Phóng to |
Nguyễn Thị Điều (bìa phải) cùng bạn bè trên chiếc đò đến trường trong ngày 1-6 - Ảnh: VĨNH HÀ |
Hành trình ấy được Nguyễn Thị Điều kể lại trong một bài viết mà em đã đoạt giải nhất trong cuộc thi của trường mình: “Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Minh Châu êm đềm tĩnh lặng. Đó là một hòn đảo nhỏ. Quê hương gắn với bao kỷ niệm ngày thơ ấu của tôi. Buổi nắng hè đi cắt cỏ, chiều về hái sung chấm muối...Giờ tôi đã thành một học sinh cấp III. Chuyện tưởng bình thường, nhưng với quê tôi đó là niềm hãnh diện. Tôi đã bước sang một hành trình mới để thực hiện ước mơ, khao khát của mình”.
Hành trình mơ ước
Nhưng hành trình ba năm học của Điều và các bạn không dễ dàng gì. Không phải ngẫu nhiên mà những cô bé, cậu bé ở Minh Châu học tại Trường THPT Quảng Oai (Hà Nội) nếu lỡ vắng tiết, đến muộn đều được từ bảo vệ đến thầy cô giáo linh động không trách phạt. “Chỉ sự hiện diện của các em trong mỗi buổi học đã thể hiện ý chí học tập của các em rồi” - một giáo viên giải thích. Còn bà Vũ Thị Minh Hiển, hiệu trưởng Trường THPT Quảng Oai, cho biết: “Nhà trường đã chỉ đạo thầy cô giáo, riêng học sinh Minh Châu đi học muộn đều phải cho các em vào lớp”.
Ai cũng biết học sinh Minh Châu gặp nhiều khó khăn về việc học, nhưng những dòng tâm sự của Điều đăng trên tập san của trường mới thật sự lay động nhiều thầy cô, bạn học khi em kể về hành trình đi học của mình. Cô giáo chủ nhiệm của Điều xúc động đọc lại bài viết cho chúng tôi nghe: “Buổi sáng, tôi phải dậy từ 5g30 để kịp ra bến chờ đò, có hôm lỡ chậm mấy phút là đò đi rồi, thế là muộn cả tiết học đầu. Có những ngày mưa to đò không sang sông được, người chờ đò như những con gà ướt mưa nép mình trong khoang thuyền. Những buổi sáng mùa đông sương mù dày đặc, đò cũng không sang được vì rất nguy hiểm. Có lần trời mù sương, đò vẫn sang sông nhưng bị lạc hướng đến cả chục cây số. Khi lên tới bờ đã mất cả một buổi học...”.
Trước ngày thi tốt nghiệp THPT, Điều và các bạn học chung trường đưa chúng tôi qua sông từ bến đò mà em kể trong bài viết. Đó là bến đò Chu Minh. Đón chúng tôi, bố mẹ Điều rất vui vì Điều là con duy nhất trong ba đứa con của họ sắp thi tốt nghiệp THPT.
“Lương giáo viên mầm non của tôi ít lắm, dù đã theo nghề đến 30 năm rồi. Kinh tế gia đình trông vào mấy sào ruộng. Vì phải đi dạy cả ngày nên việc đồng áng trông vào bố con Điều. Giờ bố Điều bị ngã, đau chân, mọi việc đổ lên đầu con bé. Trong khi chúng bạn được đi học thêm nơi này nơi kia thì kết thúc buổi học chính khóa là Điều phải về nhà để đỡ đần bố mẹ. Vất vả nhưng con bé ham học mà mơ ước sẽ được tiếp tục học lên cao” - bà Nguyễn Thị Ngọc, mẹ Điều, một giáo viên mầm non, chia sẻ.
Gắng sức vì những đam mê
Đỗ vào lớp 10 Trường THPT Quảng Oai với mức điểm 50, thuộc tốp học sinh có số điểm thi cao nhất trường, nhưng Điều đắn đo mãi. “Không ít lần em cũng có ý định bỏ học. Nhất là khi trong xóm có những bạn đã bỏ học giữa chừng. Những sáng trời mưa sầm sập, đường ra bến sông đầy bùn đất. Người sang sông dồn lại trên một chuyến đò đông cứng. Con đò quá nặng cứ dềnh dứ mãi không thể đi được. Em đã nản chí. Nhưng cuối cùng cũng vượt qua được phút yếu lòng ấy để tiếp tục đi học. Hôm nay (ngày 1-6) là ngày cuối cùng đến trường, trước kỳ thi tốt nghiệp, em lại thấy bùi ngùi. Con đường vất vả đã trở nên quen thuộc, những khó khăn, vất vả cũng trở nên quen thuộc và hành trình tới ước mơ của em sắp thành hiện thực. Quãng ngày đó thành kỷ niệm đáng nhớ trong thời học sinh của em” - Điều chia sẻ những điều này khi em cùng chúng tôi qua sông trước ngày thi. Em cho biết để kịp đến trường trong những ngày thi tốt nghiệp THPT, em sẽ phải ra bến đò từ 5g sáng.
Nghe các bạn ríu rít chúc nhau “ngày mai thi tốt”, Điều nói: “Em ước tất cả chúng em đều vượt qua được kỳ thi để những vất vả được đền đáp”. Điều khoe em thích học các môn lịch sử, địa lý nên trong lúc các bạn sợ hai môn này thì em thấy rất tự tin.
Cô giáo Phan Thị Huyền, chủ nhiệm lớp 12A5 của Điều, cho biết: “Điều học khá những môn xã hội. Đó là một học sinh luôn nỗ lực trong quá trình học. Tôi đọc đi đọc lại bài viết của em, lần nào cũng thấy nghẹn ngào. Chỉ ước gì có được cây cầu bắc qua sông cho những học sinh như Điều bớt khổ”. Tiễn chúng tôi ra bến sông, Điều chia sẻ một bất ngờ: “Nếu tốt nghiệp THPT, em sẽ thi vào Trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Em biết điều đó rất khó, nhưng cũng như trước đây, những gì khiến em đam mê, khao khát em sẽ phải cố gắng hết sức”. Hi vọng hành trình của Điều và nhiều học sinh ở Minh Châu, từ bến đò ấy, từ con đường ấy sẽ đến những bến bờ xa hơn.
Chỉ miễn phí lượt đi Minh Châu là một xã đảo thuộc huyện Ba Vì, nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 50km. Doi đất nằm ở bãi giữa sông Hồng quanh năm chảy xiết đã tạo nên sự cách biệt lớn với đất liền. Xã Minh Châu năm nay có khoảng 40 học sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT. Theo ông Nguyễn Công Thành - chủ tịch UBND xã Minh Châu, trong số 1.200 hộ dân có tới 200 hộ nghèo. Để khuyến khích học sinh Minh Châu vượt sông đi học, xã hỗ trợ bằng cách miễn phí tiền đò lượt đi, còn lượt về do xã khác phụ trách nên các em vẫn phải trả tiền. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận