Theo điều tra của báo Washington Post, mặc dù ủng hộ chương trình nghị sự chống người nhập cư bất hợp pháp của ông Trump, tỉ phú Elon Musk trước đây đã có thời gian làm việc bất hợp pháp ở Mỹ.
'Người nhập cư thành công nhất nước Mỹ'
Dẫn các bằng chứng từ nhiều nguồn, báo Washington Post đưa tin trước khi trở thành nhà tài trợ lớn nhất và nhiệt thành của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, tỉ phú Elon Musk từng có thời gian làm việc bất hợp pháp ở Mỹ, khi ông bắt đầu việc kinh doanh sau khi bỏ dở chương trình học sau đại học ở bang California.
Mặc dù vậy, tỉ phú gốc Nam Phi thời gian gần đây đăng nhiều nội dung trên X cho thấy sự ủng hộ đối với các phát ngôn của ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa, khi ông Trump cho rằng "biên giới mở" và những người nhập cư bất hợp pháp đang phá hủy nước Mỹ.
Đăng tải trên X, vị tỉ phú cáo buộc ứng viên tổng thống Kamala Harris và những người theo Đảng Dân chủ khác "nhập khẩu cử tri", đề cập việc người nhập cư bất hợp pháp đi bầu dù đây là việc bị cấm ở Mỹ.
Theo Washington Post, tỉ phú Musk chưa từng tiết lộ công khai rằng ông đã không có quyền làm việc hợp pháp tại Mỹ khi xây dựng một công ty sau trở thành Zip2.
Năm 1999, Zip2 được bán với giá 300 triệu USD. Đây là bước đệm đưa Musk thành công với Tesla và nhiều dự án mạo hiểm khác, sau đó trở thành người giàu nhất thế giới, và là "người nhập cư thành công nhất nước Mỹ".
Ở lại Mỹ bằng thị thực sinh viên
Đến Palo Alto, California vào năm 1995, Musk lẽ ra phải tham gia một chương trình học sau đại học tại Đại học Stanford, nhưng ông chưa bao giờ đăng ký các lớp học, thay vào đó làm cho công ty khởi nghiệp của mình.
Theo các chuyên gia pháp lý, việc bỏ học khiến tỉ phú Musk khi đó không có cơ sở để ở lại Mỹ.
Ông Leon Fresco, một cựu luật sư chuyên về vấn đề di trú của Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết sinh viên nước ngoài không thể bỏ học để xây dựng một công ty, ngay cả khi họ không ngay lập tức được trả lương.
"Nếu bạn làm bất kỳ điều gì đóng góp cho việc tạo ra doanh thu, như viết mã hay cố gắng tạo ra doanh số nhằm thúc đẩy doanh thu, bạn sẽ gặp rắc rối", ông Fresco nói.
Báo Washington Post cũng có tài liệu cho thấy khi công ty đầu tư mạo hiểm Mohr Davidow Ventures rót 3 triệu USD vào công ty của ông Musk vào năm 1996, thỏa thuận tài trợ khi đó nêu rõ anh em nhà Musk và một cộng sự có 45 ngày để có được tư cách làm việc hợp pháp tại Mỹ. Nếu không công ty này sẽ rút lại khoản đầu tư.
"Tình trạng (nhập cư) của họ lúc đó không đủ điều kiện để có thể được thuê hợp pháp cho việc điều hành một công ty ở Mỹ" - ông Derek Proudian, thành viên hội đồng quản trị Zip2 vào thời điểm đó và sau này trở thành giám đốc điều hành, cho hay.
Washington Post cũng dẫn 6 cựu cộng sự và cổ đông tại Zip2 nói rằng ông Musk từng tiết lộ với các đồng nghiệp mình đang ở Mỹ với thị thực sinh viên.
Năm 2020, vị tỉ phú chia sẻ trên một kênh Podcast rằng ông có "thị thực làm việc cho sinh viên" sau khi hoãn việc học tại Stanford: "Tôi đã ở đây một cách hợp pháp, tôi được phép làm các công việc của sinh viên".
Vào năm 2005, trong một email gửi đêm muộn, ông Musk thừa nhận ông đã không được phép ở Mỹ khi thành lập Zip2, nói rằng ông đã nộp đơn vào Stanford để có thể ở lại Mỹ một cách hợp pháp. Email này được Musk gửi cho hai nhà đồng sáng lập Tesla là Martin Eberhard và JB Straubel.
"Thực ra, tôi không thực sự quan tâm nhiều đến bằng cấp, nhưng tôi không có tiền cho phòng thí nghiệm và không có quyền hợp pháp để ở lại đất nước này. Vì vậy đó có vẻ là cách tốt nhất để giải quyết cả hai vấn đề", Washington Post dẫn lại email.
Tờ báo nhấn mạnh việc ở quá hạn tại Mỹ bằng thị thực du học khá phổ biến và đôi khi được các quan chức làm ngơ, nhưng đây vẫn là điều bất hợp pháp.
Hiện tỉ phú Musk, luật sư Alex Spiro và người quản lý văn phòng gia đình Musk chưa trả lời các yêu cầu bình luận được Washington Post gửi qua email.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận