Một bệnh nhân đang hồi phục khỏi COVID-19 tại bệnh viện ở Cambridge, Anh - Ảnh: REUTERS
"Chúng tôi biết rằng một số bệnh nhân xét nghiệm dương tính sau khi đã phục hồi lâm sàng. Hiện tại, dựa trên các dữ liệu gần nhất, chúng ta biết những bệnh nhân này dường như đang thải những gì còn lại trong phổi, như một phần của giai đoạn hồi phục" - Hãng tin AFP dẫn lời người phát ngôn của WHO cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia Maria Van Kerhove thuộc chương trình khẩn cấp y tế của WHO, cũng giải thích: "Khi phổi lành lại, các phần tế bào chết của phổi sẽ được đẩy lên. Những phần này mới thật sự là dương tính. Đây không phải là virus dễ lây, nó không tái kích hoạt. Đây thật ra là một phần của giai đoạn hồi phục".
Hàn Quốc gần đây thông báo có hơn 100 trường hợp dương tính trở lại với COVID-19, làm tăng lo ngại những bệnh nhân đã hồi phục có thể tái nhiễm.
Một số nghiên cứu cho thấy những người nhiễm virus corona chủng mới bắt đầu có kháng thể sau khi bị nhiễm khoảng một tuần hoặc trong khi xuất hiện các triệu chứng. Tuy nhiên chưa rõ liệu cơ thể những người bệnh này có sản xuất đủ kháng thể để ngăn virus tấn công trở lại hay không và kháng thể này sẽ tồn tại trong bao lâu.
Theo WHO, cần nghiên cứu thêm về các ca tái dương tính với COVID-19 để xác định liệu họ có thể lây nhiễm virus corona chủng mới cho người khác hay không.
"Chúng ta cần thu thập có hệ thống những mẫu bệnh từ các bệnh nhân đã hồi phục để hiểu rõ hơn việc họ có thể phóng thích virus trong bao lâu" - WHO cho biết.
Đối với một số loại virus, như virus gây bệnh sởi, những người mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời. Nhưng với các loại virus corona, như virus gây Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (SARS), khả năng miễn dịch kéo dài vài tháng đến vài năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận