03/03/2019 15:08 GMT+7

Web Trung Quốc 'chôm' thương hiệu để bán hàng dỏm

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Giấy chứng nhận trồng trà hữu cơ của một nông dân Đài Loan đã bị 'chôm' để dùng quảng cáo là giấy chứng nhận cho một loại trà có thể chữa được chứng ù tai, giảm thính lực bán trên một trang web Trung Quốc.

Web Trung Quốc chôm thương hiệu để bán hàng dỏm - Ảnh 1.

Ông Tạ Triều Dương và giấy chứng nhận trồng trà hữu cơ thật - Ảnh chụp màn hình

Sự nghiệp kinh doanh trà hữu cơ của ông Tạ Triều Dương đang lao đao vì những lời than phiền mà bản thân ông ban đầu cũng chẳng rõ vì sao lại có.

Hóa ra, giấy chứng nhận trồng trà hữu cơ mà ông được Cơ quan kiểm định chất lượng Đài Loan cấp cách đây 7 năm đã bị đưa lên một trang web bán hàng của Trung Quốc để quảng cáo cho một loại trà được tung hô như "kỳ hoa dị thảo" có thể chữa được chứng ù tai, giảm thính lực.

Thực tế, trang trại của ông không hề trồng loại trà này. Kể từ khi kế thừa trang trại trồng trà của gia đình ở huyện Nghi Lan cách đây 30 năm, ông chỉ chuyên trồng trà đen, trà xanh, ô long và một loại trà giúp ngủ ngon.

Cách đây sáu tháng, ông Tạ phát hiện giấy chứng nhận trà hữu cơ mà mình bỏ bao nhiêu công sức để đạt được đã bị tung lên một trang web bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, đi kèm với đó là thông tin cá nhân chi tiết của ông.

Tin vào giấy chứng nhận cùng thông tin hết sức rõ ràng của ông chủ hiệu trà, nhiều người đã bỏ tiền ra mua rồi trút giận lên ông Tạ vì cho rằng doanh nghiệp của ông đã lừa dối về công dụng và quảng cáo quá lố.

Một số người cẩn thận hơn, gọi điện đến số điện thoại được cung cấp để hỏi mua loại trà mà ông Tạ không hề bán hay biết đến sự tồn tại của nó. Tạ kể ông đã bị mất ngủ trong khi uy tín của doanh nghiệp thì bị tổn hại nghiêm trọng.

Địa chỉ IP của trang web "treo đầu dê bán thịt chó" là ở Trung Quốc nên ông Tạ cũng như tổ chức cấp giấy chứng nhận cho ông đều bó tay. 

Hồi năm ngoái, một nông dân có giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ ở huyện Miêu Lật của Đài Loan cũng gặp phải tình cảnh tương tự. Người này sau đó quay một đoạn clip và tung lên mạng để thanh minh nhưng hiệu quả rất hạn chế.

Báo Taipei Times dẫn lời nhà chức trách huyện Nghi Lan cho biết trường hợp của ông Tạ họ cũng chịu thua vì chính quyền Trung Quốc thường từ chối cung cấp địa chỉ chính xác trên thực tế dựa trên IP với lý do an ninh.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp