Đói, khát và có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào, nhưng vẫn có những người mẹ trẻ như Yeraldine Murillo, sẵn sàng bỏ lại con bên kia biên giới, vượt biên và lao vào cuộc giành giật miếng ăn nơi đất khách.
Biển người Venezuela xếp hàng đợi làm thủ tục nhập cảnh vào Colombia ở cửa khẩu Cucuta. Khoảng 2.000 người Venezuela nhập cảnh hợp pháp vào Colombia mỗi ngày trong thời gian gần đây, tăng từ con số 1.200 - Ảnh: REUTERS
Có đến nửa triệu người Venezuela đã vượt biên sang Colombia khi nguồn thực phẩm trong nước dần cạn kiệt, chỉ một phần nhỏ trong số này là hợp pháp.
Theo hãng tin Reuters, trước cuộc khủng hoảng tiềm tàng ở biên giới, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos đã ra lệnh siết chặt an ninh, triển khai thêm binh sĩ.
Nhưng các binh sĩ mới bổ sung, thêm số lượng hiện có, không đủ để ngăn chặn những tốp người Venezuela vượt biên trên toàn tuyến biên giới hơn 2.200km.
Những binh sĩ và các quan chức vẫn có mặt ở Paraguachon, một thị trấn Colombia nằm ngay trên đường biên giới Colombia - Venezuela. Nhưng họ không tài nào ngăn cản được dòng người từ bên kia tràn sang, với con số ước tính khoảng 4.000 người mỗi ngày.
"Chúng tôi đã bỏ nhà cửa, xe cộ, kể cả tiền trong ngân hàng", ông Rudy Ferrer, một cựu nhân viên bán hàng điện tử Venezuela kể với hãng tin Reuters.
Ông Ferrer không cô đơn, hàng chục đồng bào của ông cũng qua đêm bên ngoài một nhà kho ở Maicao, thành phố gần biên giới Venezuela lớn thứ hai của Colombia, cách Paraguachon không xa.
Nhiều người và tổ chức nhân đạo ở Cucuta - thành phố lớn nhất trên vùng biên giới của Colombia, cảm thấy phải có trách nhiệm với những người dân đói khát Venezuela - những người đã giúp đỡ và cho người Colombia nương náu trong thời nội chiến.
Nhưng một bộ phận không nhỏ khác cũng đồng thời lo sợ những lưu dân mới đến sẽ cướp đi công việc của họ.
"Ông là dân Venezuela phải không? Tôi không nhận ông đâu", Flavio Gouguella, 28 tuổi, đến từ bang Carabobo (Venezuela) kể lại việc mình bị thẳng thừng từ chối khi bị biết ra là người Venezuela sang tìm việc.
Tiền Venezuela được dùng để làm giỏ xách ở Colombia. Một người đàn ông Venezuela hi vọng ông có thể bán được thứ sản phẩm lạ này ở thành phố Maicao - Ảnh: REUTERS
Vẫn có những điểm đổi tiền ở thị trấn Paraguachon. Nhiều người Venezuela cho biết họ mất tới 400.000 bolivar cho một 1kg gạo trong nước, nơi mức lương tối thiểu chỉ bằng nửa kg gạo - Ảnh: REUTERS
Hàng trăm người Venezuela, lỉnh kỉnh balo và vali, vạ vật trên một con đường ở thành phố Cucuta - Ảnh: REUTERS
Đêm xuống, họ ngủ bên ngoài các căn nhà và cửa hàng của người Colombia. Một số kiếm được việc làm, lương ba cọc ba đồng cho miếng ăn hàng ngày. Số khác khi vừa cất tiếng nói đặc sệt giọng Venezuela đã nhanh chóng nhận được cái lắc tay từ chối - Ảnh: REUTERS
Có những người may mắn hơn xin được bữa cơm tại các điểm phát thức ăn miễn phí - Ảnh: REUTERS
Người dân Venezuela cầu nguyện trước khi dùng bữa ăn được cấp miễn phí ở Cucuta - Ảnh: REUTERS
Nhiều người Venezuela vượt biên mang theo tất cả những gì họ có. Trong ảnh: Một phụ nữ Venezuela mệt mỏi dựa vào chiếc xe tồi tàn tại thị trấn Paraguachon - Ảnh: REUTERS
Hiện có những người bỏ lại tất cả sau lưng, lên đường với bụng đói cồn cào và niềm tin mọi thứ sẽ tốt hơn so với ở quê nhà - Ảnh: REUTERS
Những cảnh tượng như thế này đang dần quen thuộc tại Paraguachon. Một bộ phận người Venezuela sang Colombia bằng xe tải, vơ vét các nhu yếu phẩm với giá rẻ đến không thể kiếm được ở trong nước - Ảnh: REUTERS
Nhưng cũng có những trường hợp vượt biên, vơ vét nhu yếu phẩm trở về Venezuela bị phát hiện. Trong ảnh: Cảnh sát lục soát một chiếc ôtô giấu một tảng thịt sau chiến dịch truy quét ngày 14-2 ở Cucuta - Ảnh: REUTERS
Một chiếc xe chở nước giải khát cũng bị chặn lại và bị tịch thu ở biên giới - Ảnh: REUTERS
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận