Một học sinh được tiêm ngừa COVID-19 bằng vắc xin của Sinopharm tại Caracas, Venezuela - Ảnh: REUTERS
Ngày 6-12, báo South China Morning Post dẫn lời bà Erika Dueñas Loayza, lãnh đạo cơ quan về sở hữu trí tuệ của WHO phụ trách việc tiếp cận thuốc và sản phẩm y tế, xác nhận cơ quan này đang tiếp cận 2 công ty lớn của Trung Quốc có vắc xin được WHO phê duyệt.
Trung Quốc hiện có 2 công ty có vắc xin ngừa COVID-19 được WHO phê duyệt sử dụng khẩn cấp là Sinopharm và Sinovac.
Bà Loayza cho biết WHO cũng đã liên lạc với phái đoàn Trung Quốc tại Geneva để đề nghị các công ty Trung Quốc chia sẻ công nghệ và bản quyền thông qua nền tảng COVID-19 Technology Access Pool (C-TAP).
Đây là một nền tảng được WHO lập dành cho việc chia sẻ dữ liệu, công nghệ và sở hữu trí tuệ về việc điều trị, xét nghiệm và tiêm ngừa COVID-19.
"Từ góc độ sức khỏe cộng đồng, nền tảng này rất tốt cho việc tiếp cận vì chúng ta có thể nhanh chóng xác định các nhà sản xuất có năng lực. Và sau đó chúng tôi giúp họ bắt đầu nhanh chóng và đưa sản phẩm vào thị trường các nước đang phát triển càng sớm càng tốt. Chúng tôi tạo ra sự cạnh tranh và đó là cách tốt nhất để giảm giá vắc xin", bà Loayza giải thích.
Theo WHO, Sinopharm và Sinovac đều quan tâm đến việc chia sẻ công nghệ nhưng muốn thực hiện thông qua thỏa thuận song phương tại mỗi quốc gia.
Trong khi đó, công ty sản xuất dược Bharat Biotech của Ấn Độ đã đồng ý chia sẻ công nghệ với C-TAP và đang trong quá trình thỏa thuận với WHO.
Ấn Độ hiện là nhà sản xuất lớn nhất thế giới đối với các loại vắc xin công nghệ của phương Tây. Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng không kém khi là nhà cung cấp vắc xin lớn nhất cho các nước đang phát triển.
WHO và nhiều nước trước đó đã nhiều lần kêu gọi các hãng được chia sẻ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 để tăng nguồn cung và đảm bảo vắc xin cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên các hãng dược phương Tây như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson và AstraZeneca đều không mặn mà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận