Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng một số sĩ phu bị tra gông, chờ chuyển đi Côn Đảo sau cuộc biến 1908 - Ảnh: tư liệu nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng |
Người dân sau khi hấp thụ được ít nhiều những tư tưởng mới từ phong trào Duy Tân đã phản ứng lại. Và cuộc nổi dậy chống sưu thuế đã nổ ra ở Quảng Nam hồi tháng 3-1908, rồi lan ra một số tỉnh tại miền Trung.
Một khí thế sục sôi
Có thể nói cuộc chống sưu thuế ở Trung kỳ sẽ chưa diễn ra tại thời điểm 1908 hoặc nếu có thì cũng sẽ nhỏ hơn nếu phong trào Duy Tân chưa phát khởi ở đây.
Phẫn nộ vì việc phân bổ công sưu (còn được gọi là xâu, sưu/xâu là làm công dịch không tiền) nặng nề, bất công bởi viên tri huyện nhũng lạm, ngày 10-3-1908 một số đông dân ở làng Phiếm Ái, thuộc tổng Đức Hòa Thượng đã kéo nhau đến huyện lỵ Đại Lộc đòi giảm sưu thuế. Không được giải quyết, đoàn người lại kéo đến tỉnh đường Quảng Nam, rồi tiếp đến tòa công sứ Charles tiếp tục yêu sách.
Trước sự hứa hẹn có tính lừa dối, 500-600 người nhất quyết ở lại quanh tòa công sứ dù bị lính tập hành hung, bắn súng dọa. Hay tin này, hàng vạn người các nơi cùng kéo đến tiếp ứng.
Thông tin về cuộc xin xâu của người dân huyện Đại Lộc loan ra, người dân ở các phủ huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hòa Vang cũng kéo nhau đến phủ, huyện của mình đưa yêu sách giảm xâu thuế. Để việc kêu xin của mình được mạnh hơn, đoàn người đi xin xâu đã dùng “chiến thuật” bắt quan tri phủ, tri huyện cùng đến tòa công sứ xin xâu với mình.
Tổng đốc Hồ Đắc Trung ở Điện Bàn bị vây bắt đã phải bỏ chạy. Tri phủ Điện Bàn bị bắt bỏ lên xe kéo đến tòa công sứ. Ở Thăng Bình viên tri phủ cũng bị bắt đi nhưng được lính phủ giải vây!
Máu người xin xâu đã đổ. Quân lính đã bắn bị thương nhiều người ở Điện Bàn, Thăng Bình dù họ không bạo động. Nhiều người xin xâu đã chết thảm vì lính bắn làm họ hoảng loạn rơi xuống sông chết đuối. Không kìm nén được mối phẫn uất tích tụ, có nơi người xin xâu đã trút giận lên những quan lại địa phương trước đó từng ác độc với họ. Ở huyện Duy Xuyên, người xin xâu đã buộc đá vào người viên chánh tổng gian ác dìm xuống sông cho đến chết.
Cuộc xin xâu diễn ra ở Quảng Nam với khí thế sục sôi kéo dài hơn một tháng. Lo sợ, công sứ Charles đã phải ban lệnh giới nghiêm, tăng lính cho các phủ huyện.
Phong trào chống sưu thuế ở Trung kỳ lan truyền tựa như phong trào Duy Tân đã lan truyền. Được thắp cháy từ nỗi đau thương, hờn uất, từ Quảng Nam cuộc xin xâu đã lan đến các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên, Phú Yên, kéo dài đến giữa tháng 5 với quy mô rất lớn. Vẫn chưa hết, cuối tháng 5 các cuộc xin xâu diễn ra đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một biến cố vĩ đại. Cũng là bước ngoặt của phong trào Duy Tân.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng (phải) và cụ Ngô Đức Kế sau khi ra khỏi nhà tù Côn Đảo đã cùng nhau lập nên báo Tiếng Dân (tờ báo có tiếng ở miền Trung năm 1927-1943 - Ảnh: tư liệu |
Vượt qua tù ngục
Thật cảm động. Và cũng tự hào trước sự kiên cường của những sĩ phu, những nhà duy tân khi xem lại những tấm hình thực dân Pháp chụp họ bị đeo gông tù sau cuộc biến 1908.
Một cuộc bố ráp, bắt bớ, tù đày tập thể với quy mô lớn chưa từng có trước đó đã diễn ra ở Quảng Nam và các tỉnh miền Trung sau cuộc biến xin xâu xảy ra từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 5-1908. Đây chính là cơ hội để thực dân Pháp triệt tiêu mối lo chống chính phủ từ những người mà chúng luôn lo sợ sẽ kéo quần chúng nổi dậy dù họ chỉ hoạt động để canh tân cuộc sống, thoát dần cảnh dốt nát, tối tăm, nghèo đói.
Đọc lại trình văn của tòa đại lý Tam Kỳ (tại Quảng Nam) gửi thượng cấp (báo cáo số 10, 1-7-1907) sẽ thấy người Pháp chỉ chờ một sự cố xảy ra để quy chụp và bắt bớ những người chúng cho là có hại cho nền cai trị mà không cần chứng cứ cụ thể. “Các vụ đó có thể bỏ qua tại những nơi khác nhưng ở Trung kỳ có xem thường không? Ta sẽ dự tính trước những rắc rối sẽ xảy ra nhưng tôi thấy không cần nhấn mạnh thêm về điều này, những rắc rối ấy chắc chắn sẽ tác động rất xấu đến tình hình nước này. Kết luận của tôi có thể là cực đoan nhưng do tình thế đòi hỏi và do sự che giấu khéo léo của những kẻ liên quan và nhiều người có liên hệ với các gia đình rất thế lực, nhất thiết cần có một cuộc đàn áp cứng rắn, không kiêng dè, sử dụng bộ máy chính quyền nếu cần...”.
Như chính người Pháp nhìn nhận: “Việc đàn áp cuộc dân biến Trung kỳ chủ yếu là do các tòa án Nam triều xét xử bọn cầm đầu, hầu hết là nho sĩ, bị bắt ở khắp mọi nơi. Theo báo cáo tổng kết của tòa Khâm sứ Trung kỳ, tổng số can phạm là 216. Kẻ được biết nhiều nhất là Phan Châu Trinh, quán làng Tây Lộc, tỉnh Quảng Nam”.
216 người bị tù đày, một con số lớn lao! Họ bị đưa đến các lao xá tỉnh, cả đến nhà tù Lao Bảo nơi biên giới Lào rừng thiêng nước độc, đến tận Côn Đảo xa xôi với nhiều án tù nặng đến chung thân. Đau xót nhất và cũng tàn ác nhất, thực dân Pháp với đám quan Nam triều đã giết vội giết vàng tiến sĩ Trần Quý Cáp khi ông đang làm giáo thụ ở Khánh Hòa!
Khi được ân xá và đến Pháp ở, tháng 9-1912 Phan Châu Trinh viết Trung kỳ dân biến tụng oan thỉ mạt ký gửi bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp để nói lên sự bị bắt bớ, tù đày oan khốc của hàng trăm người trong cuộc biến 1908, góp phần vạch ra sự giả dối với “sứ mệnh” khai hóa, bảo hộ của thực dân.
Ông kết luận bản trần tình thật hùng hồn, thống thiết: “Cần thực hiện một cuộc ân xá toàn diện và hoàn toàn đối với những người còn sống sót sau vụ việc năm 1908. Toàn thể nhân loại đòi hỏi điều đó. Giam giữ họ lâu hơn nữa tức là buộc hàng trăm người vô tội phải chết trong một thời gian ngắn trước mắt. Mong rằng Nhà nước hãy từ bỏ ý tưởng là để bảo vệ uy tín, nhất thiết không nên nhìn nhận sai lầm! Làm như vậy là tỏ ra không hiểu biết tí gì về tập tục và cách xử sự ở Viễn Đông... Thật vậy, trong lịch sử Trung Hoa, sự thú lỗi của người Mãn Châu trước khi sụp đổ đã chứng minh rằng điều ngược lại mới là chân lý!”.
Nhưng nhà cầm quyền Pháp không nghe ông. Nhiều tù nhân trong cuộc biến 1908 tiếp tục chết ở lao tù. Nhiều người chỉ được mãn tù theo án, không được ân giảm. Huỳnh Thúc Kháng ra tù năm 1919, Ngô Đức Kế 1921...
Và tù ngục chỉ là trường tôi luyện thêm lòng yêu nước, chí quật cường của họ. Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế lại tiếp tục đường tranh đấu: lập báo Tiếng Dân - tờ báo đầu tiên của xứ Trung kỳ. Ra tù năm 1914, năm 1916 Trần Cao Vân lại tham gia khởi nghĩa Duy Tân, lấy cái chết đền nợ nước. Mãn ba năm tù, Lê Cơ xông tiếp vào khởi nghĩa Duy Tân 1916, bị đày ở Lao Bảo, lại tiếp tục chống lại sự dã man của cai tù, ông bị chúng bắn chết tại đây, mất cả mồ mả. Và còn nhiều nữa. Tất cả đều đã bước qua tù ngục một cách đĩnh đạc.
__________
Kỳ tới: Từng trang tư liệu bi hùng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận