Câu chuyện bắt đầu khi tôi đuổi việc một cô nhân viên rất giỏi nghề nhưng tâm tính không tốt, cứ tìm cách thu thêm tiền của khách để bỏ túi riêng. Tôi khuyên cô ấy nhiều lần, nói xa nói gần mãi cũng không xong. Có lẽ cô ấy nghĩ rằng mình làm giỏi hơn những người trong quán nên tôi không thể đuổi việc cô ấy. Tuy rất cần nhân viên năng nổ như vậy, song đến khi cô ấy mượn tiền của nhân viên trong quán rồi không trả, tôi buộc lòng phải cho cô ấy thôi việc. Và mọi chuyện bắt đầu từ đây. Cô ấy đã tung ra đủ thứ chuyện bậy bạ rằng trong nồi bún, nồi phở của tôi có đủ thứ này thứ kia, thậm chí có cả nước rửa chén, nước ăn thừa... Vì cô ấy chính là người làm công trong quán của tôi nên điều cô ấy nói đã làm nhiều người tin.
Thế là tôi bị một phen xấc bấc xang bang khi khách hàng liên tục chất vấn và hỏi về những vấn đề này, thậm chí có người còn không dám ăn ở quán. Tôi cũng vô cùng khổ sở khi nhìn khách cứ vắng dần và phải liên tục giải thích với từng vị khách khi họ chất vấn. Cuối cùng để chứng minh cho sự trong sạch của mình, tôi mở một loạt lớp dạy miễn phí các bí quyết nấu ăn ngon và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho các nhân viên văn phòng muốn học để có thể tự tay nấu những món mà tôi bán tại nhà của mình. Và đúng là trong họa lại có phúc, chính điều này đã mang lại cho tôi nguồn khách hàng tốt hơn, ổn định hơn.
Từ câu chuyện của bản thân, tôi thấy người tung tin đồn thất thiệt vụ “chuột cống trong nồi hủ tiếu gõ” quá ác với những người đang lam lũ sống bằng nghề bán hủ tiếu gõ. Chắc người tung tin này chưa từng phải ra đường mưu sinh như những người phải gõ cốc cốc trong đêm khuya, bưng bê từng tô hủ tiếu để nuôi sống cả gia đình, nên đã không nghĩ đến hậu quả của thông tin mình đưa ra?
Qua những câu chuyện tin đồn này, tôi chỉ mong khách hàng khi nghe những thông tin như vậy nên có sự tìm hiểu kỹ, chớ vội tin ngay hoặc tiếp tục lan truyền thông tin để gây thiệt thòi cho người làm ăn lương thiện. Vụ trùn chỉ trong nồi hủ tiếu chẳng hạn. Tôi cho rằng có ai đó đã nhìn vào nồi hủ tiếu gõ và thấy trong đó cái búi bùng nhùng tơ nhợ như trùn chỉ mà không biết rằng đó là con xá sùng mà người nấu hủ tiếu thường bỏ vào cho ngọt nước (sau khi hầm nhừ xá sùng ra hết nước ngọt, xác còn lại giống y chang một búi trùn chỉ). Còn nếu như họ nấu bằng trùn chỉ thật thì chỉ độ sôi của nồi hủ tiếu to đùng kia cũng đủ làm nó tan sạch ra rồi.
Hoặc, như gần đây, tôi đọc trên mạng thấy có người nói mình mua một tô bò kho ở một con hẻm tại TP.HCM và phát hiện thịt bò làm bằng cao su. Người đó đã chụp hình đưa lên bài viết rất rõ ràng và chứng minh bằng cách đốt cháy có mùi khét, xé ra từng sợi có thớ dài và dai như cao su. Tôi đã coi kỹ hình ảnh đó và cho rằng người viết chưa đủ hiểu biết về thịt bò đã vội “chụp mũ” cho bà bán bò kho kia rồi. Miếng thịt được cho là cao su đó chẳng qua chỉ là miếng gân vàng của con bò mà dân trong nghề thường gọi là gân quai guốc vì nó còn dai và chắc hơn cả quai guốc, nếu tước ra thành sợi có sớ như cao su và đốt thì cháy khét như tóc cháy. Loại gân này rẻ tiền nên các quán bò kho bình dân thường hay mua về cắt khúc nấu rồi bỏ vào tô bò kho cho có vẻ nhiều thịt hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận