Tuy nhiên, nhiều nhà thi đấu vẫn xây dựng hoành tráng vượt quá quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt như nhà thi đấu Hà Nam, Thái Bình...
Nhà thi đấu cấp tỉnh không quá 3.000 chỗ ngồi
Quyết định của Thủ tướng quy định rõ quy mô của các trung tâm thể thao trọng điểm, vùng trọng điểm, tỉnh, thành, ngành phải đáp ứng được yêu cầu về diện tích xây dựng, số lượng công trình, quy mô của từng công trình.
Cụ thể, đối với các nhà thi đấu thuộc các trung tâm thể thao trọng điểm làm chức năng trung tâm vùng (Đà Nẵng là trung tâm vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; Nam Định là trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng) phải có tổng diện tích xây dựng trung tâm từ 40-50ha.
Các trung tâm vùng được xây dựng một nhà thi đấu đạt tiêu chuẩn thi đấu ở cấp quốc gia, quốc tế với khán đài có sức chứa 3.000-4.000 chỗ ngồi. Nhưng cho đến thời điểm này, rất nhiều nhà thi đấu được xây dựng phục vụ Đại hội TDTT 2014 đã xây vượt quy hoạch.
Cụ thể, Nhà thi đấu Hà Nam được cấp kinh phí 300 tỉ đồng và xét theo quy hoạch chỉ được xây dựng không quá 3.000 chỗ ngồi, nay đã đội giá lên tới hơn 1.000 tỉ đồng với nhà thi đấu có khán đài 7.500 chỗ ngồi. Nhà thi đấu Thái Bình cũng tương tự, chỉ được trung ương cấp 300 tỉ đồng chi phí xây dựng nhưng con số đầu tư cuối cùng được công bố đã lên tới 650 tỉ đồng để xây khán đài lên tới 5.000 chỗ ngồi. Tất cả nhà thi đấu này đều đạt tiêu chuẩn thi đấu quốc tế trong khi theo quy hoạch thì những nhà thi đấu như Hà Nam, Thái Bình chỉ cần đạt tiêu chuẩn thi đấu cấp quốc gia.
Không hiểu vì sao được xây dựng?
Trả lời Tuổi Trẻ về lý do các nhà thi đấu ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014 được xây dựng hoành tráng, tốn kém ngân sách và vượt quy hoạch của Chính phủ, một lãnh đạo ngành thể thao lý giải: “Ngành thể thao chỉ được tham gia góp ý kiến, còn xây lớn ra sao, bao nhiêu tiền là do lãnh đạo UBND các tỉnh, thành quyết định và xin ý kiến các bộ Kế hoạch - đầu tư, Tài chính. Ngân sách trung ương cũng rót tiền trực tiếp cho các địa phương chứ không rót qua Bộ VH-TT&DL”.
Về việc Nhà thi đấu Hà Nam được xây dựng với quy mô vượt xa quy hoạch của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Toàn - giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam - nói với Tuổi Trẻ ông cũng không nắm rõ vì mới làm giám đốc sở được hai tháng.
Ông Toàn cho biết thêm Nhà thi đấu Hà Nam đến thời điểm này mới xong vài hạng mục và sau Đại hội TDTT toàn quốc 2014, Sở VH-TT&DL Hà Nam bàn giao lại cho Ban quản lý các công trình trọng điểm của tỉnh để tiếp tục xây dựng.
Còn theo ông Trần Hồng Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam: “Khi Hà Nam làm nhà thi đấu, chúng tôi đã có báo cáo và được sự đồng ý của các bộ, ngành liên quan. Hà Nam làm đầy đủ thủ tục giấy tờ vì lúc xin xây dựng cũng một phần có lý do VN đăng cai Asiad 2019 mà Nhà thi đấu Hà Nam được chọn là một trong những nhà thi đấu tổ chức Asiad. Do đó, muốn tổ chức được Asiad, nhà thi đấu phải đáp ứng các yêu cầu tổ chức của quốc tế, nếu làm nhà thi đấu nhỏ quá thì không đáp ứng được”.
Không để mốc meo
Đó là khẳng định của bà Cao Thị Hải - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - với Tuổi Trẻ ngày 20-12 xung quanh việc khai thác và sử dụng Nhà thi đấu Thái Bình sau Đại hội TDTT toàn quốc 2014.
Bà Hải cho biết: “Từ khi Nhà thi đấu Thái Bình khánh thành, UBND tỉnh sẽ trưng dụng làm nơi tổ chức các hoạt động chính trị, văn hóa xã hội, thể thao cho địa phương. Chúng tôi cam đoan sẽ đưa nhà thi đấu hoạt động hết công suất chứ không để mốc meo, lãng phí”.
Về việc vì sao Nhà thi đấu Thái Bình lại được xây dựng vượt quá quy hoạch của Chính phủ, bà Hải nói: “Khi làm thủ tục xây dựng Nhà thi đấu Thái Bình, UBND tỉnh đã báo cáo nguyên phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các bộ ngành liên quan và được đồng ý xây dựng. Thái Bình là tỉnh đông dân, có truyền thống thể thao và chỉ mới có một nhà thi đấu với sức chứa 1.500 chỗ ngồi được xây từ những năm 1970.
Do đó, khi có hoạt động gì diễn ra tại đây thì người dân thường phải chen lấn, đập cửa vì nhà thi đấu không đủ sức chứa. Vì vậy, trung ương đã đồng ý để Thái Bình xây nhà thi đấu với sức chứa 5.000 chỗ ngồi và cấp 300 tỉ đồng.
Cho đến thời điểm này, nhà thi đấu vẫn chưa quyết toán nhưng tôi nghĩ tổng đầu tư sẽ không đến 650 tỉ đồng (bao gồm cả ngân sách trung ương, tỉnh, xã hội hóa). Khi Thái Bình khởi công xây dựng nhà thi đấu thì đề án quy hoạch cơ sở vật chất thể thao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 vẫn chưa được duyệt”.
Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 20-12, ông Vương Bích Thắng - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết không phải đến năm 2013 Thủ tướng mới có quyết định “Quy hoạch hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật TDTT đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030”.
Trước đó, trong từng giai đoạn Thủ tướng cũng có các quyết định quy hoạch cơ sở vật chất cho thể thao. Quy mô của hệ thống cơ sở vật chất thể thao trong các quy hoạch trước giai đoạn 2020-2030 không lớn hơn quy hoạch giai đoạn này.
Bài học tiết kiệm từ Asiad Incheon 2014 Dù bỏ ra khoảng 2,2 tỉ USD để xây mới một sân vận động có sức chứa hơn 60.000 chỗ ngồi cùng nhiều công trình thi đấu khác tại thành phố Incheon để phục vụ Asiad 17 nhưng Hàn Quốc cũng cho thấy sự tiết kiệm của mình. Như để tổ chức môn cử tạ, Hàn Quốc đã tận dụng một khu đất trống cạnh công viên Songdo để dựng lên một nhà thi đấu “dã chiến” (dùng khung thép và kéo bạt phủ kín). Dù chỉ lắp ghép tạm thời nhưng bên trong nhà thi đấu có sức chứa 1.500 chỗ ngồi này có đầy đủ mọi thứ và nhìn hoành tráng không thua gì một nhà thi đấu được xây dựng kiên cố. Bên ngoài, các phòng chức năng (phòng cân ký các VĐV trước giờ thi đấu, phòng sauna, phòng tắm, phòng điều hành, phòng báo chí...) là những thùng container được bố trí một cách hài hòa và có đầy đủ trang thiết bị phục vụ. Chứng kiến cách tổ chức tiết kiệm này của nước chủ nhà Hàn Quốc, phó trưởng đoàn thể thao VN tại Asiad Incheon 2014 và là phó giám đốc Sở VH&TT TP.HCM Mai Bá Hùng nói: “Đây là cách làm rất tiết kiệm mà chúng ta có thể học hỏi. Chỉ cần có một khu đất trống, rộng, chúng ta có thể lắp ráp một nhà thi đấu tạm như thế này để các VĐV tranh tài thay vì phải xây mới tốn rất nhiều tiền của”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận