06/06/2012 06:06 GMT+7

Xa xôi tình chị

LÊ ĐỨC QUANG
LÊ ĐỨC QUANG

AT - Chị Hai con ông cậu qua Mỹ đã hơn 20 năm. Mấy năm đầu chị đi biền biệt, không thư từ gì hết, gia đình cứ ngỡ cuộc vượt biển của chị không thành, đã lập bàn thờ, đêm đêm khóc thầm khấn vái.

Ba bốn năm sau, khi đã làm ăn khấm khá, chị mới gởi thư về thăm gia đình, kể vắn tắt: Chị ở Mỹ, làm nghề nail. Cuộc sống của chị bây giờ rất sướng, đã mua nhà, sắm xe... Gia đình nhận được thư chị, mừng rỡ như chị đã chết đi sống lại, ai cũng giành nhau đọc, rồi vội hồi âm tâm sự hoàn cảnh ở nhà.

Ngày ấy, gia đình còn nghèo lắm. Nghèo đến độ bữa ăn toàn độn khoai sắn, anh chị em nhường qua nhịn lại, người lớn chỉ ăn phần khoai độn bên trên, phần cơm ở dưới dành cho người nhỏ. Nghèo đến độ miếng cơm cháy dưới nồi ai cũng thèm, song không ai dám ăn, cứ đưa đẩy nhường nhau. Nghèo đến độ đôi dép đã rách, khâu lại nhiều lần, anh chị em phải mang chung. Anh chị em không được học hành nhiều, song tình cảm dạt dào. Nghe chị Hai kể: “Làm nghề nail, đã có nhà, xe...”, anh chị em quê mùa cứ ngỡ đó chắc là một nghề vĩ đại giống như nghề chế tạo hạt nhân, tên lửa, tân tiến, không ai biết đó là nghề luôn phải cúi đầu, lom khom, làm móng tay, móng chân cho người ta.

Sau thời gian liên lạc, chị Hai bắt đầu gởi tiền về quê cất nhà cho cha mẹ. Căn nhà tranh vách lá, đông con nghèo nhất xóm bỗng dưng thành ngôi nhà lầu với đầy đủ tiện nghi, tivi, tủ lạnh, xe máy... Trong nhà, chị sắm điện thoại để khi nào cần thì gọi về. Anh chị em, người nào nghèo thì chị cho tiền cất nhà, người nào khá hơn thì vài nghìn đô. Nhờ tiền chị gởi, anh chị em nhà ai cũng có hai, ba chiếc xe máy, xe tay ga, so với trong xã giờ thuộc diện khá giả. Cũng từ đó trở đi, anh chị em ỷ lại có chị Hai, không phải lo lắng nhiều về kinh tế nữa.

Chị Hai làm gởi tiền lo cất nhà sắm sửa cho cha mẹ, anh chị em xong, bắt đầu lo cho cháu. Một lần chị điện thoại bảo: “Đời mình đã dốt, đừng để mấy cháu đi theo vết chân của mình. Nhớ cho mấy cháu đi học nghề, học chữ đầy đủ. Nhớ bảo mấy cháu đi học vi tính. Thời buổi giờ mà không biết vi tính, quê lắm! Bao nhiêu tiền, chị gởi!...”. Thế là, hằng tháng chị đều đặn gửi tiền và đồ dùng học tập về cho các cháu. Đã vậy, chị Hai còn đề xướng ra trao giải: “Đứa nào nhận giải thưởng của trường, chị thưởng cho trăm đô...”. Nhờ vậy, mấy đứa cháu tranh nhau học. Mặc dù dì và cháu chưa biết mặt nhau, chỉ biết qua hình ảnh và điện thoại, nhưng những lúc vui buồn, mấy đứa cháu thường hay điện thoại tâm sự với dì Hai, giống như mẹ ruột mình.

Chị Hai về nước được hai lần. Lần đầu, sau khi đưa chị thăm cho quà hết bà con nội ngoại xong, anh chị em bàn nhau đóng góp tiền thuê xe đưa chị đi chơi ở Huế, Nha Trang, Đà Lạt... Anh chị em nghĩ lâu nay chị Hai chỉ biết làm gởi tiền về chăm lo cho gia đình, giờ đây đưa chị đi du lịch để thể hiện chút tình cảm. Song tiền xe và sinh hoạt mấy chục người trong cả tuần, chị nhất quyết không cho ai góp, một mình gánh chịu. Chị bảo: “Mấy em đoàn kết là chị vui rồi...”. Anh chị em với nhau, thỉnh thoảng hay giận dỗi nhau chuyện không đâu. Nhờ chuyến đi du lịch dài ngày này, anh chị em ăn chung, ngủ chung, vui vẻ “gác tranh chấp, hướng tới tương lai...”, trở nên hòa thuận, tình cảm thắm thiết như thuở hàn vi nghèo khổ, miếng cơm cháy cũng chia đôi.

Chuyến đi này có nhiều chuyện cảm động, thương chị Hai đến rơi nước mắt. Lúc ở bãi biển Nha Trang, buổi trưa, anh chị em đến ăn ở nhà hàng Lusian, một nơi hơi sang trọng. Chị Hai thắc thỏm không dám vào. Anh chị em bảo: “Ngó sang vậy chứ giá không cao đâu!”. Chị Hai níu áo người đi bên cạnh, nói: “Hay là mình đến quán nào nhỏ thôi, để dành tiền cho mấy cháu đi học?”. Mấy anh chị em cảm động vô cùng, nhưng đã lỡ bước vào rồi nên nói: “Chị lâu ngày về Việt Nam, cứ chơi thỏa sức, tằn tiện cho người khác làm gì?”. Chị Hai miễn cưỡng vào. Lúc đang ngồi ăn với nhau, có người vô tình hỏi: “Ở bên đó, chắc chị thường đi nhà hàng lắm?”. Chị Hai thành thật kể: “Ngày ngày chị chỉ biết cặm cụi làm việc. Mấy chục năm ở Mỹ, chị chỉ đi ăn nhà hàng được ba lần thôi. Trong đó có một lần, chồng và con ăn, chị nhịn...”. Nghe chị Hai nói vậy, bỗng dưng cổ anh chị em ai cũng thấy đắng đắng, nghẹn ngào! Có đứa cháu ở bên kia bàn, tuổi mười tám, mười chín khoe mẽ: “Nhà hàng này con đã vào năm lần rồi đó!”.

Vào buổi tối, sau khi anh chị em đi chơi về ở khách sạn, mấy đứa cháu lấy cái card trong máy hình ra, cắm vào cái laptop để xem hình chụp chuyến đi chơi. Cái laptop và cái máy hình này chị gởi tặng cháu nhân ngày sinh vào mấy tháng trước. Mấy đứa cháu kêu chị lại xem và chọn hình. Chị lúng túng, không biết dùng, thành thật nói: “Ở bên đó, dì chỉ biết làm móng tay, móng chân cho người ta, chứ có đụng đến máy móc này đâu”. Mấy đứa cháu ngạc nhiên, có đứa nghẹn ngào, mắt đỏ hoe: “Dì không biết vi tính, sao bảo với tụi con thời buổi bây giờ không biết vi tính, quê lắm?”. Chị Hai kể: “Ở bên đó, con gái của dì mỗi lần muốn mua hàng hoặc tìm hiểu việc gì, lên vi tính gõ vài cái là có ngay. Nó bảo cả thế giới trong cái vi tính! Dì thấy hay, nên bảo các con học”.

Lần thứ hai chị Hai về nước. Anh chị em cũng đưa nhau đi chơi giống như lần đầu. Lần này, chị mang hết số tiền tích cóp mấy chục năm làm về. Chị Hai trịnh trọng kêu gọi mấy anh chị em lại, bàn tính kinh doanh, để sau đó chị về Việt Nam định cư luôn. Người bàn làm việc này, kẻ bàn công việc kia, cuối cùng, chị Hai nghe chị Bảy mua mấy mẫu đìa nuôi tôm, giao chị Bảy trông coi, lấy tiền lời để dành cho chị về quê. Song, trong nhà thì chị Bảy thuộc người tham lam nhất. Mấy năm liền, năm nào chị Bảy cũng nói nuôi tôm lỗ, không đưa tiền lại cho chị Hai. Coi như số tiền mấy chục năm cật lực làm bên Mỹ, chị Hai đã ném xuống sông xuống biển, mất trắng dưới tay người em mà chị thương yêu. Mấy anh chị em rất giận chị Bảy, nhưng không thấy chị Hai lớn tiếng trách cứ gì. Thỉnh thoảng chị còn làm hòa, điện thoại về hỏi thăm mấy cháu học hành như thế nào.

oOo

Mấy tuần trước, bé Thùy, con gái chị Hai, nói giọng lớ ngớ nửa Tây nửa Việt, điện thoại về khóc lóc bảo rằng tiệm nail gia đình thuê của người ta đã bị đòi lại, nghề nail bão hòa, cuộc sống khó khăn, chị lại đang bệnh nặng, sợ không qua khỏi. Anh chị em đau lòng, lo lắng ngồi lại bàn với nhau tìm cách giúp chị Hai. Có người điện thoại hỏi:

- Chị có khỏe không, có cần tiền không, tụi em góp nhau gởi qua?

Chị Hai lại sợ các em lo lắng, bảo:

- Cuộc sống vẫn bình thường, chị khỏe mạnh lắm. Mấy em có khỏe không? À, nhớ nói với con Bảy, cho cháu đi học vi tính. Thời buổi giờ mà không biết vi tính, quê lắm!...

Nghe chị Hai nói dối thế, anh chị em ai cũng cảm động, nghẹn ngào.

V28p3tws.jpgPhóng toÁo Trắngsố 10 ra ngày 1/06/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

LÊ ĐỨC QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp