Gà và ngỗng nuôi thả bên ngoài ở vùng nông thôn tỉnh Quý Châu, Trung Quốc - Ảnh: AFP |
Ngày 21-2 WHO cho biết các mẫu virút lấy từ hai nạn nhân bị nhiễm cúm gia cầm đã được tiêm vào những con chim trong phòng thí nghiệm và trở nên "có khả năng gây bệnh cao" cho gia cầm.
Tuy nhiên sự tiến hóa này chỉ ảnh hưởng trên gia cầm chứ không phải trên con người. Phát ngôn viên của WHO, ông Christian Lindmeier cho biết không có "bằng chứng cho thấy những thay đổi của virút ảnh hưởng đến khả năng virút có thể lây từ người sang người".
Trong bản tin cập nhật mới nhất, WHO cho biết có tổng cộng 304 ca nhiễm bệnh mới và 36 ca tử vong được xác nhận tại Trung Quốc từ ngày 19-1 đến 14-2.
Sự tiến hóa của virút, theo hãng tin Reuters, có nghĩa là bệnh cúm gia cầm sẽ trở nên rõ ràng hơn trong một số đàn gia cầm. Nếu gia cầm bắt đầu chết nhiều hơn thì việc phát hiện và kiểm soát sẽ trở nên dễ dàng hơn.
"Đây là lần đầu tiên phát hiện những thay đổi trong chủng virút H7N9. Đây là hai trường hợp duy nhất tại tỉnh Quảng Đông. Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về những thay đổi tương tự xảy ra ở những nơi khác" - ông Lindmeier giải thích thêm.
Ông Lindmeier cho rằng sự tiến hóa của virút H7N9 là một "lời nhắc nhở rằng chúng ta phải tiếp tục giám sát chặt chẽ hơn".
Các chuyên gia sức khỏe động vật nói rằng tỉ lệ lây nhiễm cúm gia cầm tại các trang trại ở Trung Quốc có thể cao hơn nhận định của chúng ta trước đây bởi vì chủng virút gây bệnh chết người này rất khó phát hiện trong gà và ngỗng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận