25/07/2021 09:28 GMT+7

WHO quyết truy tìm nguồn gốc COVID-19

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Bất chấp Trung Quốc chính thức bác bỏ đề xuất điều tra tiếp về nguồn gốc virus SARS-CoV-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 23-7 vẫn kêu gọi các nước cùng tham gia truy tìm nguồn gốc đại dịch.

WHO quyết truy tìm nguồn gốc COVID-19 - Ảnh 1.

Các nhà điều tra quốc tế đến Vũ Hán, Trung Quốc, điều tra nguồn gốc dịch COVID-19 vào tháng 1-2021 - Ảnh: Reuters

Nói về việc Trung Quốc bác bỏ đề xuất điều tra tiếp, người phát ngôn WHO - ông Tarik Jasarevic - nhấn mạnh "đây không phải chính trị, không phải trò đổ lỗi" mà là trách nhiệm của mọi quốc gia.

WHO nói "phải điều tra tiếp"

Mới đây WHO cho rằng cần tiến hành giai đoạn hai cuộc điều tra về nguồn gốc virus gây bệnh COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Sau cuộc điều tra đầu tiên của đoàn chuyên gia quốc tế, WHO và Bắc Kinh ra tuyên bố chung nói virus có thể lây từ dơi sang người và gây dịch bệnh. Song cuộc điều tra đó bị phản ứng vì thiếu minh bạch và dữ liệu gốc, cũng như chưa xem xét kỹ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Với thái độ kiên quyết, ngày 16-7 tổng giám đốc WHO - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus - kêu gọi Trung Quốc minh bạch và chia sẻ dữ liệu, đồng thời kêu gọi các nước không chính trị hóa việc này.

"Chúng ta nợ hàng triệu người bị ảnh hưởng [trong dịch bệnh] và hàng triệu người đã chết câu trả lời cho việc chuyện gì đã xảy ra" - ông Tedros nói, cho rằng không nên loại bỏ giả thuyết nào. Ông cũng đề xuất khi trở lại Vũ Hán, cuộc điều tra cần xem xét cả các phòng thí nghiệm và chợ động vật tại đây.

Theo các nguồn tin ngoại giao, Trung Quốc đã phản ứng ngay khi ông Tedros đưa ra đề xuất trong cuộc họp kín. "Trung Quốc coi đó như sự bác bỏ tuyên bố chung trước đó" - một nhà ngoại giao không nêu tên nói với Reuters. Trong các phản ứng công khai sau đó, Bắc Kinh chỉ trích đề xuất của WHO là "sản phẩm của sự thao túng chính trị".

"Không thể không nghĩ rằng kế hoạch hành động này hùa theo "giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm" từ một số nước như Mỹ" - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lâp Kiên nói ngày 23-7. Trước đó, giới chức Trung Quốc cũng chỉ trích đề xuất của WHO thiếu tôn trọng và phản khoa học.

Trung Quốc chắc chắn nói không với cuộc điều tra này.

Người phát ngôn Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói ngày 23-7

Có thể không cần Trung Quốc?

Theo Hãng tin Reuters, WHO đang chuẩn bị thành lập nhóm cố vấn khoa học quốc tế thường trực về nguồn gốc các mầm bệnh mới. Đây được coi là bước chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo về điều tra nguồn gốc COVID-19.

Việc thành lập ủy ban gồm các chuyên gia độc lập cũng nhằm giảm bớt áp lực chính trị cho WHO. Trong khi đó, Hãng tin AFP cho biết WHO cũng đã xây dựng giao thức đánh giá an toàn phòng thí nghiệm, an ninh sinh học để hiểu đúng mức độ nguy cơ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm. Giao thức này sẽ là công cụ giúp WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác.

Theo giới phân tích, nhóm điều tra quốc tế không có nhiều cơ hội điều tra được nguồn gốc dịch COVID-19 nếu Trung Quốc không hỗ trợ.

"Không có sự hợp tác của Trung Quốc, WHO sẽ bị trói tay, các cánh tay quốc tế cũng bị bó buộc và cơ hội xác định nguồn gốc virus cũng giảm mạnh" - báo Washington Post dẫn nhận định của chuyên gia chính sách y tế toàn cầu Mara Pillinger thuộc Viện y tế toàn cầu và quốc gia O’Neill, Đại học Georgetown (Mỹ).

Tuy nhiên, chuyên gia Jamie Metzl - thành viên ban cố vấn của WHO về chỉnh sửa gene người - cho rằng thế giới cần thúc đẩy cuộc điều tra mà không cần Trung Quốc.

"Mặc dù một cuộc điều tra toàn diện có sự hợp tác của Trung Quốc và được tiếp cận đầy đủ các hồ sơ, mẫu và con người liên quan là tiêu chuẩn vàng, song chúng ta không thể coi sự cản trở của Trung Quốc như sự kết thúc cho vấn đề này. Không thể trao cho Bắc Kinh quyền phủ quyết với cuộc điều tra về đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ" - ông Metzl nêu quan điểm trên Đài CNN. 

Ông cũng gợi ý các biện pháp điều tra dựa trên dữ liệu bên ngoài Trung Quốc, kêu gọi các nhà khoa học Trung Quốc cung cấp thông tin.

Ngay cả trong trường hợp Trung Quốc đồng ý điều tra tiếp, theo giới phân tích, vẫn còn nhiều thách thức lớn, nhất là trong việc xác định khả năng virus lây từ động vật sang người. Theo báo Wall Street Journal, hầu hết hoạt động buôn bán động vật hoang dã liên quan đến các chợ ở Vũ Hán đã bị dẹp. Trong khi đó, cơ hội tìm thấy kháng thể trên những người buôn bán động vật cũng giảm dần theo thời gian.

Thách thức với Mỹ

Trả lời phỏng vấn Đài NPR ngày 22-7, giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ William Burns cho rằng thách thức hiện tại của họ là điều tra nguồn gốc COVID-19.

Theo ông Burn, hiện Mỹ vẫn chưa thể kết luận là dịch bùng phát do virus rò rỉ hay lây từ động vật sang người.

"Thực tế Chính phủ Trung Quốc đã không minh bạch, không hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra ban đầu của WHO và gần đây cho thấy sẽ từ chối hợp tác tiếp. Đây là điều rất không may" - ông Burn nói. Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu giới tình báo thu thập và phân tích các thông tin về nguồn gốc dịch bệnh.

Bị Trung Quốc bác, WHO thúc tất cả các nước hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19 Bị Trung Quốc bác, WHO thúc tất cả các nước hợp tác điều tra nguồn gốc COVID-19

TTO - Một ngày sau khi Trung Quốc bác kế hoạch điều tra nguồn gốc COVID-19 giai đoạn 2, Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi tất cả quốc gia hợp tác điều tra và lưu ý cuộc điều tra không liên quan chính trị hay là "trò chơi đổ lỗi".

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp