15/01/2018 09:51 GMT+7

'Waste land' - khi nghệ thuật hòa quyện với rác

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Cuộc sống của những con người thu gom phế liệu ở bãi rác lớn nhất thế giới tại Brazil trong phim Đời rác (Waste land) đã khiến khán giả Việt bất ngờ vì chẳng khác gì Việt Nam.

Waste land - khi nghệ thuật hòa quyện với rác - Ảnh 1.

Bức chân dung của Sebastiao được làm bằng rác theo phong cách nghệ thuật đương đại do Vik Muniz hướng dẫn Sebastiao phối hợp thực hiện - Ảnh từ phim tài liệu 'Đời rác'

Khi những chiếc xe tải đến và đổ rác xuống đất, hàng chục người trèo lên đống rác, thoăn thoắt nhặt những loại vật liệu có thể bán ra tiền. Bầy chim cũng bay đến tham gia nhặt nhạnh. Cảnh tượng cho thấy rác ở Brazil cũng giống như rác ở Việt Nam, không hề được phân loại vô cơ hay hữu cơ.

Phim tài liệu và những bức tranh từ rác

Bãi rác khổng lồ Jardim Gramacho ở thành phố Rio de Janeiro trong phim Đời rác có thể khiến nhiều người nhớ đến bộ phim hoạt hình Wall-E - một giả tưởng về Trái đất chết do rác thải ngập ngụa hành tinh. Bãi rác này cũng nhắc nhở con người về chủ nghĩa tiêu thụ đang bành trướng trên thế giới này với tốc độ kinh khủng thế nào.

Nhưng Đời rác không đi sâu vào vấn đề môi trường. Bộ phim kể về Vik Muniz - một nghệ sĩ đương đại từ Mỹ về quê hương Brazil thực hiện dự án nghệ thuật tại bãi rác Jardim Gramacho. 

Tại đây, anh chọn ra những người thu gom rác có gương mặt ấn tượng. Anh chụp chân dung họ và in thành một tấm hình lớn đặt dưới sàn studio. Anh nhờ họ đi tìm các vật liệu thích hợp ở bãi rác về xếp vào bức ảnh (theo hướng dẫn của anh) để tạo thành bức chân dung theo phong cách nghệ thuật đương đại.

Sau đó, Vik Muniz xử lý những tác phẩm này thành các bức tranh nhỏ hơn và đem đi trưng bày khắp thế giới. Tại Brazil, triển lãm những bức tranh từ bãi rác đã thu hút hơn 1 triệu khách tham quan, chỉ sau triển lãm của danh họa Picasso. Vik Muniz đã quyên góp được 25.000 USD qua việc bán tranh để giúp đỡ cộng đồng những người thu gom rác tại Jardim Gramacho.

Sau buổi trình chiếu Đời rác, nhìn người ta nghĩ đến mình, nhiều khán giả ở Hà Nội bày tỏ sự sốt ruột trước tình hình rác thải tại Việt Nam. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một vấn đề phức tạp cần một giải pháp tổng thể từ trung ương, nhưng cũng có khán giả cho rằng: trong khi chờ giải pháp từ trung ương thì các cá nhân, nhóm nhỏ phải hành động.

Vik Muniz chỉ là một cá nhân, nhưng hành động của anh đã thay đổi cuộc sống của một nhóm nhỏ. Bộ phim tài liệu Đời rác về dự án của Vik Muniz cũng có khả năng thay đổi nhận thức của khán giả xem phim.

Giọt nước mắt hạnh phúc của người nhặt rác

Điều xúc động nhất trong Đời rác chính là những nhân vật Vik Muniz chọn. Họ bị coi là người ở bên lề xã hội, sống ở nơi không con người nào muốn sống, nhưng họ lại là những con người đầy nhân phẩm. Họ ít học, nhưng không có nghĩa họ thiếu hiểu biết.

Những phụ nữ trong phim đã chấp nhận đi nhặt rác chứ nhất định không làm gái điếm.

Ông Valter - một người già đã làm việc ở bãi rác này suốt 26 năm - bộc bạch: "Nghèo không phải là cái tội. Giàu có, đức cao vọng trọng mà vô đạo đức mới là có tội". Và ông tự hào vì công việc của mình.

Sebastiao - Chủ tịch Hiệp hội người thu lượm Jardim Gramacho - cho biết đã học được rất nhiều điều từ những cuốn sách người ta vứt đi ở bãi rác. Khi anh thành lập hiệp hội này, tất cả đều nói anh bị điên và cho rằng công việc này chẳng đi đến đâu, nhưng anh quyết không bỏ cuộc.

Năm 2008 khi dự án hoàn thành, Vik Muniz mời Sebastiao sang London tham dự buổi đấu giá bức chân dung của Sebastiao được làm bằng rác thải. Sebastiao đã khóc khi bức tranh được trả giá 50.000 USD, khóc vì những gì anh đã làm và tin tưởng không vô ích.

Vik Muniz đã sử dụng rác làm nguyên liệu, biến những người nhặt rác trở thành nghệ sĩ (trong một thời gian ngắn). Dự án của Vik Muniz là một minh chứng cho thấy nghệ thuật có thể hòa nhập vào cộng đồng, làm thay đổi nhận thức của cộng đồng và nghệ thuật có thể cứu rỗi tâm hồn con người.

Chị Macgna - một người nhặt rác - cho biết sau dự án này chị không còn xấu hổ khi làm công việc này: "Tôi thấy được chính con người tôi, còn trước đây tôi làm việc quần quật như một con lừa".

Bản thân Vik Muniz cũng thừa nhận khi có tiền, anh đã mua rất nhiều thứ linh tinh cho bản thân. Nhưng giờ đây anh không còn quá ham muốn vật chất, chỉ cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa khi làm những dự án giúp ích cho nhiều người.

Rất nhiều người trong số người nhặt rác thuộc tầng lớp thấp của xã hội. Do hoàn cảnh không may, họ rốt cuộc phải tới sống ở bãi rác. Cuộc mưu sinh đó rất khó khăn.

Nhưng mặt khác, khi bạn thấy niềm ham sống và nghị lực của họ, bạn được truyền cảm hứng. Tôi đã nghĩ về việc giúp đỡ mọi người và đột nhiên tôi cảm thấy như thế là rất kiêu ngạo. Tôi là ai để cứu nhân độ thế? Vì rốt cuộc, tôi thấy mình là người được giúp đỡ nhiều hơn họ. Họ thật đẹp.

- Nghệ sĩ Vik Muniz -

Bộ phim Đời rác (Wasted land) của đạo diễn Lucy Walker, sản xuất năm 2010, được Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc chiếu tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng vào ngày 13-1 và chiếu tại Đà Nẵng vào ngày 14-1.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp