Một góc phần đất của dự án kéo dài 22 năm còn vướng đền bù, giải tỏa - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Hầu hết các ý kiến của người dân đều nêu bức xúc khi dự án kéo dài khiến quyền lợi chính đáng của họ bị ảnh hưởng nặng nề.
Khổ sở vì dự án kéo dài 22 năm
Cụ thể họ không được xây nhà, mùa mưa bão phải sang trường học tránh trú, không có hộ khẩu, không được quyền sang nhượng đất, làm sổ đỏ…
Ông Lê Duy Uyển, ngụ tại 305 Nguyễn Hữu Cảnh, phường Thắng Nhất, bức xúc nói dự án kéo dài 22 năm với 7 lần điều chỉnh quy hoạch như một sợi dây thừng buộc người dân. Đề nghị chính quyền và chủ đầu tư không kéo dài thêm nữa, người dân chịu không nổi nữa, phải tháo sợi dây thừng cho người dân.
Ông Lê Duy Uyển phát biểu bức xúc vì dự án kéo dài - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Về chính sách giải tỏa đền bù, người dân đề nghị xin được bố trí tái định cư tại chỗ, yêu cầu khảo sát giá đền bù theo giá thị trường.
Có ý kiến nghi ngờ có sự "lách luật" ở đây bởi dự án thương mại của doanh nghiệp thì chủ đầu tư phải thỏa thuận với người dân để đền bù, chứ không phải chính quyền đứng ra giải tỏa.
Có người cho rằng lỗi dự án kéo dài là do chính quyền và doanh nghiệp bởi người dân muốn hợp thức hóa đất đai, nhà cửa thì chính quyền không cho. Bây giờ đền bù đòi hỏi phải có sổ đỏ, nhà phải có phép mới bồi thường thì làm sao có được.
Ông Hoàng Vũ Thảnh - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - thừa nhận dự án kéo dài một phần do lỗi của chính quyền - Ảnh: ĐÔNG HÀ
Một phần lỗi của chính quyền, một phần lỗi của chủ đầu tư
Ông Hoàng Vũ Thảnh - phó chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - thừa nhận dự án kéo dài một phần do lỗi của chính quyền, một phần do lỗi của chủ đầu tư.
Ông cho biết Thành ủy TP Vũng Tàu yêu cầu cán bộ làm công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phải đặt mình vào vị trí của người bị thu hồi đất để giải quyết. Do đó, người dân bị thu hồi đất cứ yên tâm.
Ông Thảnh cho biết về đất, người dân ở trong vùng dự án từ trước năm 1993 dù không có sổ đỏ vẫn được hỗ trợ bằng với mức bồi thường.
Về vật kiến trúc những căn nhà xây dựng trước 1-7-2004 được hỗ trợ 100%, còn những căn nhà sau thời điểm này mà trước 1-7-2006 thì hỗ trợ 80%…
Ông Thảnh cũng khẳng định dự án trung tâm đô thị thì chính quyền làm đền bù giải phóng mặt bằng và việc giải quyết giải phóng mặt bằng cho hộ gia đình thuộc thẩm quyền cấp huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.
Đáng chú ý, theo ông Thảnh, chính sách đền bù, hỗ trợ trong dự án này là cùng một vị trí, số tiền người dân được đền bù từ Nhà nước cao hơn số tiền người dân phải đóng thuế sử dụng đất khi được bố trí tái định cư hay giao đất ở mới.
Cụ thể ở vị trí 1, đường loại 4, người dân được bồi thường, đền bù gần 15 triệu đồng/m2 và cùng vị trí này khi được bố trí tái định cư, giao đất ở mới người dân chỉ đóng tiền sử dụng đất với giá hơn 8,5 triệu đồng/m2 cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Lập - chủ tịch UBND TP Vũng Tàu - khẳng định bản thân ông và chính quyền TP luôn quan tâm đến đời sống của bà con và cũng bức xúc như bà con vì dự án kéo dài.
Do đó, đề nghị người dân cùng hợp tác để thành phố chỉnh trang đô thị, tạo điều kiện cho người dân có nơi ở đàng hoàng hơn.
Ông Lập cũng yêu cầu cán bộ chức năng phải làm việc hết trách nhiệm, công tâm để quyền lợi của người bị thu hồi đất không bị ảnh hưởng.
Dự án trung tâm đô thị Chí Linh do Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) làm chủ đầu tư, rộng hơn 93 ha thuộc địa bàn các phường Thắng Nhất, phường 10 và phường Nguyễn An Ninh.
Dự án này được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996. Đến nay đã 7 lần điều chỉnh quy hoạch.
Năm 2013 dự án được gia hạn kéo dài đến năm 2023. Đến nay, DIC Corp đã giải tỏa đền bù được hơn 70 ha và xây dựng nhiều công trình. Hơn 20 ha còn lại đang có hơn 100 hộ dân sinh sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận