Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge - Ảnh chụp màn hình
Khu vực châu Âu theo phân cấp của WHO bao gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có một số quốc gia ở Trung Á.
Theo giám đốc WHO châu Âu, 50/53 nước và vùng lãnh thổ đã xác nhận có trường hợp mắc biến thể Omicron trong "làn sóng lây nhiễm" đang càn quét từ tây sang đông tại châu Âu.
26 nước/vùng lãnh thổ trong số trên có số ca COVID-19 mới chiếm hơn 1% dân số tính đến ngày 10-1. Khu vực châu Âu cũng là điểm nóng dịch với tuần đầu tiên của năm 2022 ghi nhận hơn 7 triệu ca mắc mới.
"Viện Đo lường và đánh giá y tế (IHME) dự báo với tốc độ hiện tại, hơn 50% dân số trong khu vực sẽ bị nhiễm Omicron trong vòng 6 đến 8 tuần tới", ông Kluge cảnh báo trong cuộc họp báo ngày 11-1.
Nhiều bằng chứng cho thấy Omicron có khả năng lây lan nhanh nhưng không gây bệnh nghiêm trọng như các biến thể khác. Điều này dẫn tới các quan điểm cho rằng COVID-19 sắp trở thành một bệnh đặc hữu như cúm mùa.
Hôm 10-1, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tiếp tục nêu quan điểm này và cho rằng nên thay đổi phương pháp theo dõi sự tiến hóa của COVID-19.
Theo nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, nên áp dụng một phương pháp tương tự như cách theo dõi dịch cúm vì khả năng gây chết người của COVID-19 đã giảm.
Tuy nhiên bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao của WHO khu vực châu Âu, đã phản đối điều này và cho rằng COVID-19 vẫn chưa tới mức được xem như bệnh đặc hữu.
Theo bà Smallwood, mức độ lây nhiễm ổn định và có thể dự đoán được là điều kiện cần thiết để COVID-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên với sự xuất hiện của Omicron, mức độ lây nhiễm của dịch trở nên bất ổn và khó đoán định.
"Vẫn còn rất nhiều điều chưa chắc chắn và virus vẫn đang biến đổi nhanh chóng, đặt ra những thách thức mới", bà Smallwood nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 11-1 và kêu gọi các nước không vội xem COVID-19 như cúm mùa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận