Đồ họa: CƠ AN
Do thi đấu không tốt ở vòng bảng và theo phân nhánh trước đó của FIFA, các "ông lớn" Bồ Đào Nha, Pháp, Argentina, Brazil… đã cùng rơi vào một nhánh, khiến người hâm mộ được chứng kiến nhiều cuộc so tài hấp dẫn ngay ở vòng 2.
Ronaldo đối đầu Messi, Argentina đại chiến với Brazil?
Griezmann (trái) và Messi đối đầu nhau ở vòng 16 đội - ai sẽ chiến thắng? - Ảnh: REUTERS
Ngay ở vòng 16 đội, người hâm mộ sẽ được chứng kiến hai cuộc đối đầu đỉnh cao là Pháp - Argentina và Uruguay - Bồ Đào Nha.
Được chờ đợi nhất là cuộc so tài giữa Pháp và Argentina. Pháp được đánh giá là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch năm nay khi có trong tài một đội hình tài năng trải dài ở cả 3 tuyến. Tuy nhiên, Pháp vẫn chưa chứng tỏ được sức mạnh khi chỉ giành được những chiến thắng sát nút trước các đội bóng yếu ở vòng đấu bảng.
Trong khi đó dù rất chật vật mới có vé đi tiếp nhưng Argentina vẫn được đánh giá cao, nhất là khi ngôi sao Lionel Messi đã lấy lại được phong độ ghi bàn.
Một cuộc so tài đỉnh cao không thể bỏ qua giữa những ngôi sao hàng đầu thế giới: Messi, Aguero… (Argentina), Pogba, Griezmann, Mbappe… (Pháp). Chúng ta cùng chờ xem Messi hay Griezmann sẽ tỏa sáng để đưa đội bóng của mình đi tiếp.
Dù Pháp hay Argentina đi tiếp thì ở tứ kết người hâm mộ cũng sẽ tiếp tục được chứng kiến màn so tài đỉnh cao có thể là Pháp - Bồ Đào Nha, Pháp - Uruguay hoặc Argentina - Uruguay.
Nhưng được chờ hơn cả có lẽ là cuộc so tài giữa Bồ Đào Nha và Argentina. Khi đó, người hâm mộ sẽ được chứng kiến cuộc so tài thật sự giữa hai ngôi sao hàng đầu thế giới: Cristiano Ronaldo và Lionel Messi.
Ronaldo và Messi là hai sao sáng nhất của bóng đá thế giới trong hơn một thập kỷ qua. Kể từ năm 2008 đến nay, Ronaldo và Messi thay nhau thống trị cuộc bầu chọn Quả bóng vàng thế giới (mỗi người thắng 5 lần). Trên các diễn ra, các cuộc tranh luận xem Ronaldo hay Messi giỏi hơn nổ ra triền miên nhưng chưa có hồi kết.
Ở cấp độ câu lạc bộ, hai ngôi sao cũng đã nhiều lần đối đầu nhau. Tuy nhiên, đây mới là lần đầu tiên Ronaldo và Messi đối đầu nhau trong màu áo đội tuyển quốc gia ở một giải chính thức. Vì thế, đó là trận đấu rất được chờ đợi và ngôi sao nào tỏa sáng đưa đội nhà đi tiếp. Dĩ nhiên, ai sáng hơn sẽ ghi một điểm cộng lớn trong cuộc so kè giữa hai cầu thủ trong suốt nhiều năm qua.
Chưa hết, nếu các đại gia tiếp tục chơi tốt, ở vòng bán kết người hâm mộ nhiều khả năng sẽ được chứng kiến trận "siêu kinh điển" Nam Mỹ giữa Argentina và Brazil hoặc trận derby Brazil giữa tuyển "Brazil chính hiệu" và tuyển "Brazil phiên bản châu Âu" Bồ Đào Nha…
Ở bảng đấu này còn phải kể đến ba đối thủ cực kỳ khó chịu với rất nhiều cầu thủ chất lượng trong đội hình là Uruguay, Bỉ và Mexico.
Với những cuộc thư hùng nảy lửa và những chướng ngại cao như núi, thì dù đội nào giành vé vào chung kết, đội đó sẽ có nhiều cơ hội giơ cao cúp vàng trên sân Luzhniki vào ngày 15-7 tới.
"Chu kỳ 20 năm của nước chủ nhà", điềm lành cho Nga?
Với lợi thế sân nhà, tuyển Nga sẽ có nhiều cơ hội tiến sâu tại World Cup 2018 nhờ rơi vào nhánh nhẹ - Ảnh: REUTERS
Trái ngược với các ông lớn trên, Anh và tuyển nước chủ nhà Nga có nhiều cơ hội tiến sâu ở World Cup 2018 khi rơi vào nhánh đấu nhẹ với những đối thủ không được đánh giá cao như: Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Colombia…
Thuận lợi nhất là Anh khi chỉ đụng một Colombia không quá mạnh ở vòng 2. Nếu giành vé đi tiếp, Anh sẽ gặp Thụy Điển hoặc Thụy Sĩ ở tứ kết và có thể là đội chủ nhà Nga ở bán kết.
Trong khi đó, dù khó hơn khi phải đối đầu với nhà vô địch năm 2010 Tây Ban Nha ở vòng 2, nhưng Nga vẫn được đánh giá có nhiều cơ hội đi tiếp nhờ lợi thế sân nhà và Tây Ban Nha cũng không cho thấy sức mạnh của 'ứng cử viên' sau 3 trận vòng bảng.
Ngoài ra, còn một yếu tốt nữa khiến nhiều người tin Nga sẽ tiến sâu ở World Cup năm nay là "chu kỳ 20 năm của FIFA". Tính từ World Cup 1958 đến nay, cứ 20 năm một lần, đội tuyển của nước chủ nhà World Cup sẽ có mặt trong trận chung kết, thậm chí lên ngôi vô địch dù không được đánh giá cao trước giải.
Các đội tuyển nước chủ nhà đã lọt vào chung kết World Cup và lên ngôi vô địch theo "chu kỳ 20 năm của FIFA" gồm: Argentina 1978 và Pháp 1998. Đội nước chủ nhà không lên ngôi vô địch theo "chu kỳ 20 năm của FIFA" là Thụy Điển năm 1958, nhưng họ cũng đã lọt vào đến trận chung kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận