Bài học cho người trong hoàn cảnh này là phải có các biện pháp pháp lý để buộc chủ đầu tư, chính quyền sớm "dọn dẹp" các vướng mắc để cấp sổ đỏ, sổ hồng. Nếu không, thời gian qua đi, sự việc sẽ "hóa bùn", doanh nghiệp hay chủ đầu tư không còn tồn tại, khi đó "rau răm ở lại chịu đời đắng cay".
Hệ lụy 20 năm
Tại Đà Nẵng, các vướng mắc về đất đai có yếu tố "lịch sử" đang gây rất nhiều khó khăn, hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không thể xây dựng dự án ngay trên mảnh đất của mình vì vướng pháp lý mãi không giải quyết dứt điểm.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay khiến hàng trăm khu đất, dự án ở Đà Nẵng bỏ hoang rơi vào ba nhóm vấn đề là việc thu tiền sử dụng đất; giảm tiền sử dụng đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thời kỳ trước đây chưa phù hợp với quy định pháp luật.
Thực tế, chuyện "xé rào" với chính sách đất đai được coi là đột phá để nhanh chóng phát triển đô thị Đà Nẵng bắt đầu từ những năm 2000.
Tại thời điểm đó, các chính sách này được coi là điểm sáng. Để kịp thời có đủ ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, TP giảm 10% tiền sử dụng đất nếu cá nhân, tổ chức nộp đủ trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng.
Thế nhưng, sau đó, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc UBND TP Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho các hộ được bố trí đất tái định cư, các tổ chức cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là không đúng đối tượng và trái với quy định gây thất thu ngân sách trên 446 tỉ đồng (đối với các hộ tái định cư) và trên 867 tỉ đồng (đối với các tổ chức, cá nhân được giao, chuyển nhượng quyền sử dụng đất).
Ngoài ra, TP còn "xé rào" khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (thương mại dịch vụ) có thời hạn từ 50 năm sang thời hạn lâu dài. Một số dự án xác định giá thấp hơn bảng giá đất TP ban hành hằng năm. Một số dự án khác UBND TP quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn giá của Hội đồng thẩm định giá đất TP trình.
Các chính sách đất đai thông thoáng đó thực hiện trong gần 10 năm được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ mới kết luận các nội dung trên là sai phạm. Các cá nhân gây ra sai phạm trên đã bị xử lý kỷ luật hoặc vướng vào lao lý.
Vướng tiền sử dụng đất: treo sổ, không chuyển nhượng được
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng có hàng trăm dự án phải xác định lại giá đất, nộp lại 10% tiền sử dụng đất trước đây được giảm và điều chỉnh lại thời hạn ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thương mại dịch vụ từ lâu dài sang 50 năm.
Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả các sai phạm trên là không đơn giản bởi các lô đất trên đã được chuyển nhượng qua lại rất nhiều lần. Đến thời điểm này, người mua ban đầu đã "xong trách nhiệm", còn người mua lại đất gánh chịu nỗi oan.
Vì vậy, một số dự án tại Đà Nẵng đang triển khai giữa chừng buộc phải dừng lại. Người dân mua nhà đất tại các dự án này khổ sở chờ nhiều năm vẫn không được cấp sổ đỏ vì phải chờ xác định lại giá đất.
Đơn cử như dự án khu nhà ở và dịch vụ Tuyên Sơn (Công ty cổ phần đầu tư Landcom) nhiều năm nay đã hoàn thành hạ tầng, đã bán đất cho người dân nhưng không thể ra được sổ đỏ, vừa qua người dân đi khiếu nại khắp nơi.
Tại khu đất ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu, người mua lại nhà đất rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Họ nhận chuyển nhượng lại, không được hưởng các chính sách ưu đãi giảm tiền sử dụng đất trước đây của TP.
Tuy nhiên, bây giờ nếu muốn bán lại thì buộc phải "tự nguyện" nộp 10% tiền sử dụng đất mà trước đây TP Đà Nẵng đã giảm cho người mua ban đầu. Nếu không nộp bổ sung tiền sử dụng đất, cơ quan nhà nước sẽ không làm thủ tục giải quyết hồ sơ.
Đối với các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thương mại dịch vụ, chủ đầu tư thứ cấp muốn chuyển nhượng hoặc xây dựng buộc phải điều chỉnh thời hạn sử dụng đất lâu dài còn 50 năm. Trường hợp không đồng ý điều chỉnh thời hạn sử dụng đất thì lô đất trên không được chuyển nhượng hoặc cấp phép làm dự án.
"Rau răm ở lại" lãnh đủ
Ông N.V.T., chủ một lô đất lớn trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, cho biết: "Lúc mua lại đất của doanh nghiệp khác, chúng tôi không được hưởng bất cứ ưu đãi nào của Nhà nước. Việc xác định giá đất không đúng, giảm 10% tiền sử dụng đất hay cấp sổ đỏ ghi không đúng thời hạn là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện.
Bây giờ chính quyền yêu cầu chúng tôi tự nguyện khắc phục thay cho người bán trước đây. Nếu không tự nguyện nộp tiền thì mọi giao dịch của chúng tôi đứng bánh, đất đai đành bỏ hoang".
Chính quyền Đà Nẵng gặp khó
Báo cáo của UBND TP Đà Nẵng năm 2022 nêu ra các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ. Theo đó, nhiều năm qua, Đà Nẵng đã huy động nhiều nguồn lực và áp dụng nhiều biện pháp để thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng mới truy thu được khoảng 636,5 tỉ đồng. Trong khi số tiền mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi về ngân sách TP hơn 1.486 tỉ đồng
Ngoài 46 dự án theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, Đà Nẵng còn 1.061 dự án tương tự.
"Đây là điều rất khó thực hiện và ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Vì vậy, đề xuất xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ cho phép Đà Nẵng dừng rà soát, xử lý đối với các trường hợp tương tự nêu trong kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm tạo điều kiện giải phóng nguồn lực từ hàng trăm dự án trên địa bàn, không để lãng phí tài nguyên nhà nước" - báo cáo nêu.
Đây không phải là kiến nghị đầu tiên của TP Đà Nẵng nhưng mọi thứ vẫn phải theo đúng luật, nộp đủ tiền sử dụng đất, khắc phục chủ trương xé rào giảm 10% tiền sử dụng đất của chính quyền Đà Nẵng khi xưa, người dân mới được cấp điều chỉnh sổ đỏ, cho chuyển nhượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận