26/01/2015 11:00 GMT+7

​Vượt cạn một mình

MAI HOA
MAI HOA

TT -  “Trúc ơi, hình như chị chuyển dạ rồi,...”. Ðáp lại lời cầu khẩn hoang mang của Liên chỉ là tiếng ứ hừ ngái ngủ của một cô bầu nhí khác nằm ở giường bên.

 

Nhà bầu trong giấc ngủ bình yên buổi chiều - Ảnh: M.Hoa

Nhà bầu - khu nhà dành cho những bà bầu nhí chờ ngày khai hoa nở nhụy tại khu Thanh Ða, quận Bình Thạnh, TP.HCM. 4g sáng.

“Trúc ơi, hình như chị chuyển dạ rồi, ra huyết hồng từ tối đến giờ...”. Ðáp lại lời cầu khẩn hoang mang của Liên chỉ là tiếng ứ hừ ngái ngủ của một cô bầu nhí khác nằm ở giường bên. 

7g, giật mình tỉnh dậy không thấy Liên đâu, Trúc mới hốt hoảng: “Chị Liên đi sinh rồi!”. Năm bà bầu đang nằm ở gác trên nghe tiếng kêu vội vàng tung chăn chạy huỳnh huỵch xuống nhà.

Những bà mẹ trẻ con

Hôm sau Liên về, mang theo một đứa con gái nặng 3,1kg. Sinh thường. Cả đám sáu đứa khệ nệ vác bụng bầu ra đón. Liên bị sạm da, cả người thâm lại như bọc một lớp muội than lâu ngày không kỳ cọ. Vạch một bên đầu vú đen sẫm kề vào miệng con, Liên kể bữa đó hỏi Trúc xem có phải mình chuyển dạ không mà đi vệ sinh liên tục từ tối, huyết hồng rỉ ra. Liên hỏi Trúc vì hồi trước Trúc đã có học qua về y dược nên hiểu biết hơn cả.

Nhưng Trúc còn mê ngủ, nói: “Chị có đau bụng không, không đau à, không đau thì ngủ tiếp đi”. Liên chẳng biết làm thế nào, mọi người trong nhà đều đã ngủ. Sáng, chị Ly - người giúp cô M. phụ trách nhà bầu mới phát hiện và đưa Liên đi bệnh viện. May mà mẹ tròn con vuông.

Tối hôm sau thì tới lượt Trúc. Cũng con gái. Sinh mổ nên gần một tuần Trúc mới được về. Vậy là nhà bầu có hai đứa bé. Hai bà mẹ trẻ vừa chăm con vừa tự chăm sóc mình. Thức đêm nhiều quá, hai con mắt thâm quầng tròn xoe như gấu trúc, dù ban ngày có ngủ bù lại. Trẻ con, bà bầu, bà đẻ thi nhau ngủ, 8g sáng cả khu nhà vẫn im lìm, yên ắng đến mức nghe được cả tiếng thở.

Nhà bầu được xây ngay bên hông nhà cô M., tương đối độc lập để các em sinh hoạt được thoải mái. Tầng trệt dành cho các em gái mới sinh và bếp ăn. Tầng lửng phía trên chia thành hai gian phòng cho các bà bầu. Mỗi người nằm trên một chiếc giường đơn xếp cạnh nhau.

Lúc đông nhất, nhà bầu nuôi tới 30 bà mẹ nhí chờ ngày khai hoa nở nhụy. Ngày thường cứ đúng 8g sáng là cả “tập đoàn bầu bí” này rồng rắn đi bộ sang một khu nhà vườn gần đó để quét dọn. Quãng đường đi chừng 1km, cỏ cây, sắc hoa tigôn và hoa chanel bừng lên trong nắng sớm yên lành.

Ði bộ và quét dọn sẽ giúp các bà bầu vận động tay chân, sau này dễ sinh. Những ngày triều cường đường ngập nước thì các bé bầu này được ngủ thêm, vì nếu lội nước chân nhiễm lạnh sẽ đổ bệnh, rất phiền.

9g sáng, bà bầu tên Hạnh (26 tuổi, lớn nhất nhà bầu) là người đầu tiên thức giấc. Bữa nay Hạnh được phân công nấu cơm. Trừ những bà bầu vừa sinh phải kiêng đụng nước, còn lại các bà bầu phân công nhau mỗi người nấu cơm trong hai ngày.

Rau quả thực phẩm đã có chị Ly mua sẵn. Hạnh kho một nồi thịt heo và nấu canh rau cải thịt bằm, nhưng quên không bỏ bột ngọt như thường lệ. Ðến bữa năm bà bầu ngồi ăn. Bữa cơm đơn sơ, vài câu chuyện chóng vánh, nhoằng một cái đã xong xuôi cả.

Rồi tất cả xúm xít vào căn phòng có hai đứa bé con. Người nựng nịu, người đùa giỡn. Nhà bầu náo nhiệt hẳn lên. Trúc là người tích cực pha trò nhất, nhưng chỉ cười được nửa chừng lại ngưng, mặt đỏ bừng. Vết mổ chưa lành, đứng lên ngồi xuống còn đau muốn khuỵu xuống, chỉ cười mạnh một cái là đứt chỉ.

Trúc nói: “Ðau lắm. Người ta rạch bụng mình bắt con ra. Có thuốc tê rồi, không đau gì cả, nhưng lúc tỉnh dậy vừa kịp nhìn thấy con là em đau quá, ngất xỉu luôn. Sợ lắm”.

Trúc 20 tuổi, quê Thái Bình. Trúc vào Sài Gòn theo học một trường trung cấp, nhưng chưa học xong thì có bầu. Cô không báo cho gia đình biết, còn anh chàng kia, vợ con đã đề huề đâu cần thêm một đứa con nữa. Nhưng Trúc quyết không bỏ đứa bé.

Trúc nhận đồ về phòng trọ may gia công, để dành tiền chờ ngày sinh con. Làm đến khi cái thai được sáu tháng, không ngồi được nữa, Trúc mới thu xếp xin vào nhà bầu. Mấy triệu đồng để dành được, khi sinh con Trúc đã xài gần hết. Ở đây sáng chủ nhật các bà bầu vẫn có người nhà vào thăm, riêng Trúc thì không. Hai tháng nữa Trúc sẽ rời nhà bầu.

“Không thể sống mãi ở đây được. Các cô nuôi mình đến thế này là tốt lắm rồi, phải đi để chỗ cho người khác vào nữa chứ”. Hỏi Trúc sẽ đi đâu, cô gái trẻ cắn môi buồn bã: “Em cũng chưa biết sẽ về đâu. Nhưng em tin mọi thứ đã được an bài. Dù thế nào, mẹ con em cũng sống được. Em không để ai đụng đến con”.

Bản năng của người mẹ, nhất là người mẹ đơn thân, khiến Trúc ngày càng cứng cỏi hơn. Chỉ mấy ngày trước, khi lên giường mổ Trúc vẫn còn khóc nức nở. Cái giường quá cao so với em, rướn mãi vẫn không trèo lên được. Những sản phụ khác đều có chồng đi theo, kê thêm ghế cho vợ leo lên. Thấy Trúc khóc, chồng một sản phụ khác đã cho em mượn ghế.

“Không có ai cả, em tủi thân quá, đến cái ghế cũng phải đi mượn của chồng người khác”. Rồi khi đau đớn đến ngất đi, cũng không có ai nắm lấy bàn tay em. Trong giờ phút yếu đuối và đau đớn nhất, em đã tự mình đối mặt, tự mình vượt qua. Và khi em trải qua tất cả những điều đó, người đàn ông của em đang ở nơi nào?

“Em ngu quá”

“Không biết con bé San bây giờ sao nhỉ?”, câu chuyện của các bà bầu chuyển sang một nhân vật khác. San là cô bé “men” nhất trong nhà bầu, đi sinh gần một tuần rồi vẫn chưa về. San cá tính, mạnh mẽ như con trai.

Ði khám thai mà bác sĩ làm đau là đạp văng cả người khám. San cũng không bao giờ chịu để bác sĩ nam khám. San mắc hội chứng lạ: dị ứng với đàn ông. Lên xe buýt, thấy San bầu bì người ta nhường chỗ nhưng San nhất quyết không ngồi. San bảo ngồi cạnh một thằng đàn ông thà đứng còn hơn. Mùi đàn ông làm San sợ đến nôn ói.

Bạn thân nhất của San trong nhà là Linh Nhi, mới 16 tuổi. Nhà Linh Nhi ở quận 12, ba mẹ đưa em vào đây từ bốn tháng nay. Trong lúc các chị em nói chuyện ở phòng bên, Linh Nhi hì hụi rửa chén trong bếp. Nhi bảo San dị ứng đàn ông, còn em thì chỉ ghét mỗi thằng bạn trai thôi. Anh chàng này hơn Nhi bốn tuổi, ở gần nhà. Khi biết mình có thai, Nhi bình tĩnh lạ thường. Nhi nói với bạn trai: “Em phá rồi” rồi chia tay.

“Từ lúc có bầu tự nhiên em nhìn mặt nó thấy rất ghét dù nó chẳng làm gì em cả, thậm chí còn đòi cưới. Nhưng em cứ cảm thấy nếu mà lấy nó chắc em sẽ chết mất. Vậy mà lúc trước em thấy em yêu người ta, không lấy được người ta thì em thà chết còn hơn”, Nhi bảo vậy. “Ghét vậy, sao hồi xưa em chịu người ta?”.

“Em không biết nữa. Vào trong này rồi, ngẫm nghĩ lại mới hiểu. Lúc đó em cứ nghĩ một người như vậy là tốt lắm rồi, thế gian này không ai hơn được nữa. Rồi ăn ở với người ta chẳng tiếc gì. Em ngu quá”.

Nhi bảo em chỉ muốn sinh thật nhanh để về nhà. Em nhớ bà nội. Hồi ba mẹ đưa em lên đây trước, sau mới lựa lời nói cho họ hàng biết chuyện. Các chú, cậu mợ tìm lên tận nhà bầu, tiếng là thăm hỏi nhưng lại xạc cho em một trận, nói em bôi tro trát trấu vào cả dòng họ, ăn no rửng mỡ, ngu đần để bị người ta làm nhục...

Chỉ có bà nội là thương, nhắn em ráng sinh con khỏe rồi về với bà. Nhi mang thai đã 38 tuần, chỉ hai tuần nữa là sinh. Em nói về nhà sẽ khóa cửa, chỉ ở trong nhà với bà nội thôi. Nhưng em lại muốn đi học tiếp. “Phải đi học cho khôn người ra chị nhỉ. Hồi đó em còn nhỏ nên không hiểu chuyện. Bây giờ em đọc sách, nghe các chị kể chuyện. Thế giới bên ngoài rộng lớn và có nhiều điều em chưa biết lắm, em muốn nuôi con thành người và dạy nó những điều tốt đẹp”.

__________

Kỳ tới: Chuyện của một người thầy

 

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp