22/02/2021 08:41 GMT+7

Vượt khó dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học

VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG
VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG

TTO - Thay vì "ngồi im chờ hết dịch" như mùa COVID-19 trước, nhiều trường tiểu học đang linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp để triển khai tốt nhất có thể việc dạy trực tuyến với lứa tuổi học sinh vốn khó hòa nhập với hình thức dạy học này.

Vượt khó dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học - Ảnh 1.

Giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Dũng (Hà Nội) dạy trực tuyến - Ảnh: N.D.

"Con tôi có gia sư cùng học online. Lịch học giáo viên đã gửi vào trong group Zalo. Gia sư cùng con ngồi vào bàn đúng giờ nhưng mạng thì lúc mạnh, lúc yếu, lúc chập chờn. 

Nếu gọi đúng tên, phải nói là "gồng" trước màn hình máy tính chứ không phải học online. Khi hỏi con hiểu bài không thì con nói vừa không hiểu vừa chán. 

Gia sư phải dạy lại, nếu không, chắc mọi thứ với con là số 0" - chị Nguyễn Kiều Trang, có con học lớp 3 Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM), than thở.

Phụ huynh than, giáo viên lo

Cùng cảnh với chị Trang, theo dõi con học online qua camera, anh Nguyễn Đồng Xuân - có con học lớp 2 một trường tiểu học ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM - cho rằng học như thế khổ cả cô lẫn trò. 

"Tôi quan sát ban đầu con ngồi ngay ngắn được khoảng 6-7 phút đầu, sau đó màn hình đứng, con lại kéo ngăn tủ lấy rubic ra xoay, một lát sau lại nhìn màn hình và viết. Sau đó là đi vệ sinh và lại giường nằm. Gần hết giờ lại ngồi vào bàn, kết thúc "tiết học". 

Tôi hỏi sao con không tập trung thì con nói bị "out" (ra khỏi lớp online) không rõ nguyên nhân. Quay sang nhóm chat có cô giáo thì cô cũng giải thích tiết học dang dở và điểm danh. Phụ huynh người nói con có học, người nói không... Tôi thấy quá mệt và rối" - anh Xuân than thở.

Chị Thanh Huyền - có con học một trường tiểu học ở Q.7 - thở dài: "Lớp 1, học kỳ 1 tôi đã khổ sở với con về tập đọc, tập viết, làm toán. Tưởng rằng học kỳ 2 thêm thời gian để con luyện thêm, giờ học online mà lại theo thời khóa biểu ngày 2 buổi đều đặn, vợ chồng tôi phải đi làm, không biết sao kèm con".

Cô H.T.N.T. - giáo viên một trường tiểu học ở Q.1 - thừa nhận tâm trạng của giáo viên cũng không khác gì phụ huynh: "Về tinh thần, giáo viên rất mệt và lo. 

Chủ trương là dạy online, nhưng dạy như thế nào cho hiệu quả và được tất cả phụ huynh tương tác là một câu chuyện quá khó. Dù biết phải thích nghi nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện và không phải em nào cũng có năng lực tiếp thu dễ dàng như học ở lớp".

Còn cô Đ.T.H.T. - giáo viên lớp 1 của một trường tiểu học ở Q.3 - lo lắng học online sẽ bị "chênh" về tiếp thu, kéo theo không bắt kịp chương trình. 

"Bản thân các em lớp 1 học ở lớp đã loay hoay, học online ngồi trước máy vi tính sẽ rất khó. Thường ngồi trước máy các em sẽ bị cuốn vào YouTube, hoạt hình, giải trí hơn là học. 

Có phụ huynh nói với tôi con rất "hăng hái" học nhưng không cho cha mẹ vào phòng để con "tự học", nghĩa là lén cha mẹ... thoát ra để xem hoạt hình. Đó là chưa kể phụ huynh đi làm, không có thời gian dạy con, kèm con" - cô nói.

Linh hoạt thời gian dạy học

Một khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến ở tiểu học là học sinh còn nhỏ chưa thành thạo các thao tác để sử dụng phần mềm học tập, khả năng tự giác, sự tập trung kém nếu không có người lớn kèm cặp. Trong khi đó, hầu hết cha mẹ học sinh phải đi làm vào ban ngày.

Ông Phạm Văn Đại - phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội - cho biết Hà Nội cho phép các trường chủ động thống nhất với cha mẹ học sinh để lựa chọn khung giờ học tốt nhất cho trẻ và phù hợp với điều kiện của các gia đình. Đặc biệt là học sinh lớp 1, cần phải chọn khung giờ để có thể phối hợp được với cha mẹ học sinh để kèm trẻ học.

Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) bố trí khung giờ học trực tuyến vào 19h15 hằng ngày. Theo lãnh đạo trường này, đây là khung giờ đã được bàn bạc, thống nhất với 100% phụ huynh trong buổi họp phụ huynh trực tuyến. 

Việc chuyển sang dạy học buổi tối, trẻ sẽ được cha mẹ hỗ trợ sử dụng thiết bị học tập và cũng thuận lợi trong việc giám sát học sinh. Các tiết học cũng được thiết kế lại với 30 phút/tiết, thời gian nghỉ giải lao nhiều hơn để tránh cho học sinh bị căng thẳng.

Thời gian ban ngày, học sinh sẽ được giao nhiệm vụ: đọc bài, làm bài tập do giáo viên gửi qua Zalo hay các group trên Facebook cho phụ huynh. Giáo viên sẽ giảng bài, chữa bài, tương tác với học sinh ở tiết học chính. Phụ huynh được giáo viên chia sẻ nguồn bài giảng điện tử, tài liệu liên quan để phối hợp kèm trẻ tự học.

Một số trường tiểu học ở Hà Nội xếp lịch học theo lớp. Các lớp 4, 5, học sinh có thể chủ động sử dụng thiết bị học tập và tự giác hơn thì vẫn xếp lịch học ban ngày. Các lớp 1, 2 được xếp lịch học buổi tối.

Trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) xếp lịch học buổi sáng với các lớp 3, 4, 5. Riêng lớp 1, 2 học từ 19h-20h20. 

Bà Trần Thị Bích Liên - hiệu trưởng Trường tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm) - cho biết các lớp từ 2-5 được bố trí học từ 8h30-10h30 và 14h30-15h50 mỗi ngày, khung giờ này đã điều chỉnh so với lịch học ở trường, thời gian giải lao giữa mỗi tiết cũng nhiều hơn. Riêng khối 1 học từ 18h30-20h hằng ngày.

Vượt khó dạy học trực tuyến ở bậc tiểu học - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Nghĩa Dũng (Hà Nội) trong giờ học trực tuyến - Ảnh: N.D.

Tăng cường hướng dẫn tự học

Dạy trực tuyến với bài giảng dài theo cách truyền thống sẽ khó hiệu quả, nhất là với học sinh tiểu học. 

Cô Nguyễn Lệ Thanh Tuyền - giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TP.HCM) - cho biết: "Đã có kinh nghiệm từ đợt dạy online năm 2020 nên năm nay chúng tôi giảng dạy theo 2 hình thức: các bài mới giáo viên sẽ giảng bài thông qua video clip với những hình ảnh hấp dẫn; các bài tập thì giáo viên soạn trên Word rồi gửi cho phụ huynh để họ in ra giấy cho con em làm. 

Sau khi các bé làm bài xong, phụ huynh sẽ chụp bài làm rồi gửi cho cô giáo. Cách làm này nhận được sự đồng tình của hầu hết phụ huynh vì không bó buộc thời gian như học trực tuyến, khi nào sắp xếp được thời gian thì phụ huynh tải bài về cho con học mà thôi".

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện nay nhiều trường tiểu học ở TP.HCM đã chọn phương pháp giảng dạy như Trường tiểu học Đống Đa để khắc phục khó khăn. 

Theo các giáo viên, với đối tượng học sinh bé, sĩ số lớp đông, việc bao quát lớp học khi dạy trực tiếp còn mệt, lớp trực tuyến còn khó hơn nên phải thay đổi, thiết kế các bài học nhẹ nhàng, hấp dẫn hơn với sự hỗ trợ của công nghệ. Bên cạnh đó là các hình thức giao nhiệm vụ học tập, yêu cầu học sinh hoàn thành bài tập được gửi qua email hay các group trên mạng.

"Những ngày học sinh dừng đến trường, chúng tôi sẽ đưa bài giảng và bài tập lên mạng theo tuần. Tức là tất cả bài giảng của các môn mà học sinh phải học trong một tuần sẽ được đưa lên từ đầu tuần, hạn chót các em sẽ phải học và làm bài là ngày chủ nhật của tuần đó. 

Mục đích của cách làm này là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh khi dạy con học: có thể những buổi tối trong tuần họ không có nhiều thời gian dạy con thì còn ngày thứ bảy, chủ nhật họ đồng hành cùng con, giúp con hoàn thành bài học và bài tập" - hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 6, TP.HCM, thông tin.

Tại Hà Nội, cách kết hợp giữa hướng dẫn tự học và dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học cũng được áp dụng. Cô Lưu Thị Hồng Hạnh - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B - cho biết trường điều chỉnh kế hoạch chỉ thiết kế dạy học trực tuyến các môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ trong thời gian này. 

Nhưng giáo viên chủ nhiệm giao hệ thống bài tập cho học sinh theo tuần, đồng thời cũng chia sẻ tài liệu, bài giảng cho phụ huynh để cùng kèm trẻ. Bài tập của học sinh được chụp gửi cho giáo viên và giáo viên sẽ chữa bài, củng cố kiến thức cho học sinh tại các giờ học trực tuyến.

Bài giảng hấp dẫn

Giáo viên tiểu học Trường phổ thông liên cấp Wellspring (Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm thiết kế các bài dạy trực tuyến để "giữ sự lôi cuốn, tập trung của trẻ" bằng cách phải thiết kế các hoạt động học tập cho học sinh trước và trong tiết học để các em có động lực học tập.

"Có thể tạo ra một thử thách vừa phải để thu hút sự chú ý của học sinh ngay khi bắt đầu lớp học bằng cách đặt các câu hỏi thú vị, đưa ra một vấn đề cần giải quyết gần gũi với cuộc sống.

Tiết học phải thiết kế để thường xuyên tạo ra các tình huống hài hước để học sinh thảo luận, tự tương tác. Có như thế trẻ mới không thấy nhàm chán" - một giáo viên ở trường này cho biết.

Hiểu đúng về dạy học trực tuyến

Ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) - cho rằng cách mà Trường tiểu học Đống Đa (quận Tân Bình, TP.HCM) và nhiều trường học đang triển khai mới thực sự là cách dạy học trực tuyến mà Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn và muốn các nhà trường hiểu đúng và tạo sự lan tỏa.

Bởi dạy học trực tuyến không phải bê y nguyên bài giảng soạn cho lớp dạy trực tiếp để bắt học sinh nghe qua cái máy tính hay điện thoại thông minh mà là một chuỗi các hoạt động bao gồm hướng dẫn, tổ chức cho học sinh tự nghiên cứu bài học, tài liệu, làm bài tập trước và sau tiết học trực tuyến.

Trong tiết dạy học trực tuyến, giáo viên cần ứng dụng các phương pháp nhằm tăng cường tương tác, tổ chức cho học sinh thực hiện các hoạt động học tập cá nhân hoặc theo nhóm, rèn luyện kỹ năng cho học sinh, giải đáp thắc mắc, chữa bài tập.

Lo dịch COVID-19, nhiều đại học dạy học trực tuyến sau Tết Lo dịch COVID-19, nhiều đại học dạy học trực tuyến sau Tết

TTO - Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều trường đại học đã quyết định chuyển sang dạy học trực tuyến sau Tết, thay vì học tập trung như thông báo trước đó.

VĨNH HÀ - THẢO THƯƠNG - HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp