Phúc cho tằm ăn - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Phúc năm nay học lớp 10 nhưng vóc dáng to cao, cục mịch vì đi rẫy từ nhỏ. Hè này, các bạn cùng trang lứa ở nhà đi học thêm, đi chơi thì Phúc ở trong rẫy đi trồng lagim cùng người cậu.
Mùa hè trong rẫy
Khi người viết hẹn gặp Mằn Kỳ Phúc (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh), em ra đầu đường đón vì nhà xa khó tìm. Lúc ấy, cậu học trò chân vẫn mang đôi dép đầy bùn đất, cười ngượng nghịu: "Em đang làm ở trong rẫy rồi chạy vội ra đây luôn".
"Em ở luôn trong rẫy, lâu lâu mới về nhà. Làm cũng cực lắm nhưng em ráng để đầu năm học có tiền đi học", Phúc chia sẻ.
Nghe con trai nói vậy, chị Nguyễn Thị My lấy tay lau vội những giọt nước mắt. Chị bảo hoàn cảnh gia đình nên con phải bươn chải sớm, thiệt thòi so với bạn bè, thương con lắm nhưng chẳng biết làm sao!
Chị My quê ở Nam Định vào Di Linh để lập nghiệp năm 2000. Lấy chồng, hai vợ chồng chị đi làm thuê, ki cóp dành dụm từng chút để cất được căn nhà nhỏ xíu, tạm bợ và mua được 4 sào vườn trồng cà phê, lấy công làm lời nên mùa thu hoạch chẳng được bao nhiêu tiền.
Trước kia chị My còn đi làm thuê nhưng nay bị bệnh, sức yếu nên không thể làm được. Hằng ngày, chị nuôi thêm vài nong tằm để có tiền mua gạo mắm lo cho cuộc sống hằng ngày.
Chồng chị hiện nay không làm được việc, cũng ít khi ở nhà nên một mình chị phải lo toan xoay sở kiếm tiền. Ngoài Phúc còn có một cậu em trai năm nay học lớp 1.
Bên cạnh đi làm rẫy, Phúc còn làm tất cả các công việc ở nhà giúp mẹ. Trong ảnh: đang thái lá dâu cho tằm ăn - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Thấy gia đình khó khăn, "nghe nói học cấp 3 tốn tiền lắm" nên Phúc cũng lo lắng. Nhưng lòng ham học muốn vươn lên từ cái nghèo, Phúc lại cố gắng gấp 5, gấp 10 vừa đi làm vừa đi học.
Ngày học cấp 2, buổi sáng Phúc đến trường thì buổi chiều đi làm rẫy. Chiều học thì sáng vào rẫy, trưa về rửa vội chân tay lấm lem để vào lớp học. Tất cả bài vở Phúc đều tranh thủ học vào buổi tối. "Cũng có khi bài chưa kịp thuộc nhưng em cố gắng học thêm bất cứ lúc nào rảnh", Phúc kể.
Cậu học trò đen nhẻm và đôi tay chai sần này có cách nói chuyện rất lễ phép và chững chạc, trưởng thành. Nhọc nhằn nhưng 9 năm liền Phúc đều là học sinh giỏi. Ngoài việc học, việc đồng áng thì Phúc cũng là cậu học trò giỏi việc nhà.
Khi Phúc mới học lớp 4, lớp 5 thì ba mẹ đi phụ việc cho họ hàng nên vắng nhà hàng tuần, Phúc một mình tự ở nhà đi chợ nấu cơm ăn cơm, đi hái lá dâu, cho tằm ăn, đi học…
Dù một buổi đi học một buổi đi rẫy nhưng 9 năm liền Phúc đều là học sinh giỏi - Ảnh: MINH PHƯỢNG
"Em thích các ngành liên quan đến điện tử. Ở nhà lúc nào rảnh em cũng tự mày mò tập làm như chế đèn pin cho mẹ. Em chỉ ước có tiền để học hết cấp ba và học lên đại học", Phúc bộc bạch. Tuy nhiên, cậu bạn cũng lo sợ điều kiện không cho phép, Phúc cũng tính đến phương án học nghề nhưng bây giờ mong muốn được học hết cấp 3.
Đi học nhờ cưu mang của họ hàng
Cũng chung nghèo khó nhưng ham học là Hoàng Quốc Chí (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh). Chí năm nay học lớp 8 nhưng người ốm mảnh khảnh. Mẹ Chí là bà Hồ Thị Hoa (53 tuổi) cho biết lúc sinh ra Chí chỉ được hơn 1kg và sữa không đủ uống. Bằng mọi cách cũng như sự quan tâm giúp đỡ của người bác ruột, Chí đã dần lớn khôn.
Ước mong của chí là một gia đình hạnh phúc, êm ấm. Trong ảnh: Chí và mẹ là bà Hồ Thị Hoa - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Quê ở Bắc Ninh nhưng anh trai đang ở Di Linh nên bà Hoa vào đây. Bà Hoa nhỏ xíu, bị tật từ nhỏ, yếu ớt nên không làm gì được. Vào trong Nam, bà gặp và lập gia đình với ba của Chí rồi về Cam Ranh sống. Tuy nhiên, ba của Chí tâm tính không bình thường, thần kinh bị ảnh hưởng nên không biết làm ăn. Lúc Chí được hơn một tháng thì ba bỏ đi. Từ đó đến nay không một lần quay trở lại.
Bà Hoa khi ấy phải ôm con về nương nhờ ở nhà anh trai. "Tui không làm được gì, tất cả đều trông nhờ vào anh trai. May mà anh trai quan tâm nên thằng Chí được đến trường đi học như bạn bè", bà Hoa khó khăn, run run khi nói chuyện.
Anh trai bà Hoa vừa là bác, vừa là người cha để chăm lo cho Chí từ ngày còn bé xíu. Ông lo cho cháu tiền đến trường, mua sắm sách vở, quần áo, đóng học. Cùng đó ông vừa lo ăn uống cho hai mẹ con, vừa lo tiền thuốc trị bệnh cao huyết áp hàng tháng cho em gái.
Thương mẹ, mang ơn bác nên Chí quyết tâm học hành - Ảnh: MINH PHƯỢNG
Thương mẹ vất vả, mang ơn của bác nên Chí luôn tự dặn phải cố gắng học hành. Ngoài giờ đi học về, Chí biết phụ bác, phụ mẹ làm việc nhà, mùa đến thì đi hái cà phê, phơi cà phê. Bằng nỗ lực của mình, các năm học cậu học trò này đều học khá, giỏi.
Trong đó, môn Anh văn là môn yêu thích nhất. "Em muốn sau này sẽ làm giáo viên dạy tiếng Anh", Chí cho biết. Còn ước mơ hiện tại thì rất giản đơn, đó là "chỉ muốn gia đình đầm ấm, hạnh phúc".
100 suất học bổng Đèn đom đóm
Từ ngày 10-6 đến 30-8, Tuổi Trẻ Online giới thiệu 100 gương học sinh vượt khó vươn lên trong học tập. Mỗi tấm gương hiếu học sẽ nhận một suất học bổng Đèn đom đóm trị giá 3 triệu đồng. Chương trình do Công ty FrieslandCampina Việt Nam phối hợp cùng báo Tuổi Trẻ tổ chức.
Theo ông Trần Quốc Huân - phó tổng giám đốc Công ty FrieslandCampina Việt Nam, quỹ khuyến học Đèn đom đóm ra đời từ năm 2002 với sứ mệnh thắp lên ước mơ đến trường cho hàng ngàn trẻ em Việt Nam.
Đến nay, chương trình đã trao tặng 25.500 suất học bổng và xây mới, sửa chữa 21 trường học từ Nam ra Bắc. Quỹ Đèn đom đóm muốn lan tỏa tinh thần hiếu học, đem đến động lực học tập và niềm tin vào cuộc sống cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận