TTO - Châu Phi tẩy chay World Cup, Cúp vàng ‘bốc hơi’ ba tháng trước khai mạc chưa đủ khiến giải đấu kịch tính. Cao trào diễn ra ở hiệp phụ trận chung kết với một bàn thắng ‘ma’.

Clip trận chung kết Anh - Đức 4-2 - Nguồn: FIFA TV

Hình ảnh nổi tiếng khi đội trưởng Bobby Moore nâng cúp cùng tuyển Anh năm 1966 - Ảnh: Getty Image

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 3.

Khi World Cup 1966 diễn ra tại chính nước Anh, không một quốc gia châu Phi tham dự. Chính xác hơn, Lục địa đen đã tuyên bố nói không với giải đấu như một động thái của phong trào Wind of change - thứ được truyền cảm hứng bởi một người Anh từ 6 năm trước.

Khá trớ trêu, vào thời điểm đó, dù giải đấu có ý nghĩa là Cúp Thế giới nhưng "vé vào cổng" lại dành hết cho những khu vực có nền bóng đá mạnh.

Đến năm 1954, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) ra đời. Liên đoàn bóng đá châu Phi (CAF) nối gót vào năm 1957. Hai đại diện bóng đá lục địa đã không ngừng tìm cách kêu gọi quyền lợi cho các quốc gia nằm trong liên đoàn.

Dù vậy, FIFA vẫn tỏ ra thờ ơ với điều này, khi đưa ra những yêu cầu gắt gao ở vòng loại của các kỳ World Cup 1958 và 1962. Hệ quả là không một bóng châu Á, châu Phi có được suất dự giải.

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 4.

Ohene Djan - Người gửi bức điện tín phản đối lên FIFA năm 1964

Mọi chuyện dần đi đến cao trào khi FIFA đưa ra thông báo về quy cách dự vòng chung kết World Cup 1966. Theo đó, trong số 16 suất dự giải, 10 suất dành cho châu Âu - gồm chủ nhà Anh, 4 suất cho Nam Mỹ, 1 suất cho CONCACAF và còn châu Phi, châu Á và châu Đại Dương sẽ phải chiến đấu với nhau chỉ để tranh giành một suất duy nhất còn lại.

Chưa  đầy tháng sau, Giám đốc thể thao của Ghana, ông Ohene Djan, đã gửi một bức điện tín có nội dung "phản đối cách đối xử bất công với các quốc gia Phi-Á" yêu cầu phải để châu Phi có 1 suất chắc chắn ở World Cup. Rốt cục điều này bị từ chối phũ phàng.

Tức giận, Ghana tuyên bố tẩy chay World Cup 1966. Từ một quốc gia, phong trào đã lan ra nhiều nước khác và cuối cùng, toàn bộ Lục địa đen đồng lòng "quay lưng" với giải đấu.

Ở châu Á, phong trào tẩy chay World Cup cũng diễn ra hàng loạt. Duy chỉ có Triều Tiên không đi theo tiếng gọi này. Họ bước vào loạt play-off và đánh bại đại diện của châu Đại Dương là Úc, qua đó trở thành quốc gia châu Á duy nhất góp mặt.

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 5.

Chuyện châu Phi bỏ giải không phải là vụ lùm xùm duy nhất tại World Cup 1966. Trước giải đấu chỉ 3 tháng, cả thế giới rúng động vì nước Anh làm mất… cúp Jules Rimet.

Vào ngày 20 tháng 3 năm 1966, chiếc cúp vàng Jules Rimet được trưng bày tại một nhà thờ lớn nằm trong khu vực Westminster (London) bất ngờ… không cánh mà bay. Mọi người bàng hoàng, các quan chức FA kinh hoảng, còn cảnh sát thì ráo riết mở cuộc điều tra quy mô lớn nhằm truy tìm chiếc cúp.

Theo The Guardian, ngày thường luôn có những viên cảnh sát túc trực để canh chừng chiếc cúp. Nhưng hôm đó lại là Chủ Nhật, nơi nhà thờ tổ chức các buổi lễ và lính canh thì được…nghỉ. Mọi thứ quá thuận tiện và dễ dàng cho một vụ trộm cắp dù kẻ ra tay không phải dân chuyên.

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 6.

Chú chó Pickles - người hùng của World Cup 1966

Các cuộc điều tra lại không thu thập được nhiều đầu mối, dù đến ngày thứ ba họ nhận được bức thư nặc danh đòi tiền chuộc lên đến 15.000 bảng Anh. Cảnh sát bắt giữ được kẻ liên quan là Edward Betchley nhưng vẫn không tài nào tìm ra được chiếc cúp.

Nước Anh đứng trước nguy cơ bị bẽ mặt vì làm mất cúp vàng. May mắn cho họ, một người hùng bất ngờ xuất hiện đúng lúc. Vị anh hùng này không có sức mạnh siêu nhiên, mà chỉ có bốn chân và một cái mũi rất nhạy.

Một buổi sớm ngày 20 tháng 3, chú chó Pickles khi đang đi dạo cùng chủ đã có một phát hiện chấn động. Ngay hàng giậu trước nhà, Pickles tìm thấy một gói hàng được bọc lại bằng giấy báo và cột chặt. Chủ của Pickles - Dave Corbett, mở gói hàng rồi sửng sốt khi nhìn thấy chiếc cúp Jules Rimet ngay trước mắt mình.

Pickles lập tức trở nên nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông, chú chó thậm chí còn liên tục được mời đi tham dự sự kiện.

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 7.

Tuyển Anh biết ơn Pickles một, thì có lẽ phải cám ơn trọng tài tới 10. Cho đến nay, cụm từ "Wembley Tor" -  tức bàn thắng Wembley, vẫn được người Đức nhắc đến theo ý mỉa mai cái cách họ bị cướp mất chức vô địch World Cup 1966.

Trận chung kết giữa Tây Đức và Anh phải bước sang hiệp phụ sau khi hòa 2-2 ở 90 phút.

Phút 101, Geoff Hurst xoay người dứt điểm trúng xà ngang khung thành của Tây Đức. Bóng đập đất trước khi một cầu thủ Tây Đức phá bóng đi hết biên ngang. Tình huống quá nhanh đến nổi khán giả xem trên truyền hình cũng khó xác minh liệu bóng đã qua vạch vôi hay chưa.

Các cầu thủ Tây Đức thì chuẩn bị cho một quả phạt góc, nhưng người Anh lại giơ tay kêu gọi trọng tài công nhận bàn thắng.

Thủ thành Hans Tilkowski của Tây Đức trong pha ghi bàn gây tranh cãi của Geoff Hurst và trọng tài Tofiq Bahramov - Ảnh: AP

Trọng tài chính Gottfried Dienst lưỡng lự đưa ra quyết định nên chạy lại đường biên để có những trao đổi với Tofiq Bahramov. Vị trọng tài biên người Azerbaijan khẳng định bóng đã qua vạch vôi, vì thế bàn thắng được công nhận cho tuyển Anh bất chấp sự phản đối quyết liệt từ các cầu thủ Tây Đức.

Geoff Hurst sau đó ghi thêm một bàn thắng nữa để kết thúc trận đấu với tỉ số 4-2, đưa Tam sư có lần đầu tiên và duy nhất lên ngôi vô địch.

Sau khi qua đời năm 1993, tên Tofiq Bahramov được đặt cho sân vận động quốc gia của đất nước này.

World Cup 1966: Cúp vàng bị đánh cắp và bàn thắng ‘ma’ - Ảnh 9.

___________________________

ĐỨC KHUÊ
AN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp