16/06/2024 09:57 GMT+7

Xã hội không tiền mặt, nhưng phải an toàn

Chính sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo minh bạch... giúp thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển vượt bậc, có thể đong đếm được - với tỉ lệ cao.

Khách hàng trải nghiệm Internet an toàn tại gian hàng FPT trong khuôn khổ Lễ hội Không tiền mặt tại TP.HCM chiều 15-6 - Ảnh: HUỲNH PHẠM TRANG UYÊN

Khách hàng trải nghiệm Internet an toàn tại gian hàng FPT trong khuôn khổ Lễ hội Không tiền mặt tại TP.HCM chiều 15-6 - Ảnh: HUỲNH PHẠM TRANG UYÊN

Đang ngồi ăn ở một quán quen trong hẻm nhỏ, có anh bán tàu hủ dạo trên chiếc xe máy cũ chạy qua, tôi liền gọi lại để mua.

Bỗng nhiên tôi buột miệng hỏi: "Có chuyển khoản không ạ?". Vừa dứt lời, anh lập tức đưa ra một chiếc móc khóa nhỏ xinh bằng nhựa cứng có in mã QR.

Quét mã, thanh toán xong, lòng tôi vẫn còn cảm giác rộn vui khó tả. Tôi không chỉ bất ngờ về anh, mà còn ngạc nhiên vì bản thân vừa hỏi một người bán tàu hủ dạo về thanh toán không tiền mặt. Rõ ràng, tôi không phải là vị khách đầu tiên mong muốn được chuyển khoản, khi mua món hàng có giá chưa tới 10.000 đồng, giao dịch ngay lề đường.

"Xã hội không tiền mặt" là chủ đề được thảo luận sôi nổi tại hội thảo do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào sáu năm trước. Vào thời điểm đó, tiền mặt vẫn phổ biến, nhiều bạn sinh viên vào TP.HCM, Hà Nội học đại học, hay bà con vào thành phố để khám bệnh, thường nhét tiền trong tất, giày, đồ lót... để tránh bị trộm cắp.

Với sự ủng hộ của Ngân hàng Nhà nước, báo Tuổi Trẻ đã mạnh dạn đề xuất lấy ngày 16-6 hằng năm là ngày Không dùng tiền mặt - Cashless Day, hướng tới một xã hội tiện lợi, văn minh và an toàn.

Chỉ khoảng nửa năm sau khi đề xuất trên được công bố, đại dịch COVID-19 ập đến, nỗi lo bị lây nhiễm bao trùm, nhiều người phải dùng dung dịch sát khuẩn mỗi khi cầm trên tay tờ tiền mặt.

Cũng trong giai đoạn "ngăn sống cấm chợ", không ít người dân và doanh nghiệp cảm nhận rõ rệt tầm quan trọng và độ thuận tiện thanh toán không tiền mặt.

Đến giờ phút này, đối với nhiều hàng quán ở các thành phố lớn, thanh toán không tiền mặt không còn là lựa chọn tự nguyện, mà trở thành bắt buộc để tránh bị "hụt" khách, giảm doanh thu.

Điều này cũng thể hiện rõ nét, khi ở Lễ hội Không tiền mặt 2024 diễn ra tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM), bên cạnh sự góp mặt của hàng chục gian trải nghiệm từ ngân hàng và trung gian thanh toán, còn có các gian bán bánh bò, chè, kem, ốc, gỏi... do các chủ quán ăn đứng quầy.

Trong không khí sôi động, tiếng nói cười rộn rã, một "phiên chợ", "xã hội không tiền mặt thu nhỏ" cũng được tạo ra.

Chính sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí, đảm bảo minh bạch... giúp thanh toán không tiền mặt ngày càng phát triển vượt bậc, có thể đong đếm được - với tỉ lệ cao.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, chỉ riêng năm vừa qua toàn Việt Nam đã có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, tương ứng 87% người trưởng thành có tài khoản. Nhiều ngân hàng đã có trên 95% giao dịch xử lý trên kênh số.

Sự lớn mạnh này cũng tác động đến khối nhà nước. Điển hình, trong chuỗi hoạt động của Ngày không tiền mặt 2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ: "Trước đây kho bạc có kho chứa tiền, xe chở tiền. Nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết".

Chưa kể, chỉ tính riêng năm vừa qua, tỉ lệ thu - chi ngân sách nhà nước bằng cách không dùng tiền mặt chiếm tới 99,9% tổng thu - chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước. Trên 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.

Lợi ích quá rõ ràng, nhưng vẫn tồn tại rào cản trong việc thanh toán không tiền mặt. Nổi bật là nỗi sợ của khách hàng về việc bị lộ thông tin cá nhân, hay bị "cuỗm" sạch tiền trong tài khoản... trong lúc đang ngủ say.

Nó lan rộng đến độ, tổng giám đốc một ngân hàng lớn cho biết cả nhân viên ngân hàng cũng sợ các cuộc gọi đến vào lúc nửa đêm, tờ mờ sáng, vì mười mươi rằng khách vừa bị lừa tiền trong tài khoản.

Cảm nhận những trăn trở của người dân, sau sáu năm, từ hội thảo "Xã hội không tiền mặt" bàn về chính sách và thực tiễn tại Việt Nam (2019), chủ đề được chọn của năm 2024 là "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt". Thể hiện sự chuyển biến của thanh toán không tiền mặt, qua các giai đoạn: biết đến - biết dùng - biết bảo mật.

Lưu ý, hiện tại thanh toán không dùng tiền mặt vẫn được xem là một hình thức mới tại Việt Nam. Ở nhiều địa phương, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn phải dùng tiền mặt khi làm giấy tờ nhà đất, nộp học phí, khám chữa bệnh...

Chúng ta cần một xã hội không tiền mặt, nhưng phải an toàn và bảo mật. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và cả con người.

Chờ đến một ngày, các công dân số đắm mình vào cuộc sống thường nhật, toàn tâm phát triển sản xuất kinh doanh, hướng tới tương lai. Để rồi, khi đang thưởng thức ly cà phê sáng, có ai hỏi phương thức thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam, chúng ta chỉ trả lời: "Quen thuộc đến nỗi bình thường".

Cuối tuần tưng bừng vui chơi và Cuối tuần tưng bừng vui chơi và 'săn' ưu đãi tại Lễ hội Không tiền mặt 2024

Ngày 15-6, đối lập với thời tiết "không chiều lòng người", khách tham gia Lễ hội Không tiền mặt rất đông đúc. Thay vì cuối tuần ở những nơi xa, khách tham quan tới phố đi bộ trải nghiệm các dịch vụ thanh toán trực tuyến, mở thẻ, vui chơi nhận quà.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp