Ông Lương Hoài Nam cho rằng chủ trương xã hội hoá cần được thực hiện hiệu quả hơn - Ảnh: NA
Thông tin được nêu ra trong Diễn đàn du lịch cấp cao Việt Nam lần thứ hai với phiên thảo luận "Việt Nam làm gì để phát triển hàng không - chắp cánh cho du lịch" do Hội đồng tư vấn cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng phối hợp Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Báo điện tử VnExpress tổ chức sáng 9-12.
Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, cho biết tổng công suất 22 sân bay của Việt Nam mới chỉ bằng một sân bay của Thái Lan, Singapore… đang tạo ra nút thắt quá tải trong cung cấp dịch vụ cho ngành hàng không cũng như du lịch.
22 sân bay Việt Nam bằng 1 sân bay Thái Lan, Singapore
Do đó, việc thực hiện các chính sách xã hội hoá là cần thiết, ông Nam cho rằng chính phủ cần có chính sách và biện pháp thúc đẩy mạnh mẽ trong việc xã hội hoá đầu tư hạ tầng sân bay Việt Nam, biến từ lời nói thành hành động.
"Xã hội hoá hạ tầng sân bay nước ta đã nói 10 năm rồi, nhưng chuyển hoá thành dự án, hành động trên thực tế lại không được nhiều" - ông Nam nêu quan điểm.
Dẫn chứng, dự án nhà ga số 3 Tân Sơn Nhất loay hoay 4-5 năm nay "giải cứu", đề xuất giao cho Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) làm, đến giờ vẫn chưa động thổ và giao nhà đầu tư triển khai. Ông Nam cho rằng, nếu dự án này mạnh dạn giao cho tư nhân thì nhà ga này đã "có từ lâu, đi vào hoạt động rồi", chứ không phải là "loay hoay ưu tiên cho nhà nước đầu tư”.
Hoặc với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, ông Nam bày tỏ băn khoăn khó có thể đi vào sử dụng vào năm 2025. Cũng bởi, 4 năm trước khi xây dựng dự án sân bay Long Thành đã đặt ra tầm nhìn rất rõ ràng rằng, đây là dự án đầu tư hợp tác công tư, sau đó Quốc hội bỏ phiếu bấm nút thông qua. Tuy nhiên, qua kỳ họp vừa rồi lại trình Quốc hội để doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư, không có sự tham gia của tư nhân hay nhà đầu tư nước ngoài.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã bị quá tải nặng - Ảnh: TTO
Thừa nhận đang có tình trạng tắc nghẽn cả mặt đất và trên trời, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng việc mở rộng sân bay là cần thiết, đặc biệt là sự điều phối của ngành du lịch để khai thác có hiệu quả các sân bay vệ tinh, song vấn đề hiện nay còn bất cập đó là chính sách, chưa tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Thực tế, 4 sân bay quốc tế đã bắt đầu có dấu hiệu quả tải, trong đó sân bay Tân Sơn Nhất quá tải nặng nhất. Trong khi đó, chưa có một tổng kết rõ ràng nào về hiệu quả các dự án, đặc biệt là các cảng hàng không đã thực hiện xã hội hoá như Vân Đồn, Cam Ranh…
Ông Lê Hồng Hà - phó tổng giám đốc VietnamAirlines cho biết đường bay kết nối giữa Hà Nội và TPHCM luôn đứng vị trí thứ 3 thế giới với 210.000 ghế mỗi tuần, song trong điều kiện sân bay tắc nghẽn và quá tải nhất lại là tại Tân Sơn Nhất đã ảnh hưởng chất lượng dịch vụ và có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.
Đồng tình với đề xuất khai thác các sân bay vệ tinh, nhưng ông Hà cho rằng để làm được thì phải có sự phối hợp chặt chẽ của các công ty du lịch, cơ quan quản lý, phát triển mở rộng đa dạng hoá sản phẩm mới thì các sân bay khác mới phát triển được.
Chuyển sang sân bay vệ tinh, thúc đẩy xã hội hoá
Đại diện hãng hàng không Vietjet thì nhấn mạnh cần tập trung vào giải pháp phát triển hạ tầng, xây dựng sân bay bằng hình thức xã hội hoá nguồn vốn đầu tư, không chỉ dựa nguồn vốn nhà nước mà phải huy động nguồn lực tư nhân.
Một góc sân bay Vân Đồn do tập đoàn Sun Group đầu tư - Ảnh: TTO
Theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nút thắt hạ tầng tập trung 4 cảng hàng không quốc tế lớn nhất do lượng khách tăng lên quá nhanh. Mặc dù Chính phủ có giải pháp đầu tư thêm sân bay và nâng cấp mở rộng sân bay hiện hữu, nhưng việc các cảng hàng không quá tải một phần nguyên nhân do quy hoạch đã bị phá vỡ theo phê duyệt.
Do đó ông cho rằng kết nối xây dựng quy hoạch phải tổng thể, và hiện Bộ GTVT đang rà soát tổng thể nên cần phải đảm bảo quy hoạch toàn diện hơn, tránh phá vỡ quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch.
Đồng thời, để thu hút nhà đầu tư tư nhân xã hội hoá đầu tư hạ tầng, giao thông, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu xây dựng Luật Đầu tư hợp tác công tư (PPP), trong đó kiện toàn hành lang pháp lý ở mức độ luật, rạch ròi quản lý và nhà đầu tư tư nhân; đề cập chia sẻ rủi ro, phân rõ thẩm quyền hơn; đưa đến kết cấu hạ tầng toàn diện để huy động nguồn lực lớn….
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận