Các bạn đội viên liên đội tiểu học Phạm Hùng chăm sóc vườn rau giúp bạn - Ảnh: C.K.
Giờ ra chơi, các bạn đội viên, học sinh Trường tiểu học Phạm Hùng (huyện Bình Chánh, TP.HCM) ùa ra vườn rau ngay sau trường tưới nước, nhặt cỏ. Đã ba năm nay, "Vườn rau giúp bạn" của các em luôn xanh mướt, dùng gây quỹ chăm lo cho các bạn khó khăn trong trường.
"Từ ngày có vườn rau này, giờ ra chơi buổi sáng chúng em thường phân chia nhau tưới nước hoặc nhặt cỏ. Em rất thích được tự tay chăm sóc những luống rau cho đến ngày được thu hoạch. Theo dõi cây lớn lên từng ngày thật là hay", bạn Nguyễn Ngọc Trúc Quyên, học sinh lớp 5.1 Trường Phạm Hùng, chia sẻ.
Từ khu vườn ý nghĩa
Vườn rau gồm đủ loại từ mồng tơi, rau dền, rau muống... Những ngày vừa qua trước khi nghỉ để học online, Đàm Hoàng Thông, lớp 4, cùng nhóm bạn phụ trách cắt rau, cho vào bịch và nhóm bạn gái được phân công chia thành từng gói, sau đó các bạn cho lên xe đẩy ra trước cổng trường để bán. Chiếc bàn được kê ngay ngắn, có hũ tiết kiệm dán dòng chữ "Vườn rau tình bạn gây quỹ giúp bạn học sinh khó khăn". Nhiều phụ huynh mua ủng hộ ngay.
"Sau những giờ học bài ra đây tưới nước, nhổ cỏ tụi em đều thấy thoải mái. Rau thu hoạch được còn gây quỹ tặng thẻ bảo hiểm cho các bạn khó khăn, nên ai cũng vui" - bạn Nguyễn Quỳnh Anh, chi đội lớp 4.6, nói. Dù đôi tay các bạn còn bé nhỏ, việc chăm sóc các luống rau cũng khá thuần thục dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của các thầy cô giáo. Mùa nào cây nấy, vườn trồng từ khổ qua, bầu bí đến các loại rau xanh mồng tơi, rau muống, cải xanh...
"Cách đây ba năm, thấy trường còn khu đất phía sau chưa khai thác làm gì nên tôi đã đề xuất ban giám hiệu để liên đội thực hiện mô hình "Vườn rau giúp bạn". Mô hình mong muốn để các đội viên, học sinh vừa tự chăm sóc rau, vừa học được những bài học về yêu lao động, tinh thần chia sẻ với các bạn khó khăn" - thầy Phạm Huyền Duy, tổng phụ trách Đội, cho hay.
Đến khu vườn tái chế
Khuôn viên Trường tiểu học Phú Thọ Hòa (Q.Tân Bình) gần đây đã được trang trí bằng những mảng xanh nhiều cây cảnh và hoa lá do chính bàn tay những bạn đội viên học sinh thực hiện và chăm sóc. Ngôi trường xây dựng khoảng 40 năm nên những mảng tường phần nào cũ kỹ nhưng từ ba năm nay, mảng xanh đã được tô điểm từ mô hình "Vườn trường từ rác thải nhựa" do liên đội trường thực hiện.
Các đội viên liên đội tiểu học Phú Thọ Hòa chăm sóc vườn trường tái chế - Ảnh: C.K.
Nhờ sự hướng dẫn của cô tổng phụ trách Đội Nguyễn Thị Thúy Liễu mà các chậu cây được các em học sinh sơn, vẽ từ những chai nhựa được tái chế. "Khi triển khai thực hiện mô hình này, chúng tôi mong các em mở mang tư duy, tri thức và trí tưởng tượng cho các em, qua đó các em còn rèn các kỹ năng cơ bản: tính sáng tạo, biết trồng cây, bón phân, chăm sóc cây. Cùng làm với nhau giúp các em kỹ năng hợp tác, tinh thần vì cái chung, yêu lao động, yêu thiên nhiên, biết quý trọng sản phẩm của mình làm ra... Cũng là cách tạo không gian mới mẻ, sinh động để các em cảm thấy thích thú khi ra chơi" - cô Liễu bày tỏ.
Từ việc kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường, liên đội phát động các chi đội và các lớp nhi đồng thực hiện trồng cây trên các chậu từ các chất thải nhựa do chính các em sáng tạo, thiết kế. Mỗi bạn làm ít nhất một chậu và cùng nhau trồng cây, treo lên mảng xanh. Giờ ra chơi, các bạn đội viên chia nhau tưới nước, chăm sóc để những mảng xanh được tươi tốt và đẹp hơn. Các bạn còn được thầy cô hướng dẫn trồng rau xanh bằng những khay nhựa làm từ những chiếc thau bị sứt mẻ không dùng được nữa.
Bạn Tạ Ngọc Xuân Nhi, liên đội trưởng, cho biết: "Em cảm thấy rất vui và thú vị khi được cùng các bạn và các cô thực hiện mô hình vườn trường tái chế. Thông qua mô hình này giáo dục cho em và các bạn đội viên, nhi đồng biết yêu quý sức lao động, góp phần giữ gìn, bảo vệ môi trường sạch đẹp, tạo thêm mảng xanh cho liên đội, để các bạn thêm yêu quý ngôi trường của mình".
Theo thầy Võ An Định - hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Hùng, "Vườn rau giúp bạn" là cách làm thu hút được đông đảo đội viên, học sinh tham gia vì ý nghĩa tốt đẹp của mô hình. Mỗi năm từ cách gây quỹ này, liên đội đã trao tặng được 40 thẻ bảo hiểm y tế cho các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường.
"Hoạt động giúp các em trải nghiệm thực tế từ việc trồng và chăm sóc cây, biết yêu thiên nhiên, yêu thương bạn bè. Và khi học các môn khoa học tự nhiên thì các em đã có ngay thực tế để thực hành và theo dõi sự tăng trưởng của cây" - thầy Định nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận