Chia sẻ tại cuộc họp báo ngày 5-5, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. Đây là quyết định được đưa ra sau khi WHO đã có thời gian lên kế hoạch, phân tích dữ liệu cẩn thận.
Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cũng nhấn mạnh việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu.
"Tuần trước, cứ 3 phút COVID-19 lại cướp đi sinh mạng của một người, và đó chỉ là những trường hợp tử vong được thống kê. Vi rút này vẫn còn ở đây, vẫn đang gây chết người và vẫn đang thay đổi. Nguy cơ vẫn còn ở các biến thể mới xuất hiện gây ra các đợt gia tăng mới về số ca mắc và tử vong.
Tin tức này có nghĩa là đã đến lúc các quốc gia chuyển từ chế độ khẩn cấp sang quản lý COVID-19 cùng với các bệnh truyền nhiễm khác. Chúng ta có các công cụ và công nghệ để chuẩn bị ứng phó với đại dịch tốt hơn, phát hiện sớm hơn, ứng phó nhanh hơn và giảm nhẹ tác động của chúng", ông Ghebreyesus nói.
Tổng giám đốc WHO cũng khẳng định sẽ không ngần ngại triệu tập một ủy ban khẩn cấp khác nếu COVID-19 một lần nữa khiến thế giới gặp hiểm họa.
Còn tại Việt Nam, TS Angela Pratt - trưởng đại diện WHO tại Việt Nam - cho rằng việc chấm dứt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với COVID-19 là tin tức đáng hoan nghênh.
"Đây cũng là thời điểm để Việt Nam nhìn lại tổng thể các hành động ứng phó với đại dịch này. Tuy nhiên, chúng ta không được mất cảnh giác với dịch bệnh này. COVID-19 sẽ tiếp tục là một mối đe dọa. Tuyên bố ngày hôm nay thực chất đưa ra yêu cầu phải thay đổi cách thức và đưa ra kế hoạch dài hạn để đối phó với vi rút", TS Angela Pratt nhận định.
Việt Nam có số ca nhiễm COVID-19 đứng thứ 13/231
Theo thông tin từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.571.127 ca nhiễm, đứng thứ 13/231 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 120/231 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.935 ca nhiễm).
Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao, với tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 266.266.588 liều. Trong đó, tỉ lệ tiêm chủng liều vắc xin nhắc lại cũng đạt mức cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận