Điều độc đáo của "vương quốc" gạch Mang Thít là mỗi lò nung cao từ 5 - 12m, hình tháp tròn tạo nên quần thể kiến trúc đặc sắc. Nơi mà thời vàng son người dân rù rì "chủ lò nung ai cũng giàu dữ lắm". Đến nay, các chủ lò đang gồng mình bám nghề mưu sinh cầm chừng và ngóng chờ nơi đây thành làng "di sản đương đại".
Sự kết hợp giữa làng nghề truyền thống và du lịch sẽ tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Vừa qua, tỉnh Vĩnh Long đã thông qua chính sách hỗ trợ cho người dân và tạo cơ chế đặc thù để xứ sở lò nung trở thành "di sản văn hóa đương đại Mang Thít" nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Năm Lớn (ông Lê Văn Lớn, 72 tuổi, xã Nhơn Phú, Mang Thít) có hơn 40 năm làm nghề gạch, cho biết ở thời điểm thịnh vượng "vương quốc" gạch có hơn 2.800 lò nung. Bây giờ chỉ còn khoảng 1.000 lò, trong đó chỉ 30 lò thường xuyên đỏ lửa, còn lại đang bỏ hoang phế chờ thời làm du lịch.
"Ngoài vẻ đẹp kiến trúc lò nung, còn có bí quyết đốt lửa nung gạch rất độc đáo đòi hỏi tay nghề cao. Người đốt lò phải biết canh lửa nung gạch, dù đốt lửa bên dưới nhưng gạch chín từ trên ngọn xuống chân. Do vậy, nghề làm gạch có lời hay không là phụ thuộc vào kinh nghiệm của những nghệ nhân.
Tôi rất mừng nếu khu này quy hoạch phát triển du lịch. Đón được nhiều du khách, người dân sẽ sống thoải mái hơn và bảo vệ được làng nghề truyền thống" - ông Năm Lớn chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận