20/06/2018 07:54 GMT+7

Vươn ra ánh sáng

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 
(huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ)
VŨ THỊ HUYỀN TRANG 
(huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ)

TTO - Trong hành trang đi tìm chính mình, tôi luôn mang theo khoảnh khắc kỳ diệu ấy. Những lúc khó khăn hay đớn đau, đổ vỡ, tôi lại nghĩ về một mầm xanh vươn về phía ánh mặt trời…

Vươn ra ánh sáng - Ảnh 1.

Tôi không nhớ chính xác mình mắc chứng tự kỷ từ năm bao nhiêu tuổi. Có lẽ là khoảng năm 1997, khi tôi 10 tuổi và đang học lớp 5 Trường THCS Chí Tiên. 

Khi ấy, quê tôi rất nghèo, quanh năm chỉ ăn cơm độn sắn. Hạn hán kéo dài, lúa ngô chết yểu trên cánh đồng nứt nẻ. Bố tôi phải nhảy tàu Yên Bái - Lào Cai, sau đó đi bộ luồn sâu vào các bản hoang vu ở Lăng Khay, Lăng Khít, Phố Lu, Bảo Hà mót sắn về ăn. 

"Nếu ai từng mắc chứng tự kỷ như tôi, hoặc có người thân mắc căn bệnh này hẳn sẽ hiểu chiến thắng là điều rất khó khăn. Kể từ khi tôi rúc vào bóng tối đến khi bước từng bước ra ngoài ánh sáng mất hơn bốn năm trời."

Vũ Thị Huyền Trang

Đã nghèo đói lại đau ốm thường xuyên, sự túng bấn khiến bố mẹ tôi hay xảy ra xô xát. Tôi chứng kiến tất cả trận đòn roi giội xuống cơ thể gầy còm xanh xao của mẹ. 

Chứng kiến mẹ gào thét trong nỗi đớn đau tuyệt vọng mà tôi không thể làm được gì ngoài việc lùi dần vào bóng tối. Văng vẳng bên tai tôi là lời mẹ trách móc: "Con nhà người ta thấy bố đánh mẹ thì lao vào can ngăn bênh mẹ. Con nhà này chỉ biết mở to mắt đứng nhìn".

Mẹ không biết bấu víu vào đâu ngoài những lời bói toán. Tôi nghe trộm thấy mẹ vừa khóc vừa kể với hàng xóm rằng mẹ và thằng út kỵ tuổi nhau, người này còn thì người kia mất. Lại có hôm đi xem bói về mẹ khóc, nói thằng út sẽ không qua nổi năm mười ba tuổi. 

Kể từ đó, đêm nào tôi cũng mơ thấy cảnh đầu đội khăn tang trắng, khi thì cầm ảnh mẹ, khi thì cầm ảnh út đi trước quan tài. Xung quanh tôi là tiếng kèn trống đám ma, tiếng than khóc ỉ ôi. 

Rồi tôi thấy mình rơi xuống một hố sâu không đáy, cứ rơi mãi rơi mãi đến khi hoảng sợ vùng vẫy vuột thoát khỏi giấc mơ tang tóc. Tỉnh giấc, tôi nằm bất động trong bóng tối, ghìm nỗi sợ hãi trong lồng ngực.

Tự bản thân tôi lúc ấy không hề ý thức được mình đang bị tự kỷ. Chỉ biết là tôi rất sợ ánh sáng, tiếng ồn, người lạ nên suốt ngày ru rú trong xó tối. Nơi yêu thích của tôi là gậm giường và chiếc ổ tự làm trên bụi tre ở gần nhà. 

Bạn của tôi là chú chó nhỏ, con mèo vằn, đàn gà con có bộ lông vàng như vỏ thị. Tôi thường tóm gọn chúng chui vào gậm giường trò chuyện, hoặc ru chúng ngủ bằng cách cầm trên tay quay đều đến khi chúng nằm quay đơ ra đất. 

Sau này, tôi mới biết thực ra chúng chẳng vui vẻ gì khi làm bạn cùng tôi. Chúng bị tôi hành hạ đến hoa mắt chóng mặt. 

Chúng là nạn nhân cho những tháng ngày tràn đầy tăm tối của tôi, mà sau này khi viết về bản thân mình tôi từng tự họa: "Tôi đã từng lì lợm đứng bên đời / Mím chặt nỗi đau run vành môi bé bỏng / Từng sợ con người nên ngủ cùng chó nhỏ / Và lũ gà con trong bóng tối thiên đường". 

Tôi không chỉ làm đau những con vật nhỏ trong nhà, mà còn làm đau chính bản thân mình. Mười đầu ngón chân miết chặt xuống đất đến mòn vẹt, có khi bật máu. Quen ngồi trong bóng tối khiến mắt tôi thường lên cơn nhức mỏi. 

Tôi không kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình. Ở lớp thì đánh nhau với bạn, về nhà thì co ro hoảng loạn. Bố mẹ tôi khi ấy còn mải mưu sinh, chưa ăn bữa này đã phải lo bữa khác nên chẳng có thời gian để ý đến con cái nghĩ gì. 

Tôi cứ một mình đi trong bóng tối mà không có một ai giơ tay kéo về phía mặt trời. Cho đến khi bắt gặp một mầm cây biết vươn ra ánh sáng...

Đó là chiếc mầm mọc lên từ củ đậu tôi "nuôi" trong bóng tối. Nó thuộc kho tài sản bí mật tôi giấu dưới gậm giường. Ban đầu, củ đậu nhú lên một mầm cây nhỏ bé màu trắng. Tôi thích thú khi nghĩ mình sắp có một khu rừng bí mật dưới gậm giường. 

Nhưng nhiều ngày sau đó tôi bị ốm, cơ thể suy nhược phải nằm trên giường gần nửa tháng. Hằng ngày, tôi đều tưởng tượng ra chiếc mầm củ đậu chắc cũng đang yếu ớt và chết dần chết mòn trong bóng tối hệt như mình. 

Đến một hôm tôi ngó xuống gậm giường và bắt gặp một mầm xanh vươn ra phía luồng ánh nắng đang hắt qua cửa sổ chiếu thẳng xuống thành giường. Đó chính là khoảnh khắc đã đưa cuộc đời tôi ra ngoài ánh sáng. 

Thứ ánh sáng chứa đựng nguồn năng lượng tích cực hút mọi sự sống vươn về phía nó, như chiếc mầm củ đậu lớn dần theo thời gian tự thân vươn ra khỏi gậm giường. Những chiếc lá non nớt nhờ uống từng giọt nắng mà tươi xanh, giàu sức sống hơn.

Nhờ khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra mình đã ở trong bóng tối quá lâu nên đầu óc không thể nghĩ về những điều tươi sáng. Kể từ đó, tôi bắt đầu học cách sống như mầm cây nhỏ chui ra khỏi những xó xỉnh tối tăm để vươn ra đón ánh nắng mặt trời. 

Nhưng phải mất rất nhiều năm sau tôi mới thật sự cảm thấy mình đã vượt qua được chứng tự kỷ để hòa nhập với cuộc sống, nuôi dưỡng ước mơ thi đỗ vào đại học, trở thành nhà báo trong tương lai.

Tôi đã chạm tay tới ước mơ như mầm cây chạm vào ánh sáng. Năm 2005, tôi thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 và ĐH Văn hóa Hà Nội. Tôi chọn học khoa sáng tác, lý luận & phê bình văn học (tiền thân là Trường viết văn Nguyễn Du) của ĐH Văn hóa Hà Nội. 

Sau khi ra trường, tôi đi làm báo một thời gian ngắn rồi dừng lại, vì nhận ra viết văn mới thật sự là niềm đam mê của bản thân. 

Trong hành trang đi tìm chính mình, tôi luôn mang theo khoảnh khắc kỳ diệu ấy. Những lúc khó khăn hay đớn đau, đổ vỡ, tôi lại nghĩ về một mầm xanh vươn về phía ánh mặt trời…

Khoảnh khắc thay đổi đời tôi: Khi màn hình điện thoại tắt...

TTO - Rất ngạc nhiên và thú vị: đến lúc này, đây là tác giả gửi bài dự thi có tuổi đời trẻ nhất - sinh năm 2003, đang 15 tuổi và bước vào lớp 10. Và, đặc biệt bài viết dự thi đề cập đến chủ đề rất thời sự: sống ảo!

Vươn ra ánh sáng - Ảnh 4.
VŨ THỊ HUYỀN TRANG 
(huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp