

Ông cũng dẫn chứng về việc xác định hành vi thứ 18: Thực tế thời gian qua ở một số địa phương đã xảy ra hiện tượng cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, có tổ chức các buổi hiếu, hỉ, sinh nhật mình, vợ, con "hoành tráng", với những hình ảnh người đến dự tấp nập, xe biển xanh đỗ dọc đường vào... được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội gây ra phản cảm, bức xúc trong xã hội.

Mới đây nhất, những hình ảnh trên mạng xã hội lan truyền về buổi tiệc chia tay giám đốc CDC Quảng Ninh nghỉ hưu dù chưa có kết luận cụ thể nhưng đã gây ra phản ứng trong dư luận xã hội. "Có thể việc tổ chức tiệc tùng là tiền của cá nhân nhưng trong lúc nhiều người dân còn khó khăn và đời sống chung của cán bộ, công chức còn vất vả thì việc tổ chức những buổi tiệc xa hoa là không ổn, dễ gây bức xúc", ông Phúc nêu.

Lợi ích nhóm gây nguy hại cho chế độ

PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cũng nhấn mạnh trọng tâm chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực của Ban Chỉ đạo là suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Vì vậy, hướng dẫn với 19 hành vi tiêu cực của Ban Chỉ đạo đã nêu rõ thêm các biểu hiện của vấn đề lợi ích nhóm và tạo cơ sở để các tổ chức Đảng, cơ quan, cán bộ, đảng viên thực hiện.

Một điểm được ông Lê Quốc Lý tâm đắc trong 19 hành vi chính là việc Ban Chỉ đạo đã nêu cụ thể những hành vi, vấn đề lợi ích nhóm cần tập trung phòng chống. Ông nói lợi ích nhóm chính là sự câu kết của một số đối tượng với nhau để mưu cầu, đem lợi ích cho mình, làm hại đến lợi ích quốc gia, nhân dân. Đồng thời, khi có lợi cho mình, cho gia đình sẽ quên hết những điều nhân nghĩa, bất chấp luân thường, đạo lý, pháp luật để thao túng.

"Lợi ích nhóm có thể nói là một trong những biểu hiện rõ nét của sự biến chất, tham nhũng và gây nguy hại cho chế độ, mất niềm tin của nhân dân", ông Lý nêu. Ông chỉ rõ thực tế thông qua các vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý thời gian qua đã cho thấy sự câu kết trong lợi ích nhóm càng ngày càng tinh vi, không chỉ bó hẹp trong một cơ quan, đơn vị mà câu kết giữa nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; giữa cán bộ, kể cả cấp cao, trong khu vực nhà nước với tư nhân... Thậm chí có những vụ việc, lợi ích nhóm đã vượt lên trở thành thao túng Nhà nước.

Ông dẫn chứng vụ Việt Á hay việc tổ chức các chuyến bay giải cứu chính là những điển hình của lợi ích nhóm. "Những hành vi câu kết của các cán bộ có chức có quyền với doanh nghiệp, các đối tượng thể hiện rõ sự suy thoái, biến chất và phải bị trừng trị thích đáng", ông nêu.

Xác định rõ 19 hành vi tiêu cực để xử lý - Ảnh 3.

Tổ chức đám cưới rình rang cho con nhiều ngày tại nhà riêng, trong đó có nhiều xe công đã đến dự tại tỉnh Sóc Trăng vào tháng 7-2019 - Ảnh: K.T.

Bà Nguyễn Thanh Hải - bí thư Tỉnh ủy, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thái Nguyên - khẳng định hướng dẫn của Ban Chỉ đạo là hết sức cần thiết, kịp thời và tạo sự đồng bộ, thống nhất trong toàn Đảng trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để giúp ban chỉ đạo cấp tỉnh như chúng tôi căn cứ vào đó để phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi cũng như xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp cán bộ, đảng viên có vi phạm.

"Tôi cho rằng trong thời gian tới, các cấp các ngành cần tập trung tuyên truyền để người dân, cán bộ, đảng viên nhận diện đầy đủ đối với 19 hành vi tiêu cực cần phòng chống để tạo sự lan tỏa trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên và sự giám sát của quần chúng, nhân dân về tinh thần ngăn chặn, đẩy lùi, chủ động tấn công và xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực", bà Hải nói.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết (phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Tôi ủng hộ cách làm này

Việc Ban Chỉ đạo trung ương nêu rõ được 19 hành vi tiêu cực, tôi nghĩ đây là một việc làm cần thiết vì gần như đã bao trọn, làm rõ hết những hành vi tiêu cực. Việc xác định rõ được những hành vi nào là hành vi tiêu cực thì trên cơ sở đó nó sẽ trở thành cơ sở cho chính cán bộ đảng viên hiểu chính xác đâu là hành vi tiêu cực, qua đó có thể tự soi rọi lại mình và tự rèn luyện bản thân.

Và từ đó cũng là cơ sở để các tổ chức, cơ sở Đảng giám sát các quá trình thực hiện của đảng viên. Đồng thời, thông qua các tiêu chí cụ thể này, họ có thể phản ánh kịp thời đến các cơ sở Đảng những đảng viên có hành vi tiêu cực. Hoặc trong hoạt động đấu tranh phê bình, tự phê bình sẽ có những góp ý nếu thấy cán bộ đảng viên của mình có những biểu hiện ban đầu có thể vi phạm những điều này chẳng hạn.

Nhiều năm gần đây, những điều mà các cơ quan trung ương luôn đưa ra được những tiêu chí, hành vi rất là cụ thể. Tôi ủng hộ cách làm này.

TS Cao Vũ Minh (Trường đại học Kinh tế - luật TP.HCM, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Cần giải thích rõ

Đi vào chi tiết từng hành vi đúng là có những điểm khó, điểm vênh với quy định pháp luật. Ví dụ luật hiện nay cho phép viên chức có nhiều quốc tịch. Trong khi hành vi có nhập quốc tịch nước ngoài theo hướng dẫn được cho là tiêu cực và áp dụng chung cho cả cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, nếu không giải thích rõ ràng mà áp dụng cho tất cả đối tượng sẽ chênh với Luật viên chức.

Một ví dụ khác liên quan đến hành vi can thiệp, tác động hoặc để người nhà, người thân, người quen lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Đây là quy định hay nhưng nếu không quy định rõ cũng sẽ khó xử lý, bởi Luật phòng chống tham nhũng không định nghĩa được người thân, người quen là ai cả, rất khó áp dụng thực tế. Hay hành vi tang ma, lễ cưới xa hoa, phù phiếm cũng khó định lượng bởi thực ra với đám ma thì người ta tới trên cơ sở tự nguyện, nghĩa tử nghĩa tận, rất khó đánh giá.

Bây giờ cần có văn bản giải thích cụ thể những thuật ngữ khó định danh, định lượng vi phạm như tôi phân tích như trên. Nhà nước pháp quyền phải có quy chuẩn, định lượng cụ thể.

Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Trường đại học Kinh tế - luật):

Khó xác định mức độ vi phạm

Tôi thấy có những hành vi còn mang tính chất định tính, khó xác định mức độ vi phạm. Ví dụ hành vi kén chọn chức danh hoặc vị trí công tác, để đánh giá được thì rất khó. Không chấp hành phân công của tổ chức là không đúng, nhưng nếu cán bộ cảm thấy ở vị trí khác sẽ đóng góp nhiều hơn thì có phải là kén chọn không? Bên cạnh đó, trong 19 hành vi đã nêu, để đánh giá được không chỉ từ cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước mà còn từ dư luận xã hội.

Dư luận bức xúc thì phải lắng nghe và phải có cơ chế phản hồi đầy đủ. Như vậy, người dân mới nắm được hết tình hình thì mới giám sát được, vai trò của người dân rất lớn trong việc giám sát 19 hành vi này. Nhiều hành vi muốn xác định có vi phạm hay không không chỉ từ trong nội bộ tổ chức mà phải nghe từ các kênh phản ánh bên ngoài.

Thông tin về vi phạm và việc xử lý vi phạm cũng cần theo hướng công khai minh bạch để từ đó giúp công chúng nhận diện chính xác, toàn diện để phản biện xác đáng hơn.

TIẾN LONG - THẢO LÊ - CẨM NƯƠNG ghi

Xác định rõ 19 hành vi tiêu cực để xử lý - Ảnh 6.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

19 hành vi tham nhũng, tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống 19 hành vi tham nhũng, tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống

TTO - Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa hướng dẫn một số nội dung cần tập trung chỉ đạo phòng, chống, trong đó nhận diện 19 hành vi.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp