31/10/2015 08:03 GMT+7

Vướng giám định, nhiều vụ án gặp khó

V.V.THÀNH (thanhvv@tuoitre.com.vn)
V.V.THÀNH ([email protected])

TT - Chiều 30-10, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong công tác giám định tư pháp.

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp - Ảnh: V.V.T.
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tháo gỡ vướng mắc trong giám định tư pháp - Ảnh: V.V.T.

Bộc lộ bất cập, vướng mắc

Ông Phạm Anh Tuấn, phó trưởng Ban Nội chính trung ương, cho biết trong thời gian qua, công tác giám định tư pháp nói chung, giám định vụ việc phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế nói riêng, có những chuyển biến nhưng bộc lộ những bất cập, khó khăn, vướng mắc do nhiều nguyên nhân.

Theo báo cáo bước đầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế (Bộ Công an), trong 17 vụ án tham nhũng, kinh tế đang thụ lý điều tra, truy tố cần trưng cầu giám định tư pháp thì có đến 10/17 (chiếm 58,8%) vụ là có vướng mắc về giám định.

Đáng chú ý, có vụ hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan được trưng cầu giám định ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy nên dẫn đến chậm tiến độ xử lý vụ án, như việc định giá giá trị cổ phần, cổ phiếu, bất động sản trong vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu.

Có vụ do kinh phí giám định lớn nên dẫn đến kết luận giám định chậm.

Ông Nguyễn Đức Hiển - phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng và kinh tế, Bộ Công an - cho rằng cần xác định tiêu chí về sự cần thiết của công tác giám định, có những vụ án kết luận giám định là chứng cứ duy nhất, nếu không kết luận được thì “tiêu tan”.

Chia sẻ với các bộ ngành và các giám định viên về việc án kinh tế nhiều, trưng cầu giám định nhiều, nhưng theo ông Hiển thì công tác giám định chưa được các bộ ngành quan tâm đúng mức.

Có nhiều vụ án khi ra quyết định trưng cầu giám định, điều tra viên đến làm việc ở các bộ ngành phải chờ đợi, lòng vòng, quay đi quay lại có trường hợp mất hàng tháng.

Ông Hiển đề nghị tới đây cần có quy định thời gian cụ thể từ khi cơ quan điều tra đưa ra yêu cầu giám định cho đến khi có kết luận.

Có những vụ án thời hạn điều tra tối đa chỉ 12 tháng, nhưng từ khi cơ quan điều tra yêu cầu trưng cầu giám định cho đến khi có kết luận giám định hơn 13 tháng, do vậy phải tạm đình chỉ điều tra.

Ví dụ như vụ liên quan đến đất đai ở Bình Dương, trưng cầu Bộ Tài chính thì bộ nói là Bộ Tài nguyên và môi trường, trưng cầu Bộ Tài nguyên và môi trường thì lại nói là Bộ Tài chính, cơ quan điều tra phải trưng cầu cả hai nơi, đến khi một bên ra kết luận thì một bên chưa ra nên vẫn tắc.

Kinh phí không thiếu?

Cũng phân tích khó khăn của công tác giám định, đại diện TAND tối cao nói trước đây những vụ án 10 bánh, 20 bánh heroin đã là án lớn, bây giờ có thể hàng nghìn bánh, hoặc trước đây vụ án cỡ 4.000 tỉ đồng (vụ Tăng Minh Phụng) được coi là lớn nhưng bây giờ con số sai phạm có thể lớn hơn nhiều, trong khi đó chỉ cần một hai bộ ngành trong mắt xích cần giám định chậm sẽ ảnh hưởng cả hệ thống.

Về kinh phí cho giám định tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cam kết kinh phí giám định không bao giờ bị cắt giảm, không bao giờ thiếu.

Theo ông Trung, nên đẩy mạnh xã hội hóa giám định tư pháp. Ông Trương Chí Trung cũng cho biết có những trường hợp giám định viên bị đe dọa dưới nhiều hình thức khác nhau như đe dọa qua điện thoại, đe dọa vợ con, khiến cho giám định viên lo sợ vì “anh em không phải công an mà chỉ là cán bộ tài chính”.

Do vậy, cần phải có cơ chế bảo vệ các giám định viên khi họ tham gia các vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thời gian tới các bộ ngành và địa phương cần đẩy mạnh thông tin về nhận thức, trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cá nhân, tổ chức, người giám định tư pháp, đồng thời sớm ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn Luật giám định tư pháp.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo rà soát, củng cố đội ngũ làm công tác giám định tư pháp, xây dựng cơ chế, tạo điều kiện về thời gian, phương tiện làm việc và có chế độ khen thưởng cho cán bộ giám định làm tốt nhiệm vụ.

“Công khai hóa đầu mối giám định ở các bộ ngành để tạo sự thông suốt, khắc phục sự lòng vòng nếu có, phân cấp rõ cấp bộ làm gì, cấp tỉnh làm gì” - Phó thủ tướng yêu cầu.

Vướng giám định liên quan đến sân vận động Chi Lăng

Tại cuộc họp, ông Bùi Mạnh Cường, phó viện trưởng Viện KSND tối cao, cho biết hiện nay cơ quan tố tụng đang thụ lý vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng.

Theo đó, cơ quan tố tụng cần kết luận giám định lĩnh vực đất đai ở sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng), định giá ban đầu độ khoảng 2.600 tỉ đồng, được đưa lên số hơn 8.000 tỉ đồng thế chấp vào ngân hàng, số tiền rất lớn.

“Chúng tôi cần hội đồng giám định của TP Đà Nẵng trả lời cho chúng tôi nội dung liên quan, cơ quan điều tra yêu cầu giám định, cấp có thẩm quyền có văn bản nhưng hiện nay kết quả vẫn chưa có.

Trong trường hợp đó, nếu có cơ chế hay quy định không cần UBND TP Đà Nẵng mà nơi khác cũng giám định được thì có thể giải quyết mà không khó khăn gì cả” - ông Cường nói.

V.V.THÀNH ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp