15/08/2024 10:39 GMT+7

Vì sao WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đậu mùa khỉ?

Ngày 14-8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lần thứ 2 trong vòng 2 năm, vì bệnh đậu mùa khỉ lây lan ở châu Phi.

Vì sao WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đậu mùa khỉ?- Ảnh 1.

Một em bé tại Congo trong quá trình điều trị bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, ngày 14-8, một ủy ban khẩn cấp đã họp để cố vấn cho Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc liệu dịch bệnh đậu mùa khỉ (mpox) bùng phát có phải là "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu" (PHEIC) hay không.

Phát biểu tại họp báo, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: "Hôm nay, ủy ban chuyên gia đã họp khẩn cấp và thông báo với tôi rằng, theo quan điểm của họ, tình hình này là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng đang được quốc tế quan tâm. Tôi đã chấp nhận lời khuyên đó".

Theo tổng giám đốc WHO, ủy ban chuyên gia đã đưa ra đề xuất về việc sử dụng vắc xin phòng ngừa mpox trong thời gian tới.

PHEIC là mức cảnh báo cao nhất của WHO, cho phép kích hoạt các phản ứng khẩn cấp ở các quốc gia trên toàn thế giới theo Quy định y tế quốc tế có ràng buộc về mặt pháp lý.

Đây là PHEIC thứ hai liên tiếp trong vòng hai năm về bệnh đậu mùa khỉ, cho thấy tình hình đang có diễn biến xấu.

Trước đó, Liên minh châu Phi (AU) ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục vì đợt bùng phát đậu mùa khỉ đang lan mạnh, với hơn 17.000 trường hợp nghi nhiễm và hơn 500 ca tử vong trong năm nay, chủ yếu là trẻ em ở Congo.

Do vi rút Orthopox gây ra, bệnh đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại CHDC Congo. 

Bệnh này được coi là đặc hữu ở các nước Trung và Tây Phi.

Đợt bùng phát ở Congo bắt đầu bằng sự lây lan của một chủng đặc hữu, được gọi là chủng I. 

Nhưng một biến thể mới, gọi là chủng Ib, dường như lây lan dễ dàng hơn thông qua tiếp xúc gần thông thường, bao gồm cả đường tình dục.

Bệnh đậu mùa khỉ đã lan rộng khắp Congo trước khi lây lan sang các quốc gia khác, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda, Uganda...

Vào tháng 7-2022, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đa quốc gia đã được tuyên bố là PHEIC khi nó lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc tình dục ở một loạt các quốc gia chưa từng thấy vi rút này trước đây. 

Tháng 5-2023, WHO dỡ bỏ PHEIC với bệnh đậu mùa khỉ.

Bệnh đậu mùa khỉ lây qua đường nào, dấu hiệu là gì?

Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây qua tiếp xúc gần, có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau.

Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ, nhưng với một số người khác bệnh có triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế.

Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm phát ban có thể kéo dài từ 2-4 tuần, sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể và sưng hạch bạch huyết.

Phát ban trông giống như mụn nước hoặc vết loét, và có thể xuất hiện ở mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân, háng, bộ phận sinh dục và/hoặc hậu môn...

Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hoặc biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch.

Tổ chức Y tế thế giới họp khẩn vì bệnh đậu mùa khỉTổ chức Y tế thế giới họp khẩn vì bệnh đậu mùa khỉ

Riêng tại CHDC Congo, đến nay đã ghi nhận 27.000 ca mắc đậu mùa khỉ, trong đó hơn 1.100 ca tử vong, hầu hết là trẻ em.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp