Về cơ sở khoa học cho thời điểm xác định hậu quả hành vi phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm đều phải xác định tại cùng một thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra. Không thể có việc hành vi, động cơ, mục đích, thủ đoạn thì xác định ở thời điểm sự kiện tội phạm xảy ra, riêng hậu quả thiệt hại thì lại xác định tại thời điểm phát hiện vụ việc.
Xác định hậu quả tại thời điểm phạm tội
Theo chánh án, hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho xã hội phải do chính hành vi đó gây ra, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài.
"Một lô đất tăng giá, ví dụ ở năm này là 100 tỉ, sang năm lên 200 tỉ, sang năm nữa lên 300 tỉ. Đó là do thị trường, chứ không phải do hành vi phạm tội gây ra. Nếu chúng ta xác định giá trị đất tại thời điểm phát hiện thì trong thực tế sẽ có những bất cập khác", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Bình phân tích có nhiều loại vụ án xử các tội khác nhau như buôn lậu máy tính điện thoại hay các tội hối lộ, trộm cắp, tham ô… Giá trị đất tăng theo thời gian, còn máy tính thì giảm giá trị theo thời gian. Nếu xác định tại thời điểm phát hiện vụ án thì có loại tội sẽ tăng hậu quả, có loại tội sẽ giảm, như vậy là không hợp lý.
Về hành lang pháp lý, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã có nghị quyết theo yêu cầu Quốc hội, hướng dẫn tất cả các vụ án sẽ xử xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, không phải theo thời điểm phát hiện. Vì có thể hành vi phạm tội xảy ra nhưng nhiều năm sau mới phát hiện.
Đại biểu dẫn vụ án Vũ Nhôm, Trần Văn Minh gửi câu hỏi tới chánh án
Trước đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu việc liên tục nhận được nhiều đơn thư về hai vụ án liên quan đến đất đai xảy ra tại TP Đà Nẵng trong năm 2010, 2011.
Qua nghiên cứu đơn, các bản án, bà chỉ ra một số điểm khó lý giải với các bản án đã tuyên. Với vụ án liên quan Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) và các bị cáo phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm, xác định thiệt hại của vụ án là 7 tài sản Nhà nước đã mua/thuê trái phép, xác định giá trị tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội (năm 2010 và 2011).
Ngày 5-9-2019, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã bác kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, khẳng định việc xác định thiệt hại của vụ án tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là đúng pháp luật”.
Với vụ án Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội “vi phạm quy định về sử dụng, quản lý tài sản của Nhà nước, gây thất thoát, lãng phí” và “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cả bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm lại xác định trị giá tài sản thiệt hại tại thời điểm khởi tố (năm 2018).
Bà Thúy chỉ ra điểm chung là cả hai vụ án đều được tòa Hà Nội và Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử, đều liên quan đến 3 tài sản nhà nước tại thành phố Đà Nẵng nhưng lại không thống nhất trong cách xác định trị giá thiệt hại của tài sản.
“Cùng tài sản, cùng tòa án ấy nhưng mỗi vụ án lại tùy nghi xác định thiệt hại tại một thời điểm khác nhau là trái với khoa học pháp lý, luật hiện hành”, bà Thúy nói.
Bà Thúy nêu câu hỏi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của hội đồng thẩm phán, trái với nghị quyết, không đúng sẽ phải xem xét lại. Tuy nhiên, đối với ý kiến đại biểu đưa ra một số vụ án cụ thể, ông Bình cho biết trình tự xem xét lại các vụ án đã xác định không đúng thời điểm xác định hậu quả phải theo trình tự của luật định.
"Đại biểu có đề nghị tòa án phải làm cái này cái khác. Nhưng việc xem xét một vụ án phải theo trình tự của luật định. Tòa án không thể căn cứ ý kiến tại hội trường hay của ai đó để xem xét, mà phải căn cứ trình tự của pháp luật tố tụng", ông Bình nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận