06/12/2006 05:19 GMT+7

Xà xẻo mãi "núi vàng nhà đất công"

PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ
PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ

TT - Sáng 5-12, UBND TP.HCM sơ kết thực hiện quyết định 80 (năm 2001) của Thủ tướng về xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP. Ban chỉ đạo 80 đã phát hiện hơn 14 triệu m2 đất công sử dụng sai công năng, không hợp qui hoạch.

y0cXHvJ7.jpgPhóng to
Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP kiểm tra một khu đất bỏ hoang tại quận 2 - Ảnh: p.p.h.

18 bộ ngành, đơn vị chưa kê khai 2,7 triệu m2 đất

Bà Nguyễn Thị Hồng - phó chủ tịch UBND TP, thường trực Ban chỉ đạo 80 về xử lý, sắp xếp nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP theo quyết định 80 của Thủ tướng - cho biết qua hơn bốn năm triển khai, đến nay đã có 1.842/1882 đơn vị đăng ký, kê khai. Còn 18 bộ ngành và tổng công ty nhà nước trực thuộc trung ương (với khoảng 2,7 triệu m2 đất) chưa kê khai cũng như đề xuất phương án sắp xếp theo yêu cầu.

Ban chỉ đạo phát hiện 14,1 triệu m2 đất thuộc sở hữu nhà nước cần phải sắp xếp, thay đổi do sử dụng không đúng công năng, không hợp qui hoạch. Trong đó, 2,41 triệu m2 thuộc khối doanh nghiệp trung ương, 568.837m2 của khối hành chính sự nghiệp trung ương, 896.445m2 của khối doanh nghiệp TP, 238.310m2 của khối hành chính sự nghiệp TP...

Theo bà Hồng, đất đai của khối doanh nghiệp nhà nước thuộc trung ương và khối hành chính sự nghiệp trung ương cần sắp xếp, thay đổi chiếm tỉ lệ lớn nhất. Bộ Tài chính đã quyết định phê duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại 87 nhà đất của 46 cơ quan đơn vị trung ương (TP đề nghị 580 nhà đất). Theo đó, giữ lại sử dụng 13 nhà đất, bán và chuyển nhượng quyền sử dụng đất 32 nhà đất, chuyển làm nhà ở 17 nhà đất, xây dựng chung cư 18 địa chỉ, thu hồi sáu nhà đất. Riêng khối địa phương, UBND TP đã duyệt phương án xử lý, sắp xếp lại 1.514 nhà đất của 198 cơ quan, đơn vị, trong đó duyệt bán và chuyển nhượng 293 nhà, đất; xây chung cư 25 địa chỉ...

Ban chỉ đạo 80 cho biết đã đề nghị UBND TP thu hồi 327.040m2 đất, chiếm 0,22% diện tích được kiểm kê. Qua bán đấu giá tám khu đất, 415 nhà xưởng đã thu về cho ngân sách hơn 5.000 tỉ đồng.

Đảo lộn qui hoạch

Theo giám đốc Sở Qui hoạch -kiến trúc TP Nguyễn Trọng Hòa, năm 1998, khi qui hoạch TP đã tính khu đất của các đơn vị sau khi di dời để qui hoạch công viên, công trình công cộng... Nhưng khi lên phương án sắp xếp, qui hoạch đã bị đảo lộn, hầu hết các doanh nghiệp muốn sử dụng các khu đất để làm dự án. Có đơn vị lập dự án đưa số dân về chung cư gần bằng số dân của một phường; có tổng công ty làm dự án xây dựng chung cư, “cò kè” từng hệ số sử dụng đất, từng tầng cao nhưng khi được duyệt lại giao cho nhiều chủ đầu tư khác thực hiện, dự án lẻ mẻ. Các chủ đầu tư này lại tiếp tục xin nâng tầng. “Nếu không đồng ý thì các cơ quan này không di dời, nếu đồng ý thì sai qui định của TP” - ông Hòa nói.

“Chúng ta thường kêu dân tiết kiệm, chống lãng phí nhưng một số đơn vị không chấp hành - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) Nguyễn Thanh Nhàn lên tiếng - Nguyên nhân chính là nhiều đơn vị không biết phải giải thích, giải trình như thế nào về việc sử dụng đất của mình khi biến đất công thành nhà ở, cơ sở kinh doanh... rồi không thống kê được”. Ông Nhàn nói nhiều đơn vị kê khai theo kiểu chống chế, làm cho lấy có, liên tục thay đổi phương án sử dụng đất khiến Ban chỉ đạo 80 gặp không ít khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý. Có đơn vị thay đổi phương án đến bốn lần trong cùng một khu đất. Các đơn vị khác cổ phần hóa chỉ tính phần tài sản trên đất, còn đất thì chưa tính được vì đang... cho thuê.

Không báo cáo đất cho thuê

6DEUp9o6.jpgPhóng to
Công ty cổ phần Xây lắp điện (đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM) được cho thuê hơn 14.000m2, sau đó cắt một phần cho thuê lại - Ảnh: P.P.H.
Sau khi “đánh động”, Sở TN-MT đã tiếp nhận gần 900 trường hợp đến đăng ký sử dụng đất. Nhưng theo ông Nhàn, “không biết quản lý kiểu gì” mà các đơn vị không có tờ giấy nào để chứng minh khu đất của mình ngoài mẫu giấy đăng ký.

Trong số đó, có gần 400 đơn vị chưa phân định được đất của Nhà nước, đất tự mua hay tự kiếm. Vì vậy, đối chiếu số liệu của Sở TN-MT và Sở Tài chính, số chênh lệch nhau gần 50%. Có những đơn vị chỉ báo cáo phần quản lý sử dụng còn phần xây dựng kinh doanh, làm kiôt cho thuê thì không báo cáo. Ông đề nghị công bố qui hoạch rõ ràng, tránh tình trạng các đơn vị sẽ lên phương án để đối phó.

Chủ tịch UBND Q.10 Huỳnh Khắc Cần bức xúc nói: trong lúc đất công bị lãng phí thì tại Q.10 không có một trạm y tế nào đạt chuẩn quốc gia, trường học thì thiếu trầm trọng. “Tấc đất tấc vàng” nên cơ quan nào cũng muốn giữ lại để sử dụng, không chịu bàn giao.

Cán bộ “đi theo” tài sản

Theo phó Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Huỳnh Công Hùng, quá trình giám sát các kho bãi của Công ty Lương thực TP khiến ông giật mình: khu đất rộng hàng ngàn mét vuông, công ty định lên phương án xây dựng chung cư nhưng kiểm tra pháp lý thì “không có một tờ giấy lận lưng”. Ông đề nghị Bộ TN-MT, Sở TN-MT TP kiểm tra tính pháp lý của các khu đất trên, ký hợp đồng cho thuê theo qui định. Ông lo lắng khi những năm tới, việc cổ phần hóa các công ty nhà nước sẽ nhiều hơn. Vì vậy việc sắp xếp lại các kho bãi rất cần thiết. “Nếu sắp xếp đúng sẽ tạo hiệu quả xã hội, còn không sẽ trở thành tài sản tư, từ A trở thành A trừ và cán bộ cũng sẽ... đi theo tài sản”. Làm như vậy sẽ mất niềm tin trong dân. Ông kiến nghị Ban chỉ đạo 80 bổ sung và công khai danh sách 18 đơn vị chưa báo cáo phương án sắp xếp nhà đất.

Về cao ốc số 5 Lê Duẩn, Q.1, ông Hùng cho rằng đây là vị trí lý tưởng để làm văn phòng 2 của các bộ và dân rất “mê” nhưng cuối cùng chủ trương này không thực hiện được. Ông đề nghị Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khảo sát việc sử dụng đất của các văn phòng 2 đã hợp lý chưa.

Ông Châu Minh Tỷ, giám đốc Sở Nội vụ TP, so sánh đất công đang bị lãng phí với mồ hôi nước mắt của những người mua gánh bán bưng chạy ăn từng bữa ngoài chợ. “Họ bán ở chợ mỗi ngày kiếm mấy ngàn bạc chúng ta còn đi thu thuế, trong khi “những núi vàng đất công” bị thất thoát, lãng phí hết năm này qua năm khác mà chưa thấy tính đến trách nhiệm. Mà đâu ai vô đây, toàn là người nhà nước, đảng viên cả”. Theo ông Tỷ, phải kiên quyết xử lý, cần thiết phải khai trừ những đảng viên không chấp hành qui định, chứ không thể chấp nhận cứ mãi lãng phí như vậy được. Ông Tỷ nói: “Tôi thấy qui định đã có hết rồi, vấn đề còn lại là thực hiện chưa nghiêm”.

Chấp nhận va chạm

Ông Nguyễn Văn Đua, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh quan điểm của TP là đất sử dụng hiệu quả, phù hợp qui hoạch, việc đầu tư trên đất phải hợp lý, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm. Nhưng rất nhiều đơn vị vì lợi ích cục bộ muốn giữ lại nhưng phương án không rõ ràng, sử dụng đất xây dựng kiôt cho thuê, làm sân tennis, khách sạn... trong khi không có chức năng kinh doanh những ngành nghề này. “Nếu có va chạm với các cơ quan này thì TP cũng chấp nhận để tạo lợi ích chung” - ông khẳng định.

Ông Đua nói nhiều cơ quan vẫn muốn có trụ sở riêng, điều này rất lãng phí trong khi các doanh nghiệp xây dựng cao ốc vừa làm trụ sở công ty vừa tận dụng để cho thuê hết sức tiết kiệm, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết sẽ gia hạn cho các đơn vị đến 31-3-2007 phải hoàn tất kê khai, báo cáo phương án sắp xếp. Đơn vị nào không thực hiện sẽ công bố và có hình thức xử lý người đứng đầu cơ quan. Sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi quyết định 80 để triển khai trên cả nước, riêng đất đai quốc phòng cũng phải sắp xếp lại, đất đai nhà xưởng phải xử lý trước khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp... Tới đây, với những đơn vị không kê khai hoặc chỉ kê khai lấy lệ áp dụng biện pháp chế tài như không cấp phép sửa chữa, xây dựng công trình, không cấp ngân sách... Đối với những đơn vị cho thuê lại sẽ thu hồi toàn bộ số tiền cho thuê, đưa vào ngân sách.

Đến dự có rất đông đại diện các cơ quan, đơn vị, các tổng công ty trung ương, nhưng không có ai phát biểu ý kiến dù đã được gợi ý nhiều lần. Theo Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân, có thể đây là những người được phân công đến nghe rồi về báo cáo lại...

Scwv0Ztv.jpgPhóng to
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

Vì lợi riêng sẽ phát sinh mâu thuẫn

* Thưa ông, quá trình sắp xếp xử lý, việc “xin” ý kiến của các bộ, ngành chủ quản đã ảnh hưởng đến tiến độ xử lý trong thời gian qua?

- Như anh Ba Đua (phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Đua) có nói nếu các ngành chủ quản đứng trên quan điểm toàn diện, vì quyền lợi chung thì không mâu thuẫn, nhưng nếu ở góc độ ngành của mình sẽ phát sinh mâu thuẫn trong quá trình xử lý.

* Thưa ông, TP đã trình phương án sắp xếp, xử lý 580 nhà đất nhưng bộ chỉ thông qua 87 nhà đất của 46 cơ quan. Con số thông qua có quá ít so với đề xuất không?

- Do ý thức, quan điểm một số đơn vị chưa nhận thức đúng, ngoài ra do qui định chế tài chưa đầy đủ.

* Giá cho thuê đất quá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị, cơ quan tận dụng để cho thuê lại, hưởng chênh lệch?

- Đúng là có một số đơn vị tận dụng giá cho thuê rẻ để cho thuê lại. Tuy nhiên giá cho thuê vẫn theo giá qui định của TP hiện nay, không thể nâng lên. Nếu nâng giá thuê khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp kém đi. Vấn đề là phải sử dụng đúng, hiệu quả, sử dụng đất để tạo vòng hai như việc làm, tạo thu nhập, của cải cho xã hội...

PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp