02/05/2012 08:59 GMT+7

Vươn xa nhờ tiểu thương

DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI

TT - Các chợ đầu mối ở TP.HCM như An Đông, Bình Tây, Tân Bình... từ lâu đã trở thành kênh phân phối rất mạnh, mỗi ngày có cả chục tấn hàng xuất đi các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Kiên Giang, Bình Phước...

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được lợi thế này.

FatqeZYK.jpgPhóng to
Người tiêu dùng chọn mua hàng tại chợ Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: D.T.

Trong khi đó, hàng Trung Quốc “chạy như con thoi” đang len lỏi khắp nơi và kênh phân phối này đang được tận dụng triệt để.

Bỏ mối khắp nơi

Bà Sáu Thu, chủ một đầu mối kinh doanh mặt hàng quần áo tại chợ đầu mối An Đông, cho biết mỗi ngày có hàng chục kiện hàng tại sạp của bà được đóng chặt trong những bao nilông lớn xuất đi các tỉnh Bình Định, Long An, Bến Tre... “Bất kỳ đầu mối nào cần, chỉ gọi điện vài ngày sau là nhận được hàng” - bà Thu khẳng định. Hầu hết các mối nhập hàng của bà Thu đều có thâm niên làm ăn 5-10 năm.

Theo bà Thu, không riêng gì sạp của bà, tại nhiều sạp lân cận đều có những mối “ruột” thường xuyên làm ăn với nhau trên khắp cả nước. Để làm quen, mối ở các tỉnh thường tìm đến tận sạp lựa hàng, trả tiền trực tiếp, đóng gói rồi vận chuyển hàng về. Khi đã trở thành mối quen làm ăn lâu dài, các chủ sạp bắt đầu cho phép thanh toán tiền hàng “gối đầu”, “tức gửi hàng trước thanh toán sau, tùy thuộc thỏa thuận của mỗi sạp” - bà Thu giải thích.

"Doanh nghiệp trong nước phải chịu rủi ro rất lớn khi sự trung thành của tiểu thương đối với doanh nghiệp rất mong manh vì có quá nhiều cám dỗ từ các nhãn hàng nước ngoài vây quanh"

Ông Nguyễn Trí Kiên (giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến)

Bằng phương thức bán hàng phổ biến đó, hiện các chợ ở TP.HCM như An Đông (Q.5), Bình Tây (Q.6), Tân Bình, Bến Thành... đang trở thành những kênh phân phối rất mạnh để đưa hàng đi khắp nơi.

Tiểu thương M., kinh doanh mặt hàng túi xách, bóp da tại chợ Bình Tây, cầm xấp hóa đơn thanh toán tiền hàng khoe mỗi ngày bình quân có 15-20 kiện hàng, giá 5-10 triệu đồng mỗi kiện được gửi đi các tỉnh, thậm chí ngay trong nội thành cũng có.

Tuy nhiên, nhiều tiểu thương tại các chợ cho biết kinh tế khó khăn, phương thức gối đầu gặp rủi ro cao nên nhiều đầu mối hiện chỉ cho phép nợ tiền hàng ở mức hạn chế. Như vụ cháy ở chợ Quảng Ngãi vừa rồi, bà Thoan, tiểu thương kinh doanh tại chợ Bình Tây, cho hay nhiều bạn hàng hiện vẫn còn nợ bà từ 50 - 200 triệu đồng tiền hàng gối đầu từ trước tết.

Chật vật len chân

Mặc dù lượng hàng hóa từ các chợ xuất đi các tỉnh lên tới cả chục tấn mỗi ngày nhưng ghi nhận tại các chợ An Đông, Bình Tây cho thấy hiện các mặt hàng quần áo thời trang, túi xách gia công, hàng vải lụa có xuất xứ từ Trung Quốc đang áp đảo hàng Việt.

Theo bà M., hiện phần lớn hàng hóa được đóng kiện gửi đi tỉnh là hàng Trung Quốc, hàng Việt Nam thường bị lép vế khá nhiều. Lý giải việc này, bà M. nói: “Hàng Việt thường có giá cao hơn trong khi mẫu mã đơn điệu”. Bà lấy ví dụ mỗi chiếc túi xách Trung Quốc hiện có giá 80.000 - 90.000 đồng, trong khi hàng VN loại này thường vượt mức 120.000 đồng/chiếc. Vì vậy, nhiều bạn hàng tại các tỉnh có xu hướng lựa mặt hàng Trung Quốc để tăng lợi nhuận.

Ông Vũ Đình Phương, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần quạt VN (Asia), cho biết không thể phủ nhận kênh phân phối tại chợ và việc dựa vào tiểu thương để quảng bá, đưa sản phẩm của mình vươn xa khắp các tỉnh thành. Tuy nhiên, để hàng hóa lọt được vào tầm mắt của tiểu thương, hàng hóa có chất lượng không chưa đủ mà còn cần có giá bán thật hợp lý, thật cạnh tranh với hàng có chất lượng không cao nhưng giá quá hấp dẫn” - ông Phương nói.

Theo ông Nguyễn Trí Kiên, giám đốc Công ty may túi xách Minh Tiến (Miti), do yếu tố thị trường tại chợ quá nhạy bởi nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi quá nhanh, sản phẩm phải luôn có mẫu mới, kiểu dáng phải phong phú đa dạng “nên hàng trong nước vẫn còn một khoảng cách nhất định với hàng Trung Quốc”.

Đây chính là điểm yếu của hàng Việt trong cuộc đua tìm chỗ đứng đối với tiểu thương, dù doanh nghiệp thừa biết nếu chọn chợ như một kênh bán hàng chính thì chi phí tiết giảm lớn nhất chính là không cần tổ chức một hệ thống phân phối trực tiếp như ở các kênh lưu thông hàng hóa khác. Chưa kể việc cắt giảm bớt chi phí và tận dụng tối ưu vai trò của tiểu thương bán hàng như một kênh “tiếp thị sống” sản phẩm cũng là những ưu điểm mà doanh nghiệp có thể tận dụng.

Theo ông Nguyễn Hữu Thành, giám đốc Công ty giày Long Thành, sẽ rất khó cho doanh nghiệp giải bài toán giá bán ở chợ khi quan điểm “hàng chợ là hàng phải rẻ” luôn lấn át và chi phối cả người bán lẫn người mua. “Cạnh tranh kiểu nào khi giá bán một đôi dép nam bằng da thật của chúng tôi trung bình 220.000 đồng, trong khi sản phẩm giả thương hiệu của chúng tôi đang bán tại chợ chỉ có 90.000 đồng/đôi” - ông Thành nói. Đây là lý do khiến Long Thành không chọn kênh chợ để phân phối sản phẩm của mình, mà chỉ bán thông qua các kênh phân phối trực tiếp và qua hệ thống bán hàng trên mạng do công ty quản lý.

DŨNG TUẤN - TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp