Tới đây, tiền thu gom rác sẽ tính theo khối lượng - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thống kê sơ bộ của Bộ Tài nguyên - môi trường, cả nước phát sinh hơn 61.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày, trong đó hơn 37.000 tấn/ngày tại đô thị và hơn 24.000 tấn/ngày tại nông thôn.
Tỉ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị của các địa phương đạt từ 62% đến hơn 90%. Khu vực nông thôn trung bình cả nước mới được khoảng 45 - 60%.
Trong khi đó, hầu hết chất thải rắn chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn hạn chế. Phần lớn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh gây phát tán mùi ra các khu dân cư.
Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh và cách thức quản lý phù hợp với đặc điểm khu vực đô thị và nông thôn, thúc đẩy việc phân loại đối với các loại chất thải rắn có khả năng tái chế theo hướng nếu loại chất thải này được phân loại đúng quy định thì người dân không phải nộp kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân ở các đô thị phải bảo đảm tối thiểu 20% chi phí cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định của UBND cấp tỉnh.
Kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải thực phẩm thấp hơn kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý như đối với chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Dự thảo luật cũng quy định bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; công bố định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
UBND cấp tỉnh ban hành quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và lộ trình cụ thể, hình thức và mức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng tình hình gia tăng rác thải sinh hoạt là đáng báo động, do vậy cần nhiều biện pháp tối ưu để khắc phục, xử lý rác.
Tuy nhiên, việc đề xuất quy định cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh khó khả thi. Bởi việc đo đếm lượng rác thải sinh hoạt của hộ dân rất khó, dễ dẫn đến thất thu hoặc thu không được. Chưa kể còn tình trạng người dân lén bỏ rác sang nhà khác để giảm khối lượng rác phải trả.
Do vậy, theo ông Hòa, nên quy định khoán, ấn định giá cho từng hộ dân như hiện nay. Giá này có thể giao cho HĐND các tỉnh thành quyết định tùy theo điều kiện kinh tế, mức sống từng địa phương, khu vực đô thị - nông thôn… Mức giá này cũng có thể điều chỉnh hằng năm.
5 loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân quy định trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Chất thải rắn có khả năng tái chế (như giấy, nhựa, kim loại, cao su, nilông, thủy tinh...)
Chất thải hữu cơ (thức ăn thừa, rau, củ, quả, thực phẩm thừa khác)
Chất thải nguy hại
Chất thải cồng kềnh
Chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận