25/10/2022 09:48 GMT+7

Vượt bóng tối, Minh Trí vào đại học

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Trí vốn được sinh ra với một cơ thể lành lặn nhưng không quá vẹn toàn. Đôi mắt Trí chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng nhưng việc học vẫn luôn thôi thúc cậu tin vào điều tốt đẹp ở cuối đường hầm, bởi ở đó có cánh cửa đại học.

Vượt bóng tối, Minh Trí vào đại học - Ảnh 1.

Trở thành giáo viên âm nhạc là giấc mơ cả đời của Minh Trí - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Sau 12 năm chậm rãi mò mẫm từng con chữ nổi, hành trình đến trường với vô số lần vấp ngã, cuối cùng Nguyễn Minh Trí cũng đến được giảng đường đại học khi trở thành tân sinh viên ngành sư phạm âm nhạc (Trường ĐH Sài Gòn) vào năm 19 tuổi.

Đến trường trong bóng tối

Ngược về 19 năm trước, giây phút Trí - cậu con trai đầu lòng - cất tiếng khóc chào đời khiến đôi vợ chồng nghèo (quê Tây Ninh) mừng rơn. Ít phút sau khoảnh khắc hạnh phúc đó, họ gục ngã trước thông báo từ bác sĩ: "Đứa bé này vĩnh viễn không thấy được ánh sáng". 

Hơn bốn năm trời ròng rã đưa con đi tứ phương, đắng cay, tốn kém nhưng ba mẹ Trí đành chấp nhận Trí sẽ mãi không thể thấy được ánh sáng.

Để Trí được đi học thì gia đình đành phải xa con, gửi cậu vào Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh. Xa mẹ cha khi chỉ mới vừa lên 5 khiến Trí cứ òa khóc vào mỗi chiều tối. May sao nỗi buồn ấy nhanh chóng được khỏa lấp bởi Trí có thêm rất nhiều bạn bè, thầy cô.

Trong lớp, Trí luôn được cho ngồi ở bàn đầu. Cậu luôn tỏ ra hào hứng với những con chữ nổi, phép tính... mà phải tập trung lắm mới có thể hình dung ra trong đầu. Trí thuộc làu mọi ngóc ngách ở trung tâm. 

Trong phòng, Trí và các bạn sẽ chia nhau thực hiện các công việc chung như vệ sinh toilet, phòng tắm, giặt quần áo, phòng sinh hoạt, tủ sách... Khi tận mắt chứng kiến Trí bước xuống giường, tiến thẳng về khu phòng tắm, vặn vòi và cho nước lau sàn vào thau để lau nhà... một cách rành rõi, khó ai ngờ Trí bị khiếm thị.

Ngoài khả năng ghi nhớ tài tình thì Trí có đôi tai cực kỳ nhạy. Đó là khi chỉ cần nghe tiếng xe cọc cạch của ông Ân (người đưa đón Trí mỗi sáng chiều đi học) cua vào cổng trung tâm là trong này cậu đã xách cặp đứng ở cửa đợi. 

Trí giỏi nhất là môn lịch sử, đặc biệt là các chi tiết trận chiến lịch sử trên sông Bạch Đằng trước khi làm nên tên tuổi của Ngô Quyền. 

"Dĩ nhiên chuyện bị vấp vào bàn, bục giảng khi đi lại ở trường là chuyện thường. Có lần em còn đi nhầm lớp, ngồi một hồi và nghe tiếng các bạn trong lớp chơi đùa thì mới nhận ra mình nhầm lớp", Trí cười ngại ngùng.

Chông chênh lắm!

Nếu các môn học thuộc là thế mạnh thì các môn tính toán, đặc biệt là hình học luôn cản trở, gây khó khăn cho Trí. Để theo kịp bài vở ở lớp thì ngoài bộ sách chữ nổi dành riêng cho người khiếm thị, Trí có một loại sách vở vô cùng đặc biệt mang tên "tình bạn". 

Đó là Thanh - một bạn gái ngồi cạnh Trí. Thanh luôn đọc và ghi âm lại các bài học ở lớp và gửi cho Trí vào mỗi tối. Thầm cảm ơn sự giúp đỡ đó, lâu lâu Trí lại ghi âm một đoạn nhạc do mình hát hay mua một thanh kẹo gửi tặng Thanh.

Đến trường trong bóng tối nhưng bằng sự hiếu học, chăm chỉ đã giúp Trí sở hữu cho mình bảng thành tích khi 12 năm luôn đạt học sinh khá, giỏi của trường. 

Ngày nhận tin "học trò cưng" đỗ đại học do chính một giảng viên tại Trường ĐH Sài Gòn báo về, cô Cao Thị Thu Thanh (phụ trách chuyên môn của Trung tâm Nuôi dạy trẻ khiếm thị tỉnh Tây Ninh) không giấu nổi sự vui mừng. Nhưng rồi rất nhanh cô bắt đầu lo lắng. Cô không sợ về thị lực của Trí bởi ở ngần tuổi này Trí có đủ nghị lực, kinh nghiệm để lần mò đường đến trường. 

Cô cũng hoàn toàn tự tin rằng dù ở môi trường mới, cuộc sống mới ở TP.HCM, lượng kiến thức nặng nề ở bậc đại học thì Trí vẫn khó bị "đánh gục". 

Điều khiến cô ngập ngừng là gia cảnh của Trí. Mẹ Trí từng trải qua một lần bị tai biến khiến cơ thể đang mang nhiều biến chứng. Đặc biệt, bà vẫn đang lui tới bệnh viện đều đặn để thăm khám, điều trị cùng lúc bệnh teo não và tràn dịch màng phổi.

"Sau Trí còn có một em nữa cũng đang đi học, trong khi một mình ba của Trí làm nghề chạy xe thuê nuôi cả gia đình nên hầu như tình cảnh khá căng. Chẳng có gì giá trị trong tay, còn đang ở tạm nhà người thân nên chắc sẽ chông chênh lắm", cô Thanh tâm sự.

"Vua giật giải" các cuộc thi hát

Nói về những tài năng của trò cưng Minh Trí, cô Thanh không ngớt lời khen ngợi. Trí hiện có thể chơi được guitar, đàn organ và trống.

Với cô Thanh, Trí được xem như một "vua giật giải" bởi chỉ sau vài lần tham gia các giải thi, hội thi hát thì giờ đây cậu đã có cho mình bộ sưu tập với nhiều thành tích đáng ngưỡng mộ.

Các giải thưởng nổi bật mà Trí từng đạt được: giải nhì cuộc thi Tiếng hát Hoa phượng đỏ năm 2014; giải nhất và nhì lần lượt các năm 2016, 2017 hội thi Tiếng hát Vành khuyên (Nhà văn hóa tỉnh Tây Ninh tổ chức); giải nhất, nhì hội thi Tiếng hát người khuyết tật lần lượt các năm 2019 và 2014 (tổ chức 5 năm 1 lần)...

Vượt bóng tối, Minh Trí vào đại học - Ảnh 3.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Chàng trai Chàng trai 'chim cánh cụt' truyền nghị lực sống

TTO - Với hai mỏm cụt còn lại, Phúc tự làm các công đoạn, lắp đặt sản phẩm, đóng gói, gửi hàng và quay clip truyền cảm hứng trên mạng xã hội.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp