01/03/2018 18:58 GMT+7

We love reading: hãy đọc sách cho con

THIÊN KIM
THIÊN KIM

TTO - Một buổi chiều, khi tôi đang tất bật chuẩn bị bữa cơm, cô bé hàng xóm gọi cửa: "Chị ơi, em muốn hỏi chị cái này". Hóa ra, cô ấy muốn… đọc sách cho con tôi nghe.

We love reading: hãy đọc sách cho con - Ảnh 1.

Buổi đọc sách cho trẻ em của chương trình We love reading - Vietnam ở Phố sách Hà Nội chiều 24-2 - Ảnh: CHÍ TUỆ

We love reading là mô hình "xây dựng thói quen và tình yêu đọc sách" cho trẻ em nổi tiếng thế giới, được thành lập từ năm 2006 ở Jordan và hiện nay có mặt tại 33 nước trên thế giới (welovereading.org).

Mô hình này vừa được UNESCO trao giải thưởng Dự án đọc hay nhất. Ban điều hành của dự án đọc phi lợi nhuận này tại Việt Nam tập hợp các chuyên gia trong ngành giáo dục hiện đang công tác và nghiên cứu tại nhiều quốc gia khác nhau như Pháp, Mỹ, Việt Nam.

Mục tiêu

20.000 đại sứ đọc

20.000 tủ sách/thư viện

500.000 trẻ em 4-11 tuổi hưởng lợi

Con gái tôi năm nay 5 tuổi, nghịch ngợm chẳng khác gì con trai. Đi học về, bé chỉ thích chạy nhảy, đạp xe, chơi cầu trượt ở khoảnh sân chung của khu nhà. 

Tôi mua khá nhiều sách cho con, nhưng mỗi lần đọc, bé chẳng mấy chú ý đến truyện mẹ đọc, chỉ chăm chăm tìm cách ngọ ngoạy ngó nghiêng chơi trò khác. Chồng sách trong nhà cứ mãi nằm lặng yên vì chẳng mấy khi được bạn nhỏ chú ý tới.

Vì thế, khi cô hàng xóm đề nghị đọc sách cho con, tôi cũng chẳng mấy quan tâm. Cô ấy nói cô tham gia tình nguyện làm "đại sứ" đọc cho một chương trình có tên là We love reading (Chúng mình thích đọc). 

We love reading có mặt trên hàng chục nước rồi, và chương trình tới Việt Nam từ tháng 11-2017 nhờ vào một nhóm các chuyên gia tâm lý và giáo dục Việt Nam tại Pháp.

Rốt cuộc, mỗi ngày chủ nhật con tôi lại sang nhà cô, cùng mấy bạn nhỏ khác, để nghe cô đọc sách. Sau vài ba buổi đọc sách, tôi thấy bé bắt đầu có vẻ như thích sách hơn. Con cũng biết lấy sách ra ngồi giở ra giở lại, nhớ đến đâu thì tự kể đến đấy. 

Buổi tối, con bắt đầu đòi mẹ đọc sách cho nghe, và giấc ngủ đến dễ hơn, sớm hơn nhiều so với thường lệ, tuy con vẫn chê mẹ đọc… chẳng hay. Tôi cứ tự hỏi chẳng hiểu cô bé hàng xóm có "chiêu" gì mà đột nhiên con tôi thích sách hơn hẳn như thế.

Mấy ngày gần đây, tôi đã khám phá ra bí mật đó. Cô hàng xóm trẻ kia rủ tôi tham gia chương trình giới thiệu "We love reading - Vietnam" ở Phố sách Hà Nội. 

Quả thật, tôi nghe cách "đại sứ" đọc cho các bé nghe, tôi mới thấy tại sao mình đọc sách cho con lại kém hấp dẫn với bé. Hóa ra các "đại sứ" đều được qua một khóa đào tạo, và luôn trau dồi khả năng đọc cho trẻ, để xây dựng trong trẻ niềm đam mê đọc sách.

Nghe cách các "đại sứ" đọc sách, đặt câu hỏi trong khi đọc, ra điệu bộ, cử chỉ minh họa, tôi là người lớn mà cũng háo hức nghe cho tới hết truyện. 

Các bé ngồi nghe thì đúng là hào hứng, tập trung vô cùng vào tình tiết của truyện, cũng như nhiệt tình tranh nhau trả lời các câu hỏi. Các khuôn mặt trẻ thơ sáng bừng vì hạnh phúc.

Nhờ vào "We love reading - Vietnam", con tôi đã dần hình thành thói quen đọc sách và yêu thích sách. Cả nhà tôi cũng vì thế cùng nhau đọc sách trước khi đi ngủ, các buổi tối trở nên yên ả hơn, và vốn từ vựng của con tôi cũng tăng nhanh không ngờ. 

Vậy đó, nhờ vào cô hàng xóm đáng yêu - cô "đại sứ" gieo mầm xanh đọc sách vào con trẻ.

Đọc sách cùng con đóng vai trò lớn

Với kinh nghiệm giúp học sinh tiểu học trở thành người đọc độc lập qua việc thiết lập thư viện, tổ chức tiết đọc thư viện ở các trường tiểu học, anh Trương Cảnh Linh - quản lý tác nghiệp khu vực phía Nam của Tổ chức Room to Read Việt Nam - chia sẻ thêm về tầm quan trọng của việc hình thành thói quen đọc cho các em từ bậc tiểu học.

Thông tin thu nhận được trong lĩnh vực thư viện ở nhiều trường tiểu học cho thấy: những em đọc nhiều sách hơn so với những bạn khác trong lớp sẽ có xu hướng duy trì việc đọc đó theo thời gian.

Chẳng hạn, ở lớp 1 có vài em đọc nhiều nhất trong lớp thì vài em đó cũng sẽ đọc nhiều nhất khi lên các lớp cao hơn.

Có thể thấy, mỗi khi trẻ đã hình thành thói quen đọc sách, việc duy trì thói quen đó sẽ không mấy khó khăn và thói quen tốt đó sẽ theo các em trong suốt cuộc đời, đảm bảo cho các em kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và khám phá tri thức từ đó về sau.

Số liệu thống kê tại các trường tham gia dự án Room to Read đã chỉ ra rằng để đạt được chỉ số mượn sách về nhà bình quân 1 quyển/học sinh/tháng (khoảng 12 quyển/năm) là điều không hề dễ dàng.

Mức tăng hằng năm không lớn và nếu không duy trì tốt thì việc "rớt hạng" là hoàn toàn có thể.

Có nhiều yếu tố tác động đến sự ham mê đọc sách của các em như: môi trường đọc (phòng đọc thoáng đãng và trang trí bắt mắt), sách được sắp xếp hợp lý để có thể dễ dàng tìm kiếm theo độ tuổi, sự thân thiện của nhân viên thư viện, nhưng quan trọng hơn là tác động từ phía gia đình.

Qua trò chuyện hoặc phỏng vấn ngắn, hầu hết những em đọc nhiều hơn các bạn khác đều cho biết các em rất thích đọc sách và việc đọc ở nhà chủ yếu do cha mẹ hướng dẫn, đọc cho nghe từ độ tuổi mẫu giáo, chính điều này đã góp phần khơi dậy đam mê đọc sách ở các em cũng như giúp các em hình thành và duy trì thói quen đọc khi các em biết đọc.

Tóm lại, việc đọc sách cho con nghe, đọc sách cùng con của các bậc cha mẹ đóng vai trò nền tảng để dựng xây thói quen đọc sách cho các em. Trương Cảnh Linh

THIÊN KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp