Ngư dân tranh thủ vớt tôm hùm trôi dạt trên biển bán cho người dân kiếm tiền - Ảnh: LÂM THIÊN
Thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) được xem là "vương quốc tôm hùm" của miền Trung sau bão hoang tàn, xơ xác.
Không còn một lồng tôm
Những lồng tôm bị sóng đánh, quăng quật đang nằm chồng chất, lộn xộn lên nhau. Hàng chục phụ nữ, trẻ em ra đứng trước bãi biển, ngóng trông theo thuyền thúng của các thanh niên trai tráng trong làng đang tìm kiếm những lồng tôm còn sót lại.
Chị Lê Thị Hiểu, ngồi trên bờ với khuôn mặt buồn thiu. Chị nuôi 13 lồng tôm, mỗi lồng hơn 200 con. Lứa ôm hùm nà đã được 9 tháng, chỉ còn chờ khoảng một vài tháng gần Tết thu hoạch.
Vậy mà cơn bão đến quét sạch với thiệt hại chừng 400 - 500 triệu đồng, mà tiền này, chị Hiểu cho biết, chủ yếu vay ngân hàng.
Những lồng bè nuôi tôm hùm bị sóng đánh dạt vào bờ nằm ngổn ngang trên bãi biển thị trấn Vạn giã - Ảnh: LÂM THIÊN
Anh Đỗ Thanh Dũng, Trưởng thôn Vịnh Hòa, kể về cơn sóng quá lớn đập vào như "nuốt chửng" hết cả một làng biển.
"Cơn sóng nào cũng trên 6m, như ngọn núi, cuốn hết những lồng tôm vào bờ, xếp chồng chất lên nhau. Sức tàn phá quá dữ dội, hàng loạt hộ dân gần như trắng tay hoàn toàn, mà tiền chủ yếu vay ngân hàng", anh Dũng nói.
60 hộ dân nuôi, mỗi hộ hơn 100 lồng nuôi tôm, mỗi lồng khoảng 200 con tôm, gần như mất trắng, thiệt hại ước tính khoảng 9,5 tỉ đồng.
Chị Nguyễn Thị Lợi (đứng cạnh những thùng phuy còn sót lại) khóc nức nở khi hơn 5.000 con tôm hùm nuôi trên biển bị sóng cuốn trôi thiệt hại gần chục tỉ đồng - Ảnh: LÂM THIÊN
Bà con mất sạch rồi!
Cách làng tôm Vịnh Hòa khoảng 100km về phía Nam, là một "vương quốc tôm hùm" khác ở thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) còn bị thiệt hại khốc liệt hơn.
Nơi đây, có khoảng 281 hộ dân nuôi thả tôm hùm và cá bằng lồng bè trên biển thì có đến 99% số hộ nuôi bị thiệt hại sau cơn bão số 12.
Có một điểm chung dễ nhận thấy của các hộ dân ở đây là gần như mất trắng, người ít thì vài trăm triệu đồng, người nhiều thì lên tới hơn chục tỉ.
Ông Lê Hồng Phương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vạn Giã, cho biết: "Đợt này số tiền thiệt hại của bà con phải tính bằng triệu đô chứ không thể tính bằng tiền Việt nữa đâu".
Sáng 6-11, Tuổi Trẻ Online quan sát thấy những ngọn dừa đổ ngã, đập nát các ngôi nhà khiến người dân bơ vơ trong cảnh màn trời chiếu đất. Tại một bãi đất trống cạnh bến cầu cảng, mùi tanh thối bốc lên từ những xác tôm hùm chết.
Chị Nguyễn Thị Lợi (40 tuổi, trú tại thị trấn Vạn Giã) ngồi lặng lẽ hàng tiếng đồng hồ, mắt hướng nhìn về phía biển, nơi gần chục lồng bè tôm hùm với gần 5.000 con tôm (trong đó có hơn 1.000 tôm thịt chuẩn bị xuất) của chị vừa bị bão số 12 cuốn trôi sạch sẽ.
Với gần 5.000 con tôm hùm và lồng bè nuôi bị mất, chị Lợi cho biết tổn thất hơn 5 tỉ đồng, số tiền hai vợ chồng phải đi vay mượn ngân hàng.
Đấy là chưa kể gần 4 tỉ đồng thức ăn nuôi tôm mà gia đình chị còn nợ của người khác nữa.
Cộng lại là một khoản nợ khổng lồ treo lơ lửng trên đầu gia đình chị.
"Giờ hai vợ chồng tôi giờ chỉ còn cái mạng mà thôi", chị Lợi nghẹn ngào.
"Chỗ này trước đây là nơi mà 281 hộ dân nuôi tôm hùm bằng bè. Giờ nhìn ra trống trơ, không thấy bóng dáng một cái bè nào nữa, chỉ thấy một màu trắng xóa thôi. Bà con ngư dân mất sạch rồi", ông Lê Hồng Phương, Bí thư Đảng ủy thị trấn Vạn Giã, trầm ngâm, mắt nhìn ra biển.
Ông Nguyễn Ngọc Ý, Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, cho biết toàn huyện có 12.400 lồng bè nuôi thủy sản và sau cơn bão số 12 gần như toàn bộ đều mất trắng.
Ước tính về thiệt hại nuôi trồng thủy sản là 27.280 tỉ đồng. Đây là tài sản người dân cầm cố vay mượn ngân hàng, nên giờ hoàn toàn trắng tay", ông Ý nói.
Vạn Ninh đề nghị ngân hàng giãn nợ
Theo ông Võ Lục Phẩm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, trước những thiệt hại quá lớn về nuôi trồng hải sản - ngành kinh tế chủ lực của địa phương - huyện đã có kiến nghị gửi các cấp trên có chính sách hỗ trợ kịp thời, ngân hàng giãn nợ cho bà con nông dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận