07/07/2019 10:16 GMT+7

Wiseman và bức tranh ghép về cuộc sống Mỹ

CHÂU TRẦN-VI
CHÂU TRẦN-VI

TTO - Monrovia, Indiana là bộ phim thứ 40 (và cũng có thể là cuối cùng) của nhà làm phim tài liệu người Mỹ Frederick Wiseman - một trong những nhà sản xuất phim tài liệu tiên phong và có tầm ảnh hưởng nhất của thể loại "điện ảnh trực diện".

Wiseman và bức tranh ghép về cuộc sống Mỹ - Ảnh 1.

Poster phim Monrovia, Indiana - Ảnh: IMDb

Tất cả mọi thứ mà tôi tìm thấy là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng tác phẩm cuối cùng không phải là một sự ngẫu nhiên.

Frederick Wiseman

Trong suốt sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, Wiseman đặc biệt chú tâm quan sát, ghi chép các cộng đồng, thể chế văn hóa, xã hội ẩn chứa hiện thực phức tạp và thông điệp chính trị sâu sắc.

Theo chân những người bình thường

Titicut Follies (1967) - bộ phim đầu tay của Wiseman - đã gây rất nhiều tiếng vang và cả sự tranh cãi, bị cấm chiếu và phân phối công khai cho đến năm 1991. 

Đây được coi là bộ phim đầu tiên bị cấm ở Mỹ vì những lý do khác ngoài vấn đề thuần phong mỹ tục hoặc an ninh quốc gia. Chủ thể của phim là những bệnh nhân tâm thần bị ngược đãi. 

Sự hiện diện của những con người khốn khổ này trên màn ảnh đánh dấu một điều gần như chưa từng có trong phim tài liệu cho đến thời điểm đó: những cá thể, đối tượng của điện ảnh được khắc họa theo cách chân thực, không khoan nhượng, không phán xét, không có những phân loại một cách lâm sàng, thuận tiện và dễ dàng.

Kể từ Titicut Follies, Wiseman đã cần mẫn theo chân những người dân Mỹ bình thường khi họ cùng nhau tới trường học, công viên, thư viện thành phố, tòa án, căn cứ quân sự hay nhà máy chế biến thịt. 

Không có sự cấm đoán, ngăn cản nào có thể ảnh hưởng đến việc Wiseman tiếp tục nghiên cứu những hình thái tương tự của các cơ quan, tổ chức, định chế chính trị và xã hội, tiết lộ những góc khuất của tầm nhìn và mở rộng quan điểm về những thứ quá đỗi thân quen mà dễ dàng bị bỏ qua, đưa ra cái nhìn toàn cảnh và cung cấp cả những ghi chép quan trọng về những thế giới vi mô.

Với phong cách làm phim đặc trưng là trình bày những cảnh, tình huống, nét phác thảo trực tiếp từ cuộc sống hằng ngày một cách trần thuật, không cần chú thích, phỏng vấn hoặc thuyết minh; Wiseman gần như đặt ra cho mình một sứ mệnh thu thập những mảnh ghép để tạo thành bức tranh mosaic về cuộc sống hiện đại của người Mỹ, hệ tư tưởng Mỹ và những biểu hiện về tình trạng tâm lý Mỹ.

Wiseman và bức tranh ghép về cuộc sống Mỹ - Ảnh 3.

Poster phim Monrovia, Indiana - Ảnh: IMDb

Kháng cự sự chuyển tiếp và biến đổi

Monrovia, Indiana (2018) kể về chính nơi chốn này - một thị trấn nhỏ ở miền Trung Tây nước Mỹ, với dân số khoảng 1.000 người, chủ yếu là da trắng, nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. 

Sau cuộc bầu cử tổng thống 2016, nước Mỹ chìm sâu vào sự chia rẽ chính trị và xã hội ngày càng sâu sắc, những nơi như Monrovia thường được biết đến như là "Vùng đất của Trump" (Trump country).

Trong bối cảnh của sự xung đột, giữa luồng tâm lý "chúng ta chống lại chúng nó" của đám đông, sự điên cuồng và hỗn loạn của truyền thông, không ai trong bộ phim của Wiseman trực tiếp đề cập đến những vấn đề đó. Người dân ở Monrovia tới cửa hàng bán súng, nhà thờ, hội chợ, nhà tang lễ. 

Nhưng ngay cả trong các cuộc thảo luận mở rộng, công khai và kéo dài, các công dân và chính quyền thị trấn tỏ ra quan tâm đến các vấn đề thực tế của địa phương, về quyền sử dụng đất, thu hút đầu tư và phát triển các dịch vụ cơ bản hơn là những vấn đề mang tính thời sự, vĩ mô của quốc gia.

Ông mở đầu bộ phim bằng những không gian rộng lớn của thiên nhiên vùng nông thôn và những con đường yên tĩnh của cuộc sống làng quê. 

Dần dần người xem cảm thấy sức nặng có phần tiêu cực, ngột ngạt của quá khứ, truyền thống, từ chính những chi tiết tưởng như tầm thường, nhỏ nhặt nhất trong đời sống hằng ngày ở một nơi mà có vẻ như người già áp đảo so với người trẻ.

Sự cách ly, tách biệt của Monrovia với những cá tính, lề thói, nhịp điệu và kết cấu lâu đời được tiết lộ qua một loạt cảnh và chi tiết nổi bật: một bài giảng dài và chi tiết về lịch sử huy hoàng của môn bóng rổ Monrovia vào đầu và giữa thế kỷ 20, một người đàn ông ở hội chợ hồi tưởng về việc mua chiếc xe đầu tiên ở tuổi 15 để đua xe... 

Dường như mọi cư dân ở Monrovia đều chìm đắm vào nỗi luyến tiếc quá khứ huyễn hoặc. Có thể đó là lẽ tự nhiên khi bộ phim kết thúc với một đám tang. 

Monrovia đầy rẫy những mâu thuẫn. Ở thị trấn nông thôn này, người dân không ủng hộ sự phát triển - họ lo lắng về cái chết, nhưng lại lo lắng nhiều hơn về việc mở rộng cho bên ngoài vào. Mối quan tâm lớn nhất của họ là bảo tồn mọi thứ theo cách mà nó luôn như thế.

Cũng giống như những tác phẩm khác của mình, Wiseman mang đến những hoạt cảnh về những tình huống, nghi lễ thường nhật giữa cá nhân và cộng đồng, kiên nhẫn hé lộ một cách tự nhiên một vùng đất kháng cự lại sự chuyển tiếp và biến đổi, cố gắng hết sức để giữ lấy những biểu tượng quen thuộc và cũ kỹ mang lại giá trị và ý nghĩa cuộc sống.

Miễn phí xem 28 phim tài liệu châu Âu và Việt Nam

TTO - Diễn ra từ ngày 8 đến 17-6 tại Hà Nội và TP.HCM, Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 9 sẽ mở cửa miễn phí cho khán giả đến thưởng thức.

CHÂU TRẦN-VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp