02/02/2020 15:27 GMT+7

Vượt qua 'tử thần' SARS - Kỳ 4: URBANI, bác sĩ anh hùng

BS TRẦN VĂN PHÚC (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội)
BS TRẦN VĂN PHÚC (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội)

TTO - Ngày 28-2-2003, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội liên lạc với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thông báo bệnh nhân nhiễm virus giống cúm và có gì đó bất thường biểu hiện của bệnh nghiêm trọng.

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 4: URBANI, bác sĩ anh hùng - Ảnh 1.

Ông rất tâm huyết nghiên cứu khoa học cũng như giúp đỡ các nước đang phát triển - Ảnh: http://www.felicitapubblica.it/

Phía bệnh viện nghi ngờ có thể nguồn lây từ gia cầm. Bác sĩ Carlo Urbani, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, tiếp nhận cuộc gọi...

Ngành y tế thế giới có bổn phận ghi nhớ vị bác sĩ anh hùng Carlo Urbani, một công dân can đảm, một người cha gia đình, một người chồng gương mẫu đã bị cướp đi bởi một căn bệnh kinh khủng do chính ông đang lần tìm nguyên nhân.

Tổng thống Ý AZEGLIO CIAMPI

Nhưng chính người bác sĩ Ý ấy cũng không thể ngờ chỉ một tháng sau, ông và 5 nhân viên chăm sóc sức khỏe người Việt khác đã chết vì căn bệnh truyền nhiễm khủng khiếp do một loại virus mới hoàn toàn mang tên SARS-CoV.

Bị lây bệnh khi cứu người

Đó là thời điểm rất sớm của đại dịch SARS-CoV!

Ngay sau đó, Hà Nội bùng phát hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng, trong khi thế giới chưa có thông tin gì về SARS-CoV. Bằng giác quan nghề nghiệp nhạy bén, bác sĩ Urbani nhanh chóng nhận ra bệnh viện tư nhân nhỏ ở Hà Nội đang phải đối diện với điều gì đó bất thường rất lớn, nhân loại có thể phải đối mặt với một bệnh dịch mới nghiêm trọng.

Ngay lập tức, Carlo Urbani đã báo động cho WHO về những phát hiện của ông, đồng thời đề xuất những biện pháp khẩn cấp không thể chậm trễ trong việc đưa ra những phản ứng toàn cầu hiệu quả nhất đối với một dịch bệnh lớn trong lịch sử. Hành động thông minh, có trách nhiệm, quyết đoán và kịp thời của bác sĩ Carlo Urbani có thể đã cứu hàng triệu mạng sống trên toàn thế giới.

Thật ra, bác sĩ Carlo Urbani hoàn toàn có quyền từ chối trách nhiệm, vì bản thân ông là bác sĩ ký sinh trùng, công việc hằng ngày không liên quan tới virus. Nhưng thay vì từ bỏ công việc để trở về nhà đảm bảo an toàn, ông lại chọn phòng bệnh ở Bệnh viện Việt Pháp làm nơi cư trú. Ông ghi lại một cách tỉ mỉ và cẩn thận tất cả các phát hiện, sắp xếp các mẫu xét nghiệm và tăng cường kiểm soát chống nhiễm khuẩn.

Và khi căn bệnh lây lan nhanh chóng, diễn biến tất cả bệnh nhân đều rất nặng, nhanh chóng rơi vào suy hô hấp và tử vong, bác sĩ Carlo Urbani đã nắm chặt tay các nhân viên y tế, cùng họ đến bên giường bệnh, an ủi động viên từng bệnh nhân cố gắng duy trì từng hơi thở để vượt qua cơn bạo bệnh.

Nhận thức sâu sắc về mối nguy hiểm mà căn bệnh mới gây ra cho nhiều bệnh nhân ở Hà Nội, bệnh có thể biến thành dịch lớn đe dọa sự sống toàn cầu, bác sĩ Carlo Urbani đã thực hiện công việc khá khó khăn lúc bấy giờ là kết nối giữa quan chức WHO và Bộ Y tế Việt Nam. Ông đã thuyết phục được cả hai bên, được Chính phủ Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ, các bước ngăn chặn dịch bệnh bùng phát do bác sĩ đề xuất đã được triển khai nhanh chóng và quyết liệt.

Đặc biệt, Việt Nam thực hiện một công việc phi thường là chấp nhận bỏ qua những tổn thất nặng nề về kinh tế, công khai toàn bộ dịch bệnh, mời WHO, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ và Tổ chức Thầy thuốc không biên giới vào Việt Nam cùng giám sát và hỗ trợ chống dịch.

Thật đau buồn, khi bác sĩ Urbani không thể sống để nhìn thấy những thành quả của mình giúp phát hiện sớm và khống chế thành công dịch SARS.

Vào ngày 11-3-2003, bác sĩ Urbani đến Thái Lan để dự một hội thảo khoa học quốc tế về bệnh truyền nhiễm. Vừa xuống sân bay Bangkok, ông phát hiện mình có triệu chứng sốt, là một chuyên gia bệnh lây truyền hàng đầu quốc tế, Urbani biết SARS đã không buông tha cho mình.

Đón ông ở phi trường, người bạn rất thân cũng là đồng nghiệp đến từ CDC Hoa Kỳ khi biết Urbani đã mắc bệnh, đã muốn dành cho ông vòng tay ôm cuối cùng để chia sẻ. Nhưng bác sĩ Urbani ra hiệu cho người bạn dừng lại từ xa. Họ ngồi xuống góc phi trường vắng lạnh, cách xa nhau, trong im lặng chờ xe cứu thương đến...

Và Carlo Urbani đã chiến đấu 18 ngày tiếp theo trong một phòng cách ly tuyệt đối ở một bệnh viện nhỏ tại Bangkok. Bà Giuliani Chiorrini đưa các con đến Bangkok. Qua cửa kính, ông kịp nhìn mặt vợ con yêu thương lần cuối, trong đó có đứa con út vừa tròn 4 tuổi.

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 4: URBANI, bác sĩ anh hùng - Ảnh 3.

Bác sĩ Carlo Urbani khám bệnh cho trẻ em ở Việt Nam... - Ảnh: www.emmetv.it

"Nhiệm vụ của bác sĩ là đến bên người bệnh"

Đó là câu nói giản dị của bác sĩ Carlo Urbani khi đại diện cho Tổ chức Thầy thuốc không biên giới lên nhận giải Nobel hòa bình tại Stockholm (Thụy Điển) năm 1999. Câu nói ấy đã khắc sâu vào trái tim, là triết lý hành động cho tất cả những nhân viên y tế đang khoác trên mình tấm áo choàng trắng cứu người.

Là người yêu cái đẹp, dành tình cảm đặc biệt cho âm nhạc, yêu thích hầu hết các bộ môn nghệ thuật và khám phá thiên nhiên, nhưng trong sâu thẳm trái tim bác sĩ Carlo Urbani còn có một tình yêu vĩ đại khác: đó là tình yêu thương vô bờ dành cho con người. Tuổi trẻ của ông gắn với công việc từ thiện, nhất là những người bị tật nguyền. Khi trở thành bác sĩ, những kỳ nghỉ hè thay vì đi du lịch hưởng thụ, Carlo tranh thủ khoác balô đầy thuốc đến châu Phi.

Ông nhận thấy ở những quốc gia nghèo đói như châu Phi, nguyên nhân tử vong chính lại đến từ những căn bệnh hoàn toàn có thể chữa khỏi một cách đơn giản. Urbani thất vọng mỗi khi chứng kiến bệnh nhân không phải chết vì bệnh lạ, mà chết vì những căn bệnh thông thường như tiêu chảy cấp hay viêm phổi, bởi không ai chịu mang thuốc đến cho người bệnh.

Sau bao ngày trăn trở, ông quyết định rời bệnh viện để trở thành chuyên gia của WHO mang thuốc đến cho người bệnh nghèo. Bạn bè coi việc Urbani gia nhập các bác sĩ WHO giống như từ bỏ cuộc sống giàu sang, hiện đại để quay về lại với thế giới của người nghèo khổ, thiệt thòi.

Thời gian ở Việt Nam, Carlo Urbani tập trung nghiên cứu và điều trị bệnh giun đũa, một căn bệnh trở thành nỗi ám ảnh với ông. Vị bác sĩ luôn băn khoăn tự hỏi: Chỉ cần vài nghìn tiền thuốc nhỏ xíu, mỗi năm uống 2 lần là tất cả trẻ em đều hết bệnh giun, cơ thể không bị hao mòn, vậy mà tại sao rất ít người chịu làm?

Một đồng nghiệp của Urbani, bác sĩ Palmer, nhận xét: "Giun đũa không có gì hấp dẫn, nhưng hầu hết trẻ em xứ nhiệt đới đều mắc, còn bác sĩ Carlo Urbani là kẻ chống giun đũa quá khích". Ở Hà Nội, bác sĩ Carlo Urbani tự đi xe máy. Thỉnh thoảng ông đưa vợ con về các làng quê, sống cùng những người nông dân chân lấm tay bùn...

Bác sĩ Carlo Urbani đã chết để nhân loại được sống! Đúng như lời bà Pascale Brudon đại diện cho WHO ở Việt Nam nhấn mạnh: "Carlo là một con người tuyệt vời. Nếu không có ông, có lẽ tất cả chúng ta đều bị dịch SARS tàn phá".

"Hãy cắt lấy lá phổi của tôi để tìm bệnh"

Trong khoảnh khắc hiếm hoi còn tỉnh táo, đồng nghiệp thông báo cho Carlo Urbani cơn sốt của ông đã hạ. Nhưng bác sĩ Urbani không hề ảo tưởng, ông biết SARS không tha mạng sống của mình. Tâm nguyện trước khi nhắm mắt, ông đề nghị các bác sĩ cắt lá phổi của mình để lại làm tiêu bản nghiên cứu. Và ông mãn nguyện: "Công việc liên quan đến tôi, dù nguy hiểm, nhưng tôi thấy thoải mái, giờ đây tôi đã có tất cả".

Ngày 29-3-2003, bác sĩ Carlo Urbani đã trút hơn thở cuối cùng. Sau khi bác sĩ Carlo Urbani mất 2 tuần, nhờ lá phổi của ông, coronavirus đã được chỉ mặt vạch tên và đại dịch SARS được khống chế.

Vượt qua Vượt qua 'tử thần' SARS - Kỳ 3: Đối mặt cái chết

TTO - Gần một tháng hôn mê hoàn toàn, nữ điều dưỡng Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội Nguyễn Thị Mến đã kiên cường vượt qua "tử thần" SARS một cách kỳ diệu...

BS TRẦN VĂN PHÚC (Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp