Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 15-3 - Ảnh: BLOOMBERG
Viện trợ 1 tỉ USD chỉ trong 1 tuần
Trước đó, theo báo Guardian, chính quyền Washington đã công bố gói viện trợ an ninh trị giá 200 triệu USD cho Ukraine.
Theo Đài CNN, công bố dự kiến nói trên của ông Biden sẽ nâng tổng số tiền Mỹ cam kết viện trợ cho Ukraine lên 1 tỉ USD trong tuần qua và lên tổng cộng 2 tỉ USD kể từ khi ông Biden nhậm chức tổng thống Mỹ.
Gói viện trợ mới sẽ bao gồm các trang thiết bị quân sự mà Mỹ cho rằng người Ukraine đang cần nhất. Theo vị quan chức nắm rõ kế hoạch của Chính phủ Mỹ, viện trợ có thể bao gồm tên lửa chống tăng và hệ thống phòng không như Javelin và Stinger.
Tuy nhiên, gói viện trợ này không bao gồm việc cung cấp máy bay chiến đấu hay lập vùng cấm bay tại Ukraine, điều mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng là cần thiết để kháng cự trước lực lượng Nga.
Động thái này diễn ra sau khi Kiev kêu gọi sự giúp đỡ hơn nữa của Washington.
Tổng thống Ukraine sẽ phát biểu trước Quốc hội Mỹ
Các thành viên lưỡng viện Canada lắng nghe Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước Quốc hội Canada tại Ottawa, Ontario, Canada ngày 15-3 - Ảnh: REUTERS
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự kiến phát biểu trước Quốc hội Mỹ lúc 9h sáng 16-3 (giờ Mỹ), 20h tối cùng ngày giờ Việt Nam, nhằm kêu gọi Washington giúp đỡ Kiev nhiều hơn.
Theo trang Politico, cho đến nay Tổng thống Joe Biden đã gửi vũ khí và thiết bị tới Ukraine, tập hợp các đồng minh châu Âu ủng hộ Kiev và dẫn đầu một loạt biện pháp trừng phạt với Nga và các tổ chức, cá nhân ở nước này.
Tuy nhiên, ông Biden không đồng ý đáp ứng một số yêu cầu của Tổng thống Zelensky như áp đặt vùng cấm bay, cấp hệ thống tên lửa tiên tiến và máy bay chiến đấu cho Ukraine.
Bài phát biểu của ông Zelensky trước Quốc hội Mỹ ngày 16-3 có thể khiến ông Biden phải chịu nhiều áp lực hơn từ các nhà lập pháp ủng hộ tăng viện trợ cho Ukraine.
Các quan chức chính quyền Biden thừa nhận họ cảm thấy áp lực từ yêu cầu được hỗ trợ nhiều hơn của Tổng thống Zelensky, theo Politico.
Richard Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định: "Tôi không thấy có khả năng thay đổi quỹ đạo cơ bản, dù chúng ta có cung cấp cho Ukraine nhiều phương tiện hơn để tự vệ và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến là giao tranh sẽ kéo dài".
Các quan chức chính quyền Mỹ cho rằng các thiết bị Mỹ gửi, như hệ thống phòng thủ chống tên lửa, đã giúp Ukraine cầm chân Nga. Tuy nhiên, một số yêu cầu khác của Kiev, như máy bay chiến đấu, sẽ không tạo ra nhiều khác biệt.
Trước đó, vào đầu tháng 3-2022, khoảng 300 nhà lập pháp đã dự một cuộc họp trên Zoom với ông Zelensky.
Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Ukraine Zelensky dự kiến trình bày một danh sách những trang thiết bị Ukraine cần để chống trả các lực lượng Nga. Theo báo New York Times, danh sách này không nhằm thay thế cho yêu cầu của Ukraine về việc chuyển giao chiến đấu cơ MiG-29 từ Ba Lan, vốn đã bị Mỹ bác bỏ ngay từ đầu.
Trước đó, Ba Lan từng đề xuất sẽ chuyển một số MiG-29 của nước này tới một căn cứ không quân Mỹ tại Đức, và từ đây những chiến đấu cơ này sẽ tới Ukraine.
Giới chức Mỹ nói đề xuất này không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, và có nguy cơ gây leo thang căng thẳng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với Nga.
Đích thân ông Biden cũng đã lên tiếng bác đề xuất này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận