23/02/2023 08:25 GMT+7

Walmart, Aeon, Amazon... hút hàng Việt

Hàng Việt Nam có nhiều triển vọng để xuất khẩu, phân phối trực tiếp vào hệ thống bán lẻ ở nước ngoài nhưng không chỉ là yêu cầu về chất lượng, giá mà yếu tố về phát triển bền vững có vai trò quyết định.

Hàng Việt được phân phối vào nhiều siêu thị, hệ thống phân phối lớn của nước ngoài - Ảnh: C.T.

Hàng Việt được phân phối vào nhiều siêu thị, hệ thống phân phối lớn của nước ngoài - Ảnh: C.T.

Tại hội nghị triển khai nghị quyết của Thủ tướng về đề án "Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030", do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22-2, các "ông lớn" phân phối nước ngoài khuyến cáo các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đảm bảo ổn định về sản lượng, chất lượng và giá cả hàng hóa, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường...

Nuôi trồng: chất thải bằng 0

Với tiêu chí phát triển bền vững, ông Shiotani - tổng giám đốc Công ty CP Aeon Topvalu Việt Nam - kể câu chuyện về chuối tươi tại thị trường Nhật Bản. Theo đó, mỗi năm công ty này nhập hàng chục ngàn tấn chuối với kim ngạch lên tới 100 triệu USD, nhưng có đến 70% chuối đến từ thị trường Philippines. Lý do được đưa ra là sản lượng chuối tại đây khá ổn định về giá cả và chất lượng, nên cạnh tranh được với các thị trường khác.

Tuy vậy, từ năm 2018, Aeon ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Công Thương, xuất khẩu chuối tươi từ Việt Nam sang Nhật bắt đầu triển khai. Nhờ vị ngon hơn hẳn và phản hồi tích cực từ khách hàng, từ năm 2022 xuất khẩu chuối tươi sang Nhật tăng lên với tỉ trọng xuất khẩu chuối từ Việt Nam sang Nhật Bản chiếm hơn 50%.

"Việc lựa chọn nhà cung cấp dựa trên mô hình sản xuất tuần hoàn, có chu trình khép kín để tạo ra chuối tươi. Doanh nghiệp ngoài trồng chuối còn có hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản và chăn nuôi bò. Do vậy, những chất thải từ chăn nuôi được sử dụng để làm phân bón cho cây chuối và trái không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì làm thức ăn cho vật nuôi. Hầu như lượng chất thải bằng 0, nên đây là mô hình có thể nhân rộng", ông Shiotani nói.

Cũng theo ông Shiotani, cùng với chất lượng và giá cả, một trong những tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp vào các hệ thống phân phối nước ngoài đó là đáp ứng được yêu cầu về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Tương tự, ông Aly Ansari, giám đốc cao cấp phụ trách nguồn cung Tập đoàn Walmart (Mỹ), cũng cho hay những tác động của dịch bệnh và căng thẳng chính trị khiến các nhà phân phối thay đổi chiến lược, mở rộng nhà cung ứng để tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Tuy nhiên, ngoài yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh, Walmart quan tâm đến những nhà cung cấp chú trọng vào yếu tố phát triển bền vững.

"Chúng tôi rất chú trọng vào những sản phẩm được làm ra bởi những nhà cung cấp có đạo đức, trả lương công bằng cho công nhân, đề cao phẩm giá người lao động. Các sản phẩm nông sản thì tăng cường chất lượng quản lý, đáp ứng về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, sản phẩm nông thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nếu Việt Nam áp dụng các giải pháp về thích ứng biến đổi khí hậu để nuôi trồng sẽ được ưu tiên", ông Aly Ansari nói.

Sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ

Việc bán hàng qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là một trong những hoạt động nằm trong đề án đưa hàng Việt ra kênh phân phối nước ngoài. Bà Đỗ Hồng Hạnh, giám đốc đối tác chiến lược của Amazon Global Selling Việt Nam, cho hay trong năm 2022 xuất khẩu của Việt Nam qua kênh Amazon khởi sắc, tăng tới 80%, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, đã có gần 10 triệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử, với giá trị xuất khẩu tăng 45% so với năm ngoái. Tập trung chủ yếu là sản phẩm nhà bếp, nhà cửa, dệt may, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tiêu dùng cá nhân và gia đình...

Ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết với việc triển khai đề án, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, từ nông sản, thực phẩm tới đồ gia dụng, dệt may, da giày, nội thất... đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối trải khắp trên toàn thế giới. Xuất khẩu vào hệ thống phân phối của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài đã thực sự trở thành một kênh xuất khẩu hiệu quả, bền vững.

Do đó, việc tiếp tục đẩy mạnh phân phối hàng hóa vào thị trường nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu nhằm phát huy thế mạnh và khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam là cần thiết.

Trong đó, các hoạt động trọng tâm được Bộ Công Thương thực hiện trong thời gian tới gồm phát triển mạng lưới các đối tác chiến lược của đề án, đặc biệt là các hãng phân phối bán lẻ đang có sự hiện diện tại Việt Nam hoặc quan tâm tới chuyển dịch chuỗi cung ứng sang thị trường Việt Nam.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng nhằm lựa chọn đội ngũ doanh nghiệp nòng cốt để đưa vào hỗ trợ trong các hoạt động của đề án. Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất những chính sách phù hợp thúc đẩy các doanh nghiệp Việt tham gia hình thức xuất khẩu trực tiếp.

"Đặc biệt, chúng tôi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp Việt xuất khẩu hàng hóa, bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tiếp tục huy động hệ thống ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu bằng các giải pháp tài chính đa dạng", ông Hải khẳng định.

Công nhân sơ chế, đóng gói chuối tươi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Công nhân sơ chế, đóng gói chuối tươi xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai - Ảnh: A LỘC

Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu chuối tươi

Ngày 22-2, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm 2023 nhằm quảng bá sản phẩm chuối tươi của Đồng Nai, kết nối người sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu chuối giữa Việt Nam và các nước.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết diện tích chuối toàn tỉnh gần 13.150ha, là địa phương có diện tích chuối lớn nhất nước (chiếm tỉ lệ 8,5% diện tích chuối cả nước và 71% khu vực Đông Nam Bộ). Trong năm 2022, Đồng Nai đã xuất khẩu trên 400.000 tấn chuối tươi. Riêng hai tháng đầu năm 2023, địa phương này đã xuất khẩu 200.000 tấn.

Ngoài ra, Đồng Nai đứng đầu cả nước về số lượng mã số vùng trồng chuối với 30 vùng trồng (diện tích 5.669ha) và 39 cơ sở đóng gói chuối được cấp mã số. Hằng năm, sản lượng chuối Đồng Nai ước đạt 450.000 tấn, hơn 80% trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia.

"Nhân sự kiện quan trọng này, tôi mong quý doanh nghiệp tiếp tục đồng hành, mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để trái chuối tươi Việt Nam ngày càng vươn xa hơn ra thị trường quốc tế", bà Hoàng nói.

Trao đổi bên ngoài buổi lễ, ông Ngụy Hoa Tường, tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM, cho biết người Trung Quốc rất thích ăn chuối tươi nhưng nhiều nơi không trồng được chuối.

Do đó, ông Tường mong muốn hai nước tăng cường hợp tác hơn nữa để thúc đẩy xuất chuối tươi Việt Nam qua Trung Quốc, đồng thời khẳng định Lãnh sự quán luôn ủng hộ, hỗ trợ quảng bá chuối tươi Việt Nam sang Trung Quốc nhưng Việt Nam cần chú trọng khâu đóng gói, bảo quản để quả chuối tươi đạt chất lượng tốt nhất.

A LỘC

Gạo Việt Nam tự tin xuất hiện trên kệ hàng thế giớiGạo Việt Nam tự tin xuất hiện trên kệ hàng thế giới

Nghề trồng lúa trở thành kế sinh nhai chính của hàng triệu nông dân. Còn hạt gạo Việt thì đang ngày càng được nâng tầm giá trị, “cất tiếng nói” trên thế giới.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp