Thông điệp phản đối chiến tranh Việt Nam từ những khán giả Mỹ đến dự festival âm nhạc Woodstock năm 1969 - Ảnh: peacelovewoodstock
Đúng 50 năm trước, năm 1969, trong nông trang Yasgur chỉ rộng chừng 2,4km2 thuộc thị trấn nhỏ Bethel, 450.000 khán giả đã đổ tới để tận hưởng festival âm nhạc Woodstock - một trong những thời khắc huy hoàng nhất của lịch sử nhạc rock, diễn ra vào thời điểm thế giới đang tan rã và phân cực mạnh mẽ.
Có lẽ chưa bao giờ tiếng nói của âm nhạc lại âm vang tới thế. Ba ngày diễn ra Woodstock là ba ngày mà thông điệp về tình yêu và âm nhạc thực sự rung chuyển xã hội phương Tây đang lún sâu trong trầm cảm vì cuộc chiến tranh Việt Nam phi nghĩa.
Santana - Soul Sacrifice 1969 "Woodstock"
Hình ảnh biển người hò reo trong những màn biểu diễn của Jefferson Airplanes hay Jimi Hendrix, cùng san sẻ nước uống, thức ăn và giấc mơ hòa bình được tái hiện trong bản "thánh ca" của Joni Mitchell: "Khi tôi tới Woodstock, chúng tôi có nửa triệu người, khắp nơi là những bài ca và những cuộc vui. Và tôi đã mơ những chiếc máy bay ném bom, những khẩu súng trên bầu trời hóa thành bươm bướm...".
Sau nửa thế kỷ, tài khoản mạng xã hội của Woodstock bất ngờ đăng: "Cánh chim hòa bình đã trở lại", chính thức công bố tổ chức Woodstock phiên bản 2019, với sự xuất hiện của hàng loạt nghệ sĩ đương đại có sức ảnh hưởng như Jay-Z, Miley Cyrus, Greta Van Fleet, Janelle Monáe, Imagine Dragons... và đặc biệt hơn cả là David Crosby - huyền thoại từng đứng trên sân khấu Woodstock 1969.
Woodstock trở lại vào thời điểm mà bạo lực lại là một trong những từ khóa nóng nhất trên toàn cầu. Và dù khó có thể lặp lại những kỳ tích nó từng làm được, nhưng chắc chắn Woodstock 2019 vẫn sẽ là một lễ hội âm nhạc hướng tới "những vấn đề ta đang đối mặt cùng nhau".
Từ câu chuyện về lễ kỷ niệm rình rang 50 năm của festival Woodstock, chúng ta có thể làm một phép so sánh nho nhỏ tới bối cảnh âm nhạc Việt Nam hiện đại, khi mà sau sự cố 7 người chết tại lễ hội âm nhạc "Trip to the moon" tại Hà Nội, vào năm ngoái Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Hà Nội đã cho tạm ngưng cấp phép các lễ hội âm nhạc tương tự.
Sự lo lắng ấy rất có cơ sở. Thực ra, ngay cả ở Mỹ vào thời điểm Woodstock ra đời, nó cũng dấy lên nhiều tranh cãi.
Ban nhạc Joe Cockers ở Woodstock
Tờ New York Times mới đầu còn mỉa mai: "Những giấc mơ về cần sa và nhạc rock đã thu hút 300.000 người hâm mộ và những người hippi đến với Catkills ấy xem ra có chút tỉnh táo hơn so với xung lực đã thúc đẩy bọn chuột lemming nhảy xuống biển tự sát hàng loạt. Khán giả đã kết thúc trong cơn ác mộng của bùn lầy trì trệ. Thứ văn hóa nào có thể tạo ra một mớ hỗn độn như vậy?".
Nhưng sau đó, báo chí đã phải trả lại sự công bằng cho Woodstock. Và ngày nay, nhắc tới Woodstock là nhắc tới một biểu tượng về hòa bình và tình yêu.
Nếu lo sợ rằng mọi lễ hội âm nhạc là chất xúc tác cho tệ nạn thì thật là oan ức cho âm nhạc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận