Phối cảnh cầu vượt hình chữ N ở vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp, Phú Nhuận) TP.HCM |
Những năm gần đây, cùng với Hà Nội, người dân TP.HCM dần làm quen với những cây cầu vượt bộ hành (CVBH) băng qua đường dành riêng cho người đi bộ. Tuy nhiên, tại TP.HCM đến nay cũng mới chỉ xây dựng được chưa tới 20 CVBH ở một số khu vực, còn quá ít so với nhu cầu giải quyết thực trạng ùn tắc giao thông, mong muốn tạo điều kiện đi lại thuận lợi và an toàn hơn cho cư dân TP.
Rất dễ để kể ra một số tuyến đường trọng điểm, có lưu lượng xe lớn và đầy nguy hiểm với người đi bộ, cần xây dựng nhiều CVBH như xa lộ Hà Nội, đường Trường Chinh - quốc lộ 22, đường Cách Mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai, quốc lộ 13 - cầu Bình Triệu - Xô Viết Nghệ Tĩnh, Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa, Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Hưng Đạo - Kinh Dương Vương - Phú Lâm...
Tuy có không ít ý kiến cho rằng xây dựng nhiều CVBH sẽ làm xấu không gian đô thị nhưng kinh nghiệm những quốc gia phát triển cao đều cho thấy giải pháp này là cần thiết và rất hiệu quả trong việc giải bài toán ách tắc lưu thông và tai nạn giao thông ở các TP lớn, mật độ dân số cao.
Với ý nghĩa đó, không thể phủ nhận sự cần thiết và cấp thiết phải tăng nhanh số lượng CVBH tại địa bàn TP.HCM. Vấn đề đặt ra là trong khi ngân sách TP dành cho lĩnh vực giao thông vốn eo hẹp lại đang phải ưu tiên cho những công trình cầu vượt thép phục vụ phương tiện cơ giới tại các giao lộ hay xảy ra ùn tắc thì lấy đâu ra tiền để đầu tư nhiều và nhanh CVBH?
Bài toán nào cũng có lời giải, nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo và có quyết sách phù hợp, kịp thời. Do đặc thù thuận lợi hơn rất nhiều so với hình thức xây dựng hầm chui bộ hành như không cần mặt bằng quá rộng, có thể triển khai thiết kế, thi công đơn giản và nhanh, vốn đầu tư không lớn và đặc biệt là vì băng ngang đường nên thuận lợi cho hoạt động quảng cáo, quảng bá...
Nếu có chủ trương, tin rằng hoàn toàn có thể kêu gọi đầu tư các dự án CVBH bằng vốn xã hội hóa theo hình thức tạm gọi là “đổi CVBH lấy quyền quảng cáo có thời hạn”.
Để huy động được nguồn vốn xã hội hóa này từ các doanh nghiệp, chính quyền TP chỉ việc giao nhiệm vụ cho ngành chức năng quy hoạch vị trí mặt bằng, các quy chuẩn kỹ thuật - tài chính, thiết kế mẫu CVBH và hình thức, nội dung quảng cáo - quảng bá... và vận động, kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng tham gia.
Trong thực tế, có thể nói TP.HCM đã thành công bước đầu về chủ trương cho một ngân hàng bỏ vốn đầu tư nhà vệ sinh “5 sao” đổi lấy việc được quyền quảng cáo, quảng bá thương hiệu của ngân hàng và đặt máy ATM tại công trình.
Tuy mới triển khai vài năm gần đây nhưng việc này đã chứng minh cả TP và doanh nghiệp cũng như người dân đều hưởng lợi, được dư luận đồng tình và đánh giá cao.
Tin rằng việc cho doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng CVBH vốn còn “rộng đường, rộng chỗ” hơn, nếu TP.HCM có chủ trương sẽ có cơ hội thành công hơn thế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận