Tuyển Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để hướng về World Cup 2026 - Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Xét trên lý thuyết và kết quả thi đấu của tuyển Việt Nam thời gian qua, cơ hội dự World Cup 2026 của tuyển Việt Nam là có. Tuy nhiên, cánh cửa đến đó rộng hay hẹp tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố khác.
Lý thuyết và thực tế thi đấu
Theo bảng xếp hạng FIFA mới nhất vừa được công bố vào cuối tháng 6 vừa qua, tuyển Việt Nam xếp hạng 97 thế giới và 17 châu Á. Đây là lần đầu tiên sau nhiều tháng, tuyển Việt Nam mới bị rớt khỏi top 16 châu Á (trong bảng xếp hạng gần nhất vào tháng 3, Việt Nam xếp hạng 96 thế giới).
Tuy nhiên, nếu thi đấu tốt trong thời gian tới, cơ hội trở lại top 16 của Việt Nam rất sáng sủa. Hiện tại, tuyển Việt Nam chỉ kém đội xếp trên là Kyrgyz Republic (Kyrgyzstan) 3,10 điểm. Ngấp nghé ở nhóm 16 đội mạnh nhất, tuyển Việt Nam có thể xem là đội bóng thuộc hạng 2 châu Á và "ngồi cùng mâm" với Oman, Trung Quốc, Syria, Bahrain, Jordan, Uzbekistan, Oman.
Dù vậy, căn cứ trên bảng xếp hạng FIFA vốn chỉ có tính chất tham khảo, nếu xét về sức mạnh thực chiến, vị trí của tuyển Việt Nam xứng đáng nhận được sự tôn trọng nhiều hơn.
Ở Asian Cup 2019 - nơi các đội bóng mạnh nhất châu lục tranh tài, tuyển Việt Nam đã có mặt ở vòng đấu dành cho 8 đội mạnh nhất. Còn ở vòng loại World Cup 2022, tuyển Việt Nam đã lọt đến vòng đấu cuối cùng dành cho 12 đội mạnh nhất.
Những năm qua, tuyển Việt Nam từng đánh bại những đối thủ có thứ hạng cao hơn như Jordan, Trung Quốc và hòa Nhật Bản. Những thành tích ấn tượng đó cho thấy nếu có được sự ủng hộ của nhiều yếu tố khách quan thì tuyển Việt Nam có thể nghĩ đến việc giành vé dự World Cup 2026.
Nội lực tuyển Việt Nam
Hiện tuyển Việt Nam đang có lứa cầu thủ được đánh giá là tốt nhất trong nhiều năm qua. Trong danh sách tập trung tuyển Việt Nam gần nhất, đa số các cầu thủ đều 24 - 25 tuổi, nghĩa là sẽ bước vào độ chín sự nghiệp trong vài ba năm tới. Bên cạnh đó còn là lứa U23 dưới sự dẫn dắt của HLV Gong Oh Kyun đã chơi xuất sắc ở vòng chung kết Giải U23 châu Á 2022.
Ngoài yếu tố con người, tuyển Việt Nam cũng được đánh giá cao ở lối chơi và tinh thần thi đấu. Sự cải thiện tinh thần khi đối đầu các đội bóng lớn cùng với đó là khát vọng chiến thắng đã giúp tuyển Việt Nam trở nên mạnh mẽ hơn, đặc biệt là trong tâm thế.
Có thể thấy, "những chiến binh sao vàng" giờ đây đã không còn ngán các đội bóng lớn châu Á, thậm chí còn nghĩ về chiến thắng khi bước vào sân. Đó thực sự là bước tiến lớn và rất quan trọng với Việt Nam trong hành trình nâng tầm bóng đá.
Khả năng giành vé dự World Cup 2026 của tuyển Việt Nam sẽ phần nào được đánh giá bởi thành tích tại Asian Cup 2023 diễn ra vào năm sau. Nếu tái lập thành tích nằm trong top 8 ở Asian Cup 2019, hy vọng đến với World Cup 2026 sẽ lóe lên với tuyển Việt Nam.
Việt Nam dự vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á từ vòng 2
Theo thể thức thi đấu vừa được công bố của AFC, vòng loại khu vực châu Á 2026 sẽ trải qua 4 vòng đấu. Tuyển Việt Nam nhiều khả năng sẽ bắt đầu ở vòng loại thứ 2 cùng 24 đội dẫn đầu bảng xếp FIFA khu vực châu Á và 11 đội vượt qua vòng loại thứ 1.
Tại vòng loại thứ 2, Việt Nam cùng 35 đội khác sẽ chia vào 9 bảng đấu, mỗi bảng 4 đội. Hai đội dẫn đầu 9 bảng đấu sẽ đoạt vé vào vòng loại thứ 3. Nếu muốn giành vé dự World Cup 2026, tuyển Việt Nam ít nhất phải có mặt ở vòng 3.
Tại vòng 3, 18 đội sẽ chia làm 3 bảng, mỗi bảng 6 đội. 2 đội nhất nhì 3 bảng sẽ giành vé dự World Cup 2026, 6 đội đứng thứ 3 và 4 ở 3 bảng sẽ bước vào vòng play-off. Kết thúc vòng play-off, hai đội dẫn đầu sẽ giành vé thứ 7 và 8 dự World Cup 2026.
Theo phân bổ của FIFA, châu Á sẽ có 8 1/3 suất dự World Cup. Các khu vực còn lại là CONCACAF 6 2/3, Nam Mỹ 6 1/3, châu Âu 16, châu Phi 9 1/3, châu Á 8 1/3, châu Đại Dương 1 1/3. Như vậy, sẽ có tổng cộng 46 vé chính thức dự World Cup 2026.
6 đội đến từ CONCACAF (2 đại diện), Nam Mỹ, châu Á, châu Đại Dương và châu Phi (1 đại diện) sẽ bước vào vòng play-off liên khu vực để xác định 2 vé cuối cùng dự World Cup 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận