Băm nát, vi phạm hành lang an toàn giao thông trên quốc lộ 14 - VIDEO: TRUNG TÂN
Sáng 21-7, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cho biết đã có văn bản yêu cầu các địa phương quản lý chặt chẽ việc .
Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng giám sát, quản lý việc khai thác lấy đất hoặc lấy mặt bằng trái phép ở nhiều nơi, phải quản lý việc người dân băm nát hành lang ven quốc lộ 14 để xây nhà, dựng xưởng.
Đào, lấp khắp nơi dọc quốc lộ
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc quốc lộ 14 qua tỉnh Đắk Nông không chỉ có điểm san cả quả đồi để làm khu dân cư gần 10ha của doanh nghiệp tư nhân Bắc Sang gây xôn xao dự luận, đang được hợp thức hóa tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song, Đắk Nông), mà còn hàng trăm điểm khác cũng đang bị băm nát nham nhở nhiều năm nay.
Tại một khúc của đẹp trên quốc lộ 14 đoạn qua xã Trường Xuân, kẻ xấu thuốc chết cây thông rồi đổ đất làm nền như chuẩn bị xây dựng - Ảnh: TRUNG TÂN
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Đắk Song cho biết đến nay phòng đã thống kê có hơn 70 điểm dọc tuyến quốc lộ 14, 14C và tỉnh lộ 6 bị xà xẻo, băm nát hành lang giao thông, nhưng số vụ xử lý được người vi phạm chưa nhiều.
Tại xã Nâm N’Jang, ngoài vị trí đất do ông Nguyễn Ngọc Bắc san cả quả đồi gần 10ha (có thể làm khu dân cư chui) thì còn 32 trường hợp khác, trong đó có 28 điểm trên quốc lộ 14. Trong 33 trường hợp tự ý san lấp nêu trên, chỉ có 8 trường hợp đã nộp phạt, trong đó ông Nguyễn Ngọc Bắc nộp hơn 105 triệu đồng tiền phạt về hành vi hủy hoại đất, và hàng chục triệu đồng nữa về các hành vi gây nguy hiểm cho hành lang giao thông.
San lấp làm biến dạng nền đất, gây mất an toàn hành lang giao thông - Ảnh: TRUNG TÂN
Tại 15 điểm san lấp khác, trong đó có 11 điểm trên quốc lộ 14, cơ quan chức năng không tìm được người vi phạm, nên không ra quyết định xử phạt hành chính. Trách nhiệm cắt cử người quản lý, không cho san lấp trở lại thuộc về xã.
Sẽ xử lý người đứng đầu?
Trao đổi với phóng viên, ông Đồng Văn Giáp - phó trưởng Phòng tài nguyên và môi trường huyện Đắk Song - cho biết dọc quốc lộ 14 và 14C qua huyện có nhiều điểm san lấp đất để lấy mặt bằng, hoặc lấy đất để san lấp mặt bằng chỗ khác.
Theo quy định, nếu người dân đã được cấp quyền sử dụng đất ở, nằm trong khu quy hoạch dân cư thì được phép tạo mặt bằng để xây dựng nhà để ở, nhưng phải xin phép khi san lấp, tác động vào hành lang đường bộ.
"Tuy nhiên, phần lớn người dân đều san lấp chui. Việc theo dõi, xử lý việc san lấp này thuộc cấp xã, thị trấn nhưng có thể do mối quan hệ quen biết địa phương nên việc ngăn chặn chưa hiệu quả".
ÔNG ĐỒNG VĂN GIÁP - phó trường Phòng TN&MT Đắk Song
Tình trạng khai thác, san lấp đất vẫn diễn ra ngang nhiên - Ảnh: TRUNG TÂN
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và môi trường cũng cho rằng việc khắc phục các hành vi san lấp là không khả thi (vì phần đất cao đã móc quá sâu, còn phần đất taluy âm đã đắp quá cao - PV). Vì vậy, phòng yêu cầu các xã quản lý các điểm san lấp dang dở, yêu cầu chủ đất chuyển đổi mục đích đúng với quy hoạch. Xã cũng có trách nhiệm, cùng chủ đất khắc phục sớm các điểm nguy cơ sạt lở, bảo vệ hành lang giao thông.
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã có chỉ đạo để ngăn chặn việc băm nát quốc lộ để lấy đất, lấy mặt bằng. Theo đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tăng cường thanh, kiểm tra hoạt động khai thác đất làm vật liệu san lấp, kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra tình trạng san lấp mặt bằng trái phép và sử dụng đất sai mục đích, gây bức xúc, ảnh hưởng cảnh quan, môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận